Tiếp sau hàng loạt các nước tẩy chay Huawei, ZTE, hôm 17/12, một cơ quan giám sát an ninh thông tin và mạng trực tuyến quốc gia của chính phủ Cộng hòa Czech đã lên tiếng cảnh báo các nhà mạng của nước này không nên sử dụng phần mềm hay phần cứng của các nhà cung cấp Trung Quốc như Huawei và ZTE. Cơ quan này nói rằng thiết bị của các công ty viễn thông Trung Quốc đặt ra mối đe dọa về an ninh.

huawei
Huawei hiện là công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. (Ảnh qua Getty Images)

Theo Reuters, ông Dusan Navratil, Giám đốc của Cơ quan An ninh Thông tin và Mạng Quốc gia Czech hôm 17/12 đã phát đi tuyên bố cho hay: “Luật pháp Trung Quốc… yêu cầu các công ty tư nhân đặt trụ sở tại nước này phải hợp tác với các cơ quan tình báo nhà nước, vì vậy việc đưa họ [tham gia] vào các hệ thống nhà nước quan trọng có thể đặt ra mối đe dọa”.

Ông Navratil nói thêm rằng các nhà quản lý hệ thống của các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu dù là nhà nước hay tư nhân tại Czech nên thực hiện “các biện pháp đầy đủ” để chống lại mối đe dọa này.

Cơ quan giám sát an ninh của chính phủ Cộng hòa Czech cũng nói rằng cảnh báo của họ là dựa trên cơ sở các phát hiện của chính họ và những thông tin khuyến cáo từ các nước đồng minh.

Reuters cho biết hiện nay một số nhà mạng tại Czech đã kiểm tra thử mạng 5G tại một số địa phương, trong khi đó tập đoàn đầu tư PPF, đơn vị chủ quản của nhà cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông hàng đầu Cộng hòa Czech, CETIN đã ký một bản ghi nhớ với Huawei để hợp tác về xây dựng mạng 5G. Một cuộc đấu giá tần số cho đường truyền 5G tại Czech dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2019.

Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, hiện nay đang phải đối mặt với việc giám sát kỹ lưỡng tại phương Tây vì các nước quan ngại về mối quan hệ của tập đoàn viễn thông này với chính phủ Trung Quốc. Các nước cho rằng các thiết bị của Huawei có thể bị chính phủ Trung Quốc sử dụng vào hoạt động gián điệp.

Reuters, dẫn nguồn tin giấu tên, cho biết các quan chức chính phủ Mỹ đang thuyết phục Deutsche Telekom của Đức – cổ đông chính của nhà mạng Mỹ T-Mobile dừng sử dụng thiết bị Huawei.

Vào đầu tháng này, Reuters cũng dẫn một số nguồn tin riêng của họ nói rằng Nhật Bản có kế hoạch cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của Huawei và ZTE nhằm tăng cường khả năng phòng vệ của nước này chống lại rò rỉ thông tin tình báo và các cuộc tấn công mạng.

Cơ quan tình báo New Zealand vào tháng Mười Một đã bác bỏ yêu cầu của một nhà cung cấp viễn thông về việc sử dụng thiết bị 5G Huawei. Trước đó, chính phủ Úc cũng đã cấm Huawei cung cấp thiết bị mạng 5G của nước này. Cả Úc và New Zealand đều viện dẫn lý do quan ngại về an ninh quốc gia để cấm Huawei.

Mỹ và các nước đồng minh cũng như cộng đồng quốc tế càng chú ý nhiều hơn tới Huawei khi hôm 1/12 Canada theo đề nghị của Mỹ đã bắt bà Mạnh Vãn Châu – Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Huawei. Bà Mạnh đã được một tòa án Canada cho phép bảo lãnh tại ngoại trong thời gian chờ đợi phía Washington chuyển thủ tục dẫn độ về Mỹ để xét xử.

Mỹ cáo buộc bà Mạnh đã lừa dối nhiều ngân hàng về các giao dịch liên quan tới Iran, đặt các ngân hàng này vào rủi ro vi phạm các chế tài mà Washington đang áp đặt lên Tehran. Nếu bị xét xử tại Mỹ, bà Mạnh có thể phải chịu mức án tối đa 30 năm tù giam cho mỗi tội danh.

Xuân Thành

Xem thêm: