Ông Kofi Annan, người có 7 năm làm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), đã qua đời ở tuổi 80 tại Bern, Thụy Sĩ.

Kofi Annan
Ông Kofi Annan phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ hôm 7/6/2012 trong vai trò Đặc sứ LHQ về Syria. (Ảnh: Andrew Burton/Getty Images)

Quỹ Kofi Annan hôm 18/8 đã đăng tweet thông báo cựu Tổng thư ký LHQ qua đời tại bệnh viện ở Bern, Thụy Sĩ vào thứ Bảy (18/8) sau thời gian ngắn lâm bệnh.

Các nhà lãnh đạo LHQ và thế giới đã lên tiếng bày tỏ sự kính trọng dành cho vị cựu Tổng thư ký LHQ, người đã đoạt giải Nobel Hòa Bình nhờ những đóng góp nhất định cho hòa bình thế giới.

Đương kim Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ca ngợi ông Annan là “một lực lượng hướng dẫn cho điều tốt” và Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vị cựu Tổng thư ký LHQ là “người đáng chú ý“.

Ông Putin nhấn mạnh rằng hình ảnh về ông Annan sẽ “mãi mãi sống trong trái tim của người Nga“.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng ông Annan đã luôn mưu cầu về “một thế giới tốt đẹp hơn”.

Trong tuyên bố về cái chết của ông Annna, Quỹ Kofi Annan cho hay: “Ông là một nhà quốc tế cam kết sâu sắc đã chiến đấu trong suốt cuộc đời mình cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn“.

Ủy viên Cao ủy LHQ về nhân quyền, ông Zeid Ra’ad Al Hussein đăng tweet nói rằng ông đau buồn về cái chết của ông Kofi Anna và nhấn mạnh cựu Tổng thư ký LHQ là “hình ảnh thu nhỏ của sự tử tế và ân điển của con người” và là “bạn của hàng ngàn người, là lãnh đạo của hàng triệu người”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng: “Thế giới đã mất đi không chỉ một nhà ngoại giao và nhân đạo Châu Phi vĩ đại mà cũng mất đi một người gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế có lương tâm”.

Ông Kofi Annan là người Ghana, đã làm Tổng thư ký LHQ từ năm 1997 tới năm 2006 và cho đến nay là người da đen duy nhất trở thành lãnh đạo cao nhất của LHQ.

Sau khi hết nhiệm kỳ Tổng thư ký, ông Annan có thời gian ngắn làm đặc sứ LHQ về Syria, dẫn dắt các nỗ lực để tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng này.

Ông Kofi Annan đã mô tả thành tựu lớn nhất của mình là “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ”, một chương trình hành động của LHQ lần đầu tiên đặt ra các mục tiêu toàn cầu về các vấn đề như nghèo đói và tử vong trẻ em.

Tuy nhiên, ông Kofi Annan cũng vấp phải nhiều chỉ trích. Một số người đổ lỗi cho ông về thất bại của LHQ trong việc ngăn chặn cuộc thảm sát tại Rwanda trong những năm 1990 khi ông là người lãnh đạo các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Ông Annan cũng không thành công trong việc ngăn chặn Mỹ và đồng minh tấn công vào Iraq của Saddam Hussein mà không cần thông qua nghị quyết cho phép của Hội đồng Bảo an LHQ.

Sau khi kết thúc chiến tranh Iraq, ông Annan bị cáo buộc liên quan tới bê bối trong chương trình “đổi dầu lấy lương thực” của Iraq khi LHQ đã trao hợp đồng béo bở của chương trình này cho một công ty có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ mà công ty này có thuê con trai của ông Annan là Kojo Annan làm việc. Ông Kojo đã không công khai khoản tiền mà công ty nêu trên trả cho ông, nhưng các báo cáo cho biết công ty mà con trai của Tổng thư ký LHQ làm việc đã nhận được 10 triệu USD cho hợp đồng một năm giám sát cứu trợ nhân đạo theo chương trình đổi dầu lấy lương thực. Công ty này trả ít nhất 300.000 USD cho ông Kojo để ông sẽ không làm việc cho đối thủ cạnh tranh sau khi ông rời công ty.

Sau khi không còn làm Tổng thư ký LHQ, sự nghiệp ngoại giao quốc tế của ông Kofi Annan vẫn tiếp tục. Năm 2007 ông đã thành lập quỹ mang tên ông (Kofi Annan Foundation) với mục đích thúc đẩy phát triển bền vững, an ninh và hòa bình toàn cầu.

Một năm sau đó, danh tiếng của ông Annan được củng cố thêm sau khi ông thành công trong việc đàm phán một thỏa thuận chia sẻ quyền lực để kết thúc bạo lực sau bầu cử ở Kenya.

Phát biểu trên Facebook tưởng nhớ ông Annan, ông Raila Odinga – lãnh đạo đối lập tại Kenya, người đã ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực năm 2008, đã gọi ông Kofi Annan là “người đàn ông đã bước vào và cứu đất nước [Kenya] khỏi sụp đổ”.

Vào năm 2012, ông Annan là chủ tịch của The Elders, một nhóm hòa bình và nhân quyền được ông Nelson Mandela của Nam Phi khởi xướng.

Cùng năm đó, ông Annan rút khỏi vị trí đặc sứ LHQ về Syria sau chỉ sáu tháng đảm nhận cương vị này, viện dẫn lý do về những thất bại của các cường quốc thế giới trong việc thực thi các cam kết của họ. Báo giới sau đó đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của ông Annan về việc này: “Tôi đã mất quân đội của mình trên đường tới Damascus”.

Vai trò ngoại giao quốc tế gần đây nhất của ông Annan là đảm nhận vị trí chủ tịch của một ủy ban độc lập điều tra khủng khoảng đàn áp người hồi giáo Rohingya tại Myanmar.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn chương trình HardTalk trên kênh BBC vào tháng Tư nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình, ông Kofi Annan đã thừa nhận những thiếu sót của LHQ, nhưng nói rằng “nếu [LHQ] không tồn tại, quý vị sẽ phải tạo ra nó”. “Tôi sinh ra là một người lạc quan và tôi sẽ vẫn là một người lạc quan”, ông Annan khẳng định.

Yên Sơn (T/h)

Xem thêm: