Ngày 10/12, Đại học Michigan (Mỹ) đã phát đi tuyên bố cho biết, nhà trường sẽ đóng cửa Viện Khổng Tử vào năm tới, đồng thời sẽ tiến hành điều chỉnh lại tất cả các chương trình văn hóa Trung Quốc trong trường. 

Viện Khổng Tử
Lễ gắn biển Viện Khổng Tử tại Đại học Michigan năm 2009 (Ảnh từ trang web của Văn phòng Viện Khổng Tử, Đại học Nhân dân Trung Quốc)

Viện Khổng Tử là cơ cấu giáo dục được chính phủ Trung Quốc tài trợ, được phụ trách bởi Hanban (Hán Ban) trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Viện Khổng Tử bị coi là công cụ để chính quyền Trung Quốc thâm nhập vào các nước khác. Trước đó nhiều nghị viên Quốc hội Mỹ đã kêu gọi đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử tại Mỹ.

Ngày 10/12, Đại học Michigan cho biết đã quyết định sau khi các thỏa thuận liên quan hết hạn vào năn tới (2019), nhà trường sẽ không tiếp tục gia hạn lần thứ 3 cho Viện Khổng Tử mở trong khuôn viên trường. Quyết định này đã được chính thức gửi tới Hanban có trụ sở tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, đến tháng 6/2019, Viện Khổng Tử tại trường này có thể vẫn sẽ tiếp tục cung cấp các chương trình hoặc tổ chức hoạt động về văn hóa, trong đó có cả chương trình biểu diễn Kinh kịch vào tháng 4/2019.

Tuyên bố nhấn mạnh, tình hữu nghị giữa Đại học Michigan và Trung Quốc có thể truy ngược lại từ những năm 1850, phía nhà trường vẫn tiếp tục tìm kiếm các dự án nghệ thuật Trung Quốc có ích với nhà trường và cho cộng đồng.

Viện Khổng Tử tại Đại học Michigan được thành lập năm 2009, từng được Hanban đặt cho tên gọi “Viện Khổng Tử tiên tiến”.

Bên cạnh đó, tháng 9 vừa qua, Đại học Michigan đã đóng cửa Trung tâm Thông tin Trung Quốc (Chinese Data Center,CDC) mà không báo trước, phía nhà trường cho biết, trung tâm “không có nhiều hiệu quả”. Khi đó, người phát ngôn của Đại học Michigan Kim Broekuizen nói, việc đóng cửa trung tâm này đã được nội bộ nhà trường thẩm tra, nguyên nhân chủ yếu là trung tâm này cần phải tiến hành nâng cấp kỹ thuật quan trọng.

Trung tâm Thông tin Trung Quốc được thành lập năm 1997, mới đầu thuộc Học viện Quốc tế của Đại học Michigan, năm 2012 trở thành đối tác hợp tác Liên minh nghiên cứu Chính trị và Xã hội (ICPSR).

Mỹ đóng cửa nhiều “Viện Khổng Tử”

Hiện tại, đã có nhiều trường đại học tại Mỹ đóng cửa Viện Khổng Tử.

Ngày 14/8 năm nay, Đại học Bắc Florida (University of North Florida) cho biết, Viện Khổng Tử được phía Trung Quốc mở tại trường từ năm 2014 sẽ đóng cửa vào tháng 2 năm sau (2019) do không phù hợp với nhu cầu của nhà trường. Phía nhà trường tuyên bố cho biết, “Xem xét lại các khóa học và hoạt động tài trợ trong 4 năm qua, nhà trường thấy rằng mục tiêu và sứ mệnh của nhà trường và Viện Khổng Tử không hợp với nhau”.

Thời điểm đó, nhiều Thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ chỉ trích Viện Khổng Tử đã cũng đã chia sẻ trên Twitter để ủng hộ quyết định đóng cửa Viện Khổng Tử của trường Đại học Bắc Florida.

Ngoài ra, Đại học Chicago, Đại học Pennsylvania, Đại học Tây Florida, Đại học Bắc Carolina và Đại học Iowa cũng đã tuyên bố chấm dứt mối quan hệ hợp tác của họ với Viện Khổng Tử Trung Quốc. Viện Khổng Tử tại Đại học Illinois tại Urbana–Champaign cũng đã đóng cửa vào tháng 9/2017.

Hồi tháng 8, Đài BBC đã nhận được thông tin từ Hiệp hội Học giả toàn quốc Mỹ rằng, đã có 9 trường đại học tại Mỹ đóng cửa Viện Khổng Tử.

Rachelle Peterson, người phụ trách giám sát công trình nghiên cứu của hiệp hội này trả lời BBC rằng, hiệp hội tán thành quyết định của các trường, cũng như kêu gọi các trường đại học khác cũng noi gương đóng cửa Viện Khổng Tử. Bà nói, “Viện Khổng Tử hạn chế các luận thuật liên quan đến Trung Quốc, dùng để tô vẽ cho chính phủ Trung Quốc, thủ pháp tuyên truyền này không nên tồn tại trong học phủ giáo dục bậc cao.”

Viện Khổng Tử: Công cụ để Trung Quốc xâm nhập vào các nước khác

Hiện nay tại Mỹ có hơn 100 Viện Khổng Tử. Theo BBC, bắt đầu từ năm 2014, Trung Quốc đã thành lập nhiều Viện Khổng Tử tại nước ngoài, đến cuối năm ngoái (2017), tại hơn 140 quốc gia đã thành lập hơn 500 Viện Khổng Tử. Tuy nhiên vấn đề mà Viện Khổng Tử khiến nhiều người lo ngại đó là: Can thiệp vào tự do học thuật, làm gián điệp và thu thập thông tin tình báo, Viện Khổng Tử “không liên quan gì tới học thuyết của đức Khổng Tử”.

Năm 2017, bà Rachelle Peterson đã viết một báo cáo cho Hiệp hội học giả Mỹ, chỉ ra Viện Khổng Tử cố ý né tránh các vấn đề lịch sử chính trị và nhân quyền tại Trung Quốc. Những học viện này sẽ không bàn luận về sự kiện thảm sát Thiên An Môn, nếu trên lớp học mà nói về “Thiên An Môn”, thì họ sẽ chỉ đưa ra những hình ảnh về “Thiên An Môn” và nói rằng kiến trúc của nó rất đẹp.

Ngoài tự do học thuật, Rachelle Peterson cũng lo lắng về việc gián điệp mạng của Trung Quốc thâm nhậm vào giáo dục bậc cao của Mỹ. Bà cho biết, có trường khi đóng cửa Viện Khổng Tử, họ biểu thị lo ngại về gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Từ đầu năm nay, Thượng nghị nghĩ Mỹ Rubio, Ted Cruz, Joe Wilson cùng thúc đẩy lập pháp để ngăn chặn hoạt động gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ tại các cơ sở giáo dục bậc cao của Mỹ, yêu cầu Viện Khổng Tử đăng ký “đại lý nước ngoài” với Bộ Tư pháp Mỹ. Đồng thời yêu cầu các trường công khai số tiền mà các tổ chức nước ngoài quyên góp, cho rằng nếu trường học hợp tác với Viện Khổng Tử thì sẽ không được sự tài trợ từ chính phủ liên bang Mỹ.

Bên cạnh đó, một học giả Mỹ tên Kran cũng cho biết, “Cái tên ‘Viện Khổng Tử’ này khiến người ta hiểu lầm, tuyệt đại đa số nội dung mà Viện Khổng Tử giảng dạy không liên quan gì đến học thuyết của Khổng Tử”.

Ông Bào Đồng – Thư ký của cố lãnh đạo Trung Quốc Triệu Tử Dương có chia sẻ trên Twitter rằng, Viện Khổng Tử và Khổng Phu Tử không có liên quan gì với nhau. “Hiện tại các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới, đều đang chà đạp vị hiền triết này và học thuyết của ông.” 

Nghị sĩ Mỹ yêu cầu đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử tại Mỹ

Nhiều người cho rằng Viện Khổng tử về danh nghĩa là cung cấp “các khóa học tiếng Trung”, nhưng thực tế lại là một cơ cấu đang hướng ra toàn thế giới để tiến hành thâm nhập chính trị và hoạt động gián điệp. Chính phủ Mỹ, Canada, Úc và các tổ chức dân sự đã bắt đầu chống lại hành động này.

Ngày 24/8, Ủy ban Thẩm định An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung (USCC) thuộc Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo cho biết, Trung Quốc thông qua các cơ cấu học thuật như Viện Khổng Tử và các đoàn thể khác để tiến hành thống nhất, tổ chức các hoạt động kháng nghị, bóp méo lịch sử và ủng hộ lập trường chính trị của Bắc Kinh. Báo cáo tiết lộ, Viện Khổng Tử cũng là nơi phục vụ cho công tác mặt trận thống nhất của chính quyền Trung Quốc, ưu tiên thúc đẩy những công việc của Bắc Kinh, đảo lộn các nguyên tắc học thuật quan trọng như tự do học thuật, v.v.

Tại buổi điều trần có chủ đề “Trung Quốc xâm nhập và lợi dụng giới học thuật Mỹ” do Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ tổ chức hồi tháng 8, Thượng nghị sĩ Marco Rubio yêu cầu Mỹ đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử, các đại học tại Mỹ cần chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử.

Ông chỉ ra Trung Quốc lợi dụng Viện Khổng Tử để đào tạo người học trở thành “người đại diện cho sức ảnh hưởng của Trung Quốc”, đồng thời ông cũng chỉ ra, dưới sự chỉ thị của chính phủ Trung Quốc, Viện Khổng Tử  vẫn luôn được dùng để chèn ép tự do học thuật trong các trường học ở Mỹ.

Vì sao Viện Khổng Tử của Trung Quốc có thể thâm nhập vào xã hội phương Tây? Tiến sĩ Vương Quân Đào (Wang Juntao) cư trú tại Mỹ phân tích, một mặt là lợi dụng chỗ hở của nền pháp chế phương Tây. Họ kiến nghị các nước phương Tây không nên để cơ cấu tuyên truyền của Trung Quốc đăng ký làm cơ cấu học thuật, không nên để cho Trung Quốc dùi vào kẽ hở của chế độ Tư pháp phương Tây, không nên để cho Trung Quốc có không gian hợp pháp như vậy.

Ông nói, “Bởi Viện Khổng Tử không phải là cơ cấu học thuật, bản chất là công cụ tẩy não người học của chính quyền Trung Quốc. Giống như nhiều người vẫn nói rằng, đảng Cộng sản trung Quốc chưa bao giờ để cho truyền thông của Mỹ phát triển một cách tự do tại Trung Quốc, vì sao Mỹ lại không hạn chế sự phát triển của truyền thông Trung Quốc trên đất Mỹ chứ.”

Huệ Anh

Xem thêm: