Quốc hội Đài Loan hôm thứ Ba (31/12) đã thông qua luật chống xâm nhập để chống lại các mối đe dọa rõ ràng từ Trung Quốc. Động thái này diễn ra trong thời điểm Đài Loan chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 11/1 và đang gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

Embed from Getty Images

Luật chống xâm nhập là một phần của nỗ lực nhiều năm chống lại điều mà nhiều người Đài Loan coi là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng tới chính trị và nền dân chủ thông qua tài trợ bất hợp pháp cho các chính trị gia, truyền thông và các phương thức ngầm khác.

Động thái mới nhất này của Đài loan có thể sẽ gia tăng thêm mâu thuẫn vốn đã tăng cao với Đại Lục. Chính quyền Trung Quốc nghi ngờ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn muốn thúc đẩy độc lập chính thức cho Đài Loan và Bắc Kinh từ năm 2016 đã gia tăng áp lực lên chính quyền của bà Thái cả về cô lập ngoại giao và đe dọa quân sự.

>>Trung Quốc sử dụng chiến lược “kéo và đẩy” trước thềm bầu cử Đài Loan

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đặt ra mối đe dọa cho tất cả các nước, và Đài Loan đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất,” nhà lập pháp Chen Ou-po thành viên của Đảng Dân Tiến (DPP) chiếm đa số trong Quốc hội Đài Loan nói sau khi luật chống xâm nhập được bỏ phiếu thông qua.

Đài Loan đang ở trên tuyến đầu của sự xâm nhập từ Trung Quốc và rất cần luật chống xâm nhập để bảo vệ các quyền của người dân,” nhà lập pháp Chen Ou-po nói.

Các nghị sĩ của DPP hoàn toàn ủng hộ dự luật và bỏ phiếu thông qua với kết quả 67-0. Thành viên của Quốc Dân Đảng đối lập phản đối dự luật này, gọi đây là “công cụ chính trị” để DPP giành phiếu bầu, đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu này.

Dự luật vừa được thông qua dự kiến sẽ được Tổng thống Thái Anh Văn ký thành luật vào đầu tháng Một. Khi luật này có hiệu lực chính thức sẽ tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ nỗ lực chấm dứt các hoạt động tài trợ chính trị của Trung Quốc trên hòn đảo dân chủ này như các chiến dịch vận động hành lang hoặc bầu cử. Theo luật, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt tối đa 7 năm tù giam.

Quốc Dân Đảng cho biết họ ủng hộ các nỗ lực bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ mối đe dọa xâm nhập nào, nhưng cáo buộc DPP đã vội vàng thông qua luật này để giành phiếu bầu, gọi đó là mối đe dọa cho nền dân chủ Đài Loan.

Theo Reuters, nhiều nhà lập pháp của Quốc Dân Đảng đã biểu tình ngồi trước bục phát biểu trong suốt phiên họp quốc hội thông qua luật chống xâm nhập. Các nhà lập pháp này cầm theo các biển hiệu ghi “Phản đối luật tồi tệ” và “Đang phá hoại nhân quyền”, đồng thời đeo khẩu trang màu đen trên đó ghi “Phản đối”.

Reuters cũng ghi nhận có nhiều người ủng hộ Quốc Dân Đảng đã tổ chức biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội, kêu gọi các nhà lập pháp rút lại luật mà họ coi là “hủy hoại” mối quan hệ giữa hai bờ Eo biển Đài Loan.

Văn phòng hoạch định chính sách Đài Loan của Bắc Kinh tuần trước đã lên tiếng phản đối dự luật xâm nhập của Đài Loan. Cơ quan của chính quyền Bắc Kinh này nói rằng DPP đang cố gắng “đảo ngược trắng trợn” nền dân chủ và gia tăng sự thù địch.

Phản ứng với tuyên bố của Bắc Kinh, Tổng thống Thái Anh Văn nói rằng việc nhà nước chuyên chế Trung Quốc thiếu dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận mà lại sử dụng giọng điệu dân chủ để chỉ trích luật của Đài Loan thì rõ ràng là đạo đức giả.

Hôm Chủ Nhật (29/12), trong khi cảnh báo người dân Đài Loan về mối nguy hại đến từ Trung Quốc Đại Lục, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trích đọc một lá thư của một người Hồng Kông gửi cho bà, trong đó kêu gọi người Đài Loan “đừng tin Cộng sản”.

>>Tổng thống Đài Loan: Đừng tin Trung Quốc Cộng sản

Tôi kêu gọi người dân Đài Loan không tin Cộng sản Trung Quốc, không tin bất kỳ quan chức thân Cộng sản nào và không rơi vào bẫy tiền của Trung Quốc,” bà Thái trích đọc một lá thư của một người Hồng Kông gửi bà trong khi tranh luận với đối thủ Hàn Quốc Du của Quốc Dân đảng hôm 29/12.

Vấn đề nhức nhối nhất của Đài Loan đến từ tham vọng bành trướng của Trung Quốc”, bà Thái nói. “Tình hình ở khu vực chúng ta đang ngày càng phức tạp và chủ quyền của Đài Loan, tự do và lối sống của chúng ta đang bị đe dọa bị tước đoạt và phá hoại”.

Bà Thái cảnh báo rằng Đài Loan sẽ trở thành mục tiêu kế tiếp nếu hòn đảo này gục ngã trước áp lực của Trung Quốc và chấp thuận sự cai trị của Bắc Kinh.

Như Ngọc