Ngày 4/4 vừa qua, tờ Daily Telegraph của Úc đã đăng tải một bài viết trả lời trực tiếp một bức thư của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Úc. Cuộc bút chiến này xoay quanh việc tờ Daily Telegraph đăng tải các thông tin về dịch COVID-19 mà Lãnh sự quán Trung Quốc cho là “ngạo mạn”. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết, bản gốc xem tại đây.

*

Thông qua tay sai cộng sản địa phương [tại Úc],
Bắc Kinh chính thức lên tiếng phản đối

Tuần qua, tờ Daily Telegraph đã nhận được một bức thư từ Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Úc, ông có một “chút xíu” vấn đề với công việc tổng hợp tin tức “xuất sắc” về thảm họa corona virus của chúng tôi.

Dưới đây là phản hồi của chúng tôi (phần in thường) về từng ý kiến trong thư (phần in đậm) tới ngài Tổng lãnh sự và Chế độ độc tài Cộng sản tại Trung Quốc:

Gần đây, tờ Daily Telegraph đã xuất bản một số báo cáo và ý kiến về phản ứng của Trung Quốc trong dịch COVID-19, các bài viết thật ngu dốt, định kiến và ngạo mạn.

Nếu một tờ báo nhà nước tại Trung Quốc nhận được điều phàn nàn tương tự, những ngày sau đó, phóng viên của họ có thể sẽ tỉnh dậy trong tù và phát hiện ra nội tạng của mình đã bị thu hoạch. (*)

(*) Ám chỉ về tội ác thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.

Truy tìm nguồn gốc của virus là vấn đề khoa học, cần các đánh giá chuyên nghiệp và khoa học.

Đúng vậy. Vậy thì tuyên bố mà phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đưa ra vào ngày 12/3 rằng “có thể quân đội Mỹ đã mang virus tới Vũ Hán” chuyên nghiệp và khoa học đến đâu?

Hong Kong Free Press: Hãy cùng gọi nó là virus corona Trung Cộng

Nguồn gốc của virus vẫn chưa được xác định, và tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đặt tên cho nó là virus corona “COVID-19”.

WHO cũng đã chỉ định kẻ giết người tại Zimbabwe, Robert Mugabe, làm Đại sứ Thiện chí, và tuyên bố vào ngày 2/3 rằng “việc sợ hãi” còn “nguy hiểm hơn chính virus”.

WHO đã làm rất nhiều việc ngu xuẩn.

Vì thế, tờ báo có động cơ thực sự là gì khi liên tục gán virus cho Trung Quốc, thậm chí còn nói rằng virus corona mới này là “made in China”?

Động cơ của chúng tôi là tính chính xác. Vì thế chúng tôi không gán virus cho Bognor Regis (một thị trấn tại Anh) hay nói rằng chúng là “made in Panama” (một quốc gia Trung Mỹ).

Người dân Vũ Hán đã nỗ lực và hy sinh để chấm dứt việc lây lan đại dịch.

Bác sĩ Lý Văn Lượng của Vũ Hán đúng là đã nỗ lực để cảnh báo mọi người về vụ bùng phát dịch. Sau đó, như tờ New York Times đưa tin: “Đầu tháng 1, anh bị gọi tới gặp các quan chức y tế và cảnh sát, và buộc phải ký một tuyên bố thú nhận các cảnh báo của anh trước đó là không có cơ sở và là tin đồn phạm pháp.”

Và hiện bác sĩ đã mất, vì thế việc này cũng bao hàm cả “sự hy sinh cá nhân”.

Tuy nhiên, nhằm thu hút chú ý và nhận được nhiều bài có lượng người xem cao, tờ báo đã gọi Vũ Hán là “vùng đất Zombie” và chợ hải sản Vũ Hán là “chợ dơi” (bat market). Các anh còn có thể thấp hèn đến mức nào?

Ở thế giới văn minh, “Bradman bats and bats and bats”(*) là một đầu đề báo nổi tiếng.

(*) Chơi chữ. “Bat” trong tiếng Anh vừa có nghĩa là dơi, vừa có nghĩa là gậy chơi cricket. Bradman là một huyền thoại cricket.

Ở Vũ Hán, dòng chữ trên là tên của một quán ăn.

Tính hiệu quả của việc phòng chống và kiểm soát đại dịch của Trung Quốc đã cho thấy đầy đủ triết lý lấy con người làm trung tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và tính ưu việt cao của chế độ Trung Quốc.

Năm 2018, tổ chức nhân quyền Amnesty International báo cáo rằng Trung Quốc hành quyết người dân nhiều hơn toàn bộ số vụ hành quyết trên thế giới cộng lại.

Xin hãy nói cho chúng tôi biết thêm về “triết lý lấy con người làm trung tâm”, triết lý ấy cần bao nhiêu băng đạn?

Thay vì chấp nhận và đối diện với sự thật, các bài viết của tờ báo đã ngang ngạnh tấn công và bôi nhọ Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc bằng ngôn ngữ xấu xa.

Ấy vậy mà chúng tôi vẫn chưa bị bắt hay bị bắn! Công lý ở đâu?

Cách nhìn của tờ báo dựa trên phúc lợi của người dân hay định kiến tư tưởng?

Chúng tôi thú nhận là có định kiến tư tưởng đối với một chế độ bạo ngược chết chóc. Đó là thất bại bi thảm của chúng tôi.

Kể từ ngày 3/1, Trung Quốc đã cập nhật với WHO và cộng đồng quốc tế một cách kịp thời và minh bạch.

Ngày 14/1, 11 ngày sau cập nhật “kịp thời và minh bạch”, WHO đã tuyên bố thông tin sai lệch nghiêm trọng của Trung Quốc:

Các cuộc điều tra đầu tiên của chính quyền Trung Quốc không cho thấy bằng chứng rõ ràng về việc truyền nhiễm từ người qua người đối với chủng corona virus mới (2019-nCoV) được xác định tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Daily Telegraph bút chiến với Lãnh sự quán Trung Quốc về dịch COVID-19

Đại dịch đang lan ra trên toàn cầu, và Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để ủng hộ những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hàng ngàn bộ thử corona virus và khẩu trang y tế sản xuất tại Trung Quốc đã được xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, và Hà Lan là những sản phẩm “dưới chuẩn hoặc lỗi”, theo BBC.

Và đài ABC tuần qua đã báo cáo rằng hơn 800.000 khẩu trang đã bị nhân viên Hải quan Úc thu giữ sau khi phát hiện là sản phẩm “giả hoặc lỗi“.

Cám ơn vì Trung Quốc đã giúp đỡ.

Virus lây lan không biên giới.

Thế thì tại sao Trung Quốc đóng cửa biên giới vào ngày 28/3, trong khi đó vẫn tuyên bố đã chiến thắng việc lây lan corona virus?

Tờ báo đã liên tục đặt dấu hỏi về những tuyên bố tích cực của WHO về việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch của Trung Quốc, nhưng chắc chắn các anh biết rằng WHO là tổ chức quốc tế có thẩm quyền nhất trong y tế toàn cầu, với hơn 190 thành viên bao gồm cả Úc?

Ôi đừng nhìn vào số lượng thành viên ấy, thật chói lòa như ánh mặt trời!

Không tôn trọng thông tin có thẩm quyền từ Trung Quốc và ý kiến chuyên gia của WHO, tờ báo lại dẫn lời của một số người gọi là “nhà phân tích chiến lược”… Liệu tờ báo có biết rằng cơ quan mà những người này làm việc đã bị phơi bày là nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ Mỹ…?

Năm ngoái, Hoa Kỳ đóng ghóp 900 triệu USD cho tổ chức WHO “thần thánh”. Ý của ngài thế nào?

Việc đưa tin của tờ báo về đại dịch tại Trung Quốc là cường điệu hóa, tràn đầy tin đồn, và có tính chính trị hóa cao độ.

Chúng tôi thật hư đốn quá!

Hãy gửi cho chúng tôi tuyên bố về “tin đồn không có cơ sở và phi pháp” của bác sĩ Lý Văn Lượng, để chúng tôi có thể ký và được tha thứ.

Cập nhật: Một bạn đọc tên Tim viết: Xin hãy nói rằng bài viết này thực sự được gửi cho họ (lãnh sự quán Trung Quốc).

Còn tốt hơn thế. Nó được xuất bản trên trang 6-7 của tờ Daily Telegraph báo giấy thứ 7 hàng tuần:

Daily Telegraph bút chiến với Lãnh sự quán Trung Quốc về dịch COVID-19

Tim Blair, The Daily Telegraph
Minh Nhật biên dịch