Vài tuần trước khi ông Raul Castro từ chức Chủ tịch nước, Đảng Cộng sản Cuba thừa nhận chậm trễ và sai lầm trong việc thi hành các cải cách kinh tế thị trường nhưng vẫn tuyên bố quyết tâm tiếp tục nâng cấp nền kinh tế mệnh lệnh theo kiểu Xô Viết.

Embed from Getty Images

Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Cuba hôm 27/3 tổ chức một phiên họp toàn thể để thảo luận những cải cách được thực hiện dưới thời Raul Castro. Những đổi mới này bao gồm: mở cửa nền kinh tế và giao cho lĩnh vực tư và đầu tư nước ngoài vai trò lớn hơn.

Ông Raul Castro, 86 tuổi, sẽ thôi chức Chủ tịch nước vào ngày 19/4 này nhưng vẫn là người đứng đầu Đảng Cộng sản Cuba cho tới năm 2021.

Báo đảng Granma tại Cuba dẫn lời ông Castro nói: “Dù thừa nhận nhiều sai lầm và kém hiệu quả trong phiên họp toàn thể này, nhưng tình hình hiện nay đã khá hơn vài năm trước”.

Chương trình cải cách kinh tế Cuba được thi hành ngay trong 3 năm đầu tiên kể từ khi được thông qua vào năm 2011. Số lao động tự làm chủ tại đảo quốc Ca-ri-bê có dân số 11, 2 triệu đã tăng gấp ba, tức là khoảng 580.000 công nhân.

Tuy nhiên việc thi hành đã chậm lại trong hai năm qua. Nguyên nhân theo ông Marino Murillo, chủ tịch ủy ban cải cách đảng, là vì nền hành chính quan liêu, sự phức tạp của tiến trình cải cách, các sai lầm trong việc giám sát thực hiện, và thiếu hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực tư nhân.

Theo ông Murillo , Đảng Cộng sản Cuba cũng cố ý thi hành cải cách chậm để đảm bảo là không gạt ra ngoài lề bất cứ ai.

Trong năm 2017, chính phủ Cuba đã dừng cấp phép cho những hoạt động quan trọng trong lãnh vực tư để tìm cách loại trừ những việc làm xấu như mua bán trên thị trường chợ đen và cải thiện các quy định.

Nhiều người Cuba đặt hy vọng vào chương trình đổi mới của ông Castro, nay thể hiện bất bình vì sự chậm chạp mà họ tin rằng điều này có nghĩa là chính phủ Havana không thực sự muốn nâng cấp nền kinh tế.

Chính phủ cũng không giải quyết những quan ngại của lãnh vực tư như thiếu thị trường bán sỉ hay cho phép xuất, nhập khẩu.

Theo Reuters, vài năm qua, Havana cũng đang bị tụt hậu trong việc cải cách khu vực nông nghiệp quan trọng. Chính phủ Cuba vẫn nắm quyền phân bổ nguồn lực, ấn định giá cả và kiểm soát hầu hết các việc phân phối hàng hóa.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: