Gần đây, nhiều nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu cuộc khủng hoảng virus corona sẽ thay đổi trật tự thế giới ra sao.

taiwannhanquyen
Bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan tham gia lễ trao giải “Giải thưởng Nhân quyền Dân chủ châu Á 2017”. (Ảnh: Flickr)

Hiệu quả xuất sắc của Đài Loan trong cuộc chiến chống virus corona khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về vị thế quốc tế của quốc gia này. Đây cũng là chỗ mà Mỹ và châu Âu thể hiện sự lãnh đạo trên thế giới của mình.

Trong 20 năm làm việc tại Thượng viện Hoa Kỳ, tôi đã dành mối quan tâm nhiệt thành đối với Đài Loan và lịch sử của họ. Tôi là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương về Quan hệ đối ngoại và đã thực hiện ít nhất 22 chuyến thăm đến đảo quốc này. Tôi cũng được mời làm quan sát viên cho hai cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan.

Tôi đã quan sát làm thế nào trong ba thập kỷ qua, người Đài Loan có thể từ bỏ chế độ độc tài của những người Quốc Dân Đảng đến từ Trung Quốc trong những năm 1940 cùng với Tưởng Giới Thạch. Đất nước này hiện là một quốc gia dân chủ sôi động, tôn trọng nhân quyền dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thái Anh Văn. Tự do ngôn luận, tự do bầu cử và tự do báo chí đã in sâu vào nền chính trị quốc gia, ý thức, cũng như văn hóa của người Đài Loan.

Vấn đề là nguyên tắc cơ bản của Mỹ và châu Âu về chính sách “Một Trung Quốc” vào những năm 1970, khi đó có hai chế độ, những người theo CN Cộng sản (ĐCSTQ) và những người theo Chủ nghĩa Dân tộc (Quốc Dân Đảng) đều tuyên bố đại diện cho toàn thể Trung Quốc. Chính sách của chúng ta đã không theo kịp thực tế khi Đài Loan hiện giờ là một quốc gia dân chủ và tự do với chính phủ do người dân của hòn đảo bầu lên. Thực tế này trở nên rõ ràng hơn vào tháng 1 năm nay khi người dân Đài Loan bầu lại Tổng thống Thái Anh Văn với số phiếu áp đảo 57,1% (so với 38,6% của đối thủ Quốc Dân Đảng, Hàn Quốc Du, thị trưởng thành phố Cao Hùng thân Trung Quốc). Tổng thống Thái hiện giờ có đầy đủ quyền lực để thực hiện nhiều hơn các cải cách về kinh tế, tư pháp và các vấn đề đối nội cần thiết khác.

Nhưng vẫn còn một thách thức rất lớn: chế độ cộng sản Bắc Kinh, vốn không muốn Đài Loan có bất cứ quan hệ quốc tế nào, đã giở trò triệt tiêu các đồng minh ngoại giao của họ (như quần đảo Solomon và Kiribati vào tháng 9 năm 2019), và ngăn chặn mọi nỗ lực của Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế như UN, ICAO, Cảnh sát quốc tế và WHO. Phương Tây – Mỹ và châu Âu – đã ngấm ngầm chấp nhận điều đó trong một thời gian quá lâu. Chúng ta đã làm ngơ và không đặt ưu tiên cho tư cách thành viên của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế.

Tại Mỹ, chúng ta đã ẩn mình dưới một công thức cực kỳ mờ nhạt và vô ích khi “chỉ ủng hộ tư cách thành viên của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế không yêu cầu tư cách quốc gia.” Cụm từ này bắt đầu từ chính sách “Ba Không” lạc hậu của chính quyền Bill Clinton vào năm 1998, nhưng thông qua sự trì trệ quan liêu theo một cách nào đó, đã tiếp tục lan tỏa thành các công thức được Bộ Ngoại giao sử dụng cho đến gần đây. Công thức này cần được loại bỏ để đơn giản là “ủng hộ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế”.

Các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và kịp thời của Đài Loan đã khiến chúng ta nhận ra rằng sự cô lập chính trị và ngoại giao do chế độ độc tài Bắc Kinh áp đặt lên Đài Loan, và ngay cả sự trì trệ quan liêu của chính chúng ta, nên là quá khứ. Không có lý do gì để những quốc gia dân chủ và tự do trên thế giới phải tiếp tục chịu đựng tình trạng này.

Để thực hiện được điều đó, quan trọng là Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng khác ở châu Âu, châu Á, Úc và New Zealand phải thuyết phục Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế khác chấp nhận Đài Loan như một đối tác toàn vẹn và bình đẳng.

Thế giới tự do cần đứng lên vì những nguyên tắc tự do, dân chủ và nhân quyền của mình, chào đón Đài Loan tham gia vào cộng đồng các quốc gia độc lập bằng cách tiến tới thiết lập và bình thường hoá quan hệ giao song phương, khẳng định vị trí của họ trong cộng đồng quốc tế.

Frank Murkowski (Nguyên Thượng Nghị sĩ Mỹ)

Xuân Lan dịch (Theo Taiwan News)