IS đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công vào một buổi biểu diễn âm nhạc tại thành phố Manchester, Anh đêm hôm 22/5 làm 22 người thiệt mạng và 59 người bị thương. Chính phủ Anh điều động quân đội phối hợp cùng cảnh sát để đề phòng các cuộc tấn công kế tiếp và nâng mức cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất, lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua.

Cảnh tượng nhốn nháo của khán giả tới xem biểu diễn âm nhạc ở Manchester Arena sau khi nghe tiếng bom nổ
Cảnh tượng nhốn nháo của khán giả tới xem biểu diễn âm nhạc ở Manchester Arena sau khi nghe tiếng bom nổ

Theo BBC, cảnh sát Anh thông báo một kẻ đánh bom liều chết gốc Libya đã kích nổ quả bom tự chế tại sảnh chờ của nhà thi đấu Manchester Arena khi những người khác ra về sau khi xem xong live show nhạc pop của nữ ca sĩ người Mỹ Ariana Grande. Nạn nhân dường như đều là người trẻ tuổi, trong đó đã xác nhận danh tính của 1 em bé 8 tuổi, một nữ thiếu niên 18 tuổi và một người đàn ông 28 tuổi. 12 người bị thương là trẻ em dưới 16. Kẻ tấn công đã chết ngay tại hiện trường.

Cảnh sát tiết lộ kẻ tấn công tên là Salman Abedi, 22 tuổi, sinh ra tại Manchester trong một gia đình nhập cư từ Libya, từng học tại đại học Salford. Hiện chưa xác định được Abedi thực hiện vụ khủng bố một mình hay là thành viên của nhóm nào. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS thông qua kênh truyền thông của mình trên ứng dụng nhắn tin Telegram đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công trên. IS cảnh báo: “những điều xảy ra tiếp theo sẽ còn tồi tệ hơn đối với những kẻ thờ phụng thập tự giá“.

Thủ tướng Anh Theresa May, trong một phát biểu trực tiếp trên truyền hình thông báo chính phủ đã nâng mức cảnh báo nguy cơ khủng bố lên “nguy kịch”. Lần gần đây nhất Anh sử dụng mức cảnh báo này là năm 2007, hai năm sau vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất nước Anh, trong đó 4 tên khủng bố Hồi giáo đã cho nổ bom giết chết 52 người tại London.

Bà May lên án cuộc tấn công là “hèn nhát và bệnh hoạn” và chính phủ của bà sẽ “thực hiện mọi biện pháp có thể để giúp cảnh sát bảo vệ người dân”.

Tinh thần của Manchester và tinh thần của nước Anh lớn mạnh hơn nhiều âm mưu bệnh hoạn của những kẻ khủng bố sa đoạ. Đây là lý do vì sao chúng sẽ không bao giờ chiến thắng và chúng ta sẽ chiến thắng“, bà May nói.

“Nguy kịch” là mức cảnh báo khủng bố cao nhất được quyết định bởi Trung tâm Phân tích Khủng bố liên ngành, gồm các chuyên gia đến từ cơ quan cảnh sát, các bộ và tổ chức khác trong chính phủ. Mức cảnh báo này nghĩa là chính phủ thừa nhận các cuộc tấn công khủng bố tiếp theo có thể xảy ra ngay lập tức.

Tối hôm qua 23/5, hàng ngàn người dân Anh tại Manchester và những thành phố khác đã tổ chức tưởng niệm nạn nhân của vụ tấn công nghiêm trọng nhất trong hơn 10 năm qua này và thể hiện sự đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Sẽ lại có những thời điểm khó khăn trên đường phố của thành phố chúng ta, nhưng chúng ta không chấp nhận bị đánh bại và không cần sự thương hại của bất cứ ai. Bởi vì đây là nơi chúng ta đứng lên mạnh mẽ cùng nhau, với một nụ cười trên mặt, Manucian (người dân tại Manchester) mãi mãi“, nhà thơ Tony Walsh đọc trong buổi tưởng niệm.

Theo BBC, nguyên nhân chính phủ Anh buộc phải nâng cảnh báo lên mức cao nhất là vì họ không thể xác định được kẻ đánh bom Abedi hành động một mình hay còn có những kẻ khác tương tự. Quân đội đã được điều động canh gác ở các điểm nút giao thông quan trọng trong khi các hoạt động tập trung đông người như đấu bóng và biểu diễn âm nhạc trên khắp cả nước sẽ được tăng cường kiểm tra an ninh chặt chẽ hơn.

Đức Trí