Cựu tổng thống Peru Alan Garcia hôm thứ Tư (17/4) đã tự sát bằng súng tại nhà riêng để tránh bị cảnh sát bắt liên quan tới cáo buộc nhận hối lộ trong cuộc điều tra công ty xây dựng Odebrecht mua chuộc hàng loạt lãnh đạo Peru để nhận các gói thầu béo bở, theo Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Peru Alan Garcia tham gia vào một buổi tưởng niệm tại trụ sở đảng APRA, ở thành phố Huancayo, cách Lima 350km về phía đông sau khi ông Garcia chết hôm 17/4/2019. (Ảnh: CRIS BOURONCLE/AFP/Getty Images)

Ông Alan Garicia – một chính trị gia lôi cuốn, có tài hùng biện, đóng vai trò trung tâm trong chính trị Peru hơn ba thập kỷ qua – đã chết tại bệnh viện ở tuổi 69 sau khi tự bắn vào đầu tại nhà riêng ở thủ đô Lima khi cảnh sát tới đọc lệnh bắt giữ ông.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Peru Carlos Moran cho hay sau khi cảnh sát đến nhà riêng của ông Garcia để bắt ông vào sáng thứ Tư 17/4 (giờ địa phương), ông Garcia đã nói với cảnh sát rằng ông cần phải gọi điện cho luật sư riêng.

“Ông ta đã vào một căn phòng và đóng kín cửa. Trong khoảng một vài phút, người ta nghe thấy có tiếng súng và cảnh sát đã buộc phải vào phòng. Họ phát hiện ông Garcia nằm trên sàn với đầy máu ở đầu,” ông Moran nói trong một cuộc họp báo nhanh trước khi cái chết của ông Garcia được xác nhận chính thức.

Vụ tự sát của ông Garcia đã gây choáng váng cho đất nước Peru. Hơn ba thập kỷ qua người dân đất nước Nam Mỹ này đã được chứng kiến tầm ảnh hưởng của ông Garcia và sự chuyển dịch quan điểm chính trị của ông từ một nhân vật cánh tả máu lửa khi được bầu làm tổng thống ở tuổi 36 thành một nhà hoạt động thị trường tự do sôi nổi, chiến thắng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào năm 2006.

Là một chính trị gia thích tranh luận và được đánh giá có tài hùng biện xuất sắc nhất Mỹ La-tinh, ông Garcia lại bị vướng vào những cáo buộc tham ô mà ông luôn bác bỏ và gọi đó là vết nhơ chính trị không có cơ sở.

Bất chấp những lời chối tội của ông Garcia, tuần này các công tố viên Peru điều tra vụ Odebrecht đã tập hợp đủ bằng chứng để có được lệnh tư pháp bắt giữ ông Garcia trước khi xét xử. Các nhà điều tra lập luận rằng họ cần phải giam giữ cựu tổng thống để tránh việc ông ta có thể trốn chạy hoặc thực hiện hành vi cản trở tư pháp.

Theo Reuters, Odebrecht là một tập đoàn xây dựng gia đình tư nhân của Brazil. Vào cuối năm 2016, tập đoàn này đã công khai thừa nhận họ đã kiếm được các hợp đồng béo bở trong khu vực bằng cách đưa hối lộ cho các chính trị gia. Lời khai của Odebrecht đã dẫn tới các cuộc điều tra rộng khắp ở các nước Mỹ La-tinh, trong đó có Peru. Các cựu giám đốc điều hành Odebrecht hiện nay đang hợp tác với các công tố viên trong vai trò những người cung cấp thông tin.

Trong vài tháng gần đây, cuộc điều tra về Odebrecht tại Peru đã được tăng tốc. Tuần trước, một thẩm phán đã ra lệnh bắt giữ trước khi xét xử một cựu tổng thống khác – ông Pedro Pablo Kuczynski.

Vụ bê bối tham nhũng này đã chạm tới cấp độ cao nhất trong tầng lớp chính trị cầm quyền tại Peru. Cựu Tổng thống Alejandro Toledo cũng đang phải đấu tranh để tránh bị dẫn độ về Peru từ Mỹ sau khi một thẩm phán Peru ra lệnh bỏ tù ông từ năm 2017. Trong khi đó, một cựu lãnh đạo khác – ông Ollanta Humala đã bị tống giam trước xét xử 9 tháng trước khi được thả tự do vào năm ngoái.

Tại Peru, các nghi phạm hình sự có thể bị bắt giam lên tới ba năm trước khi xét xử nếu các công tố viên có thể chỉ ra rằng họ có bằng chứng dẫn tới kết tội và bằng chứng cho thấy các nghi phạm có thể trốn chạy hoặc cản trở công việc điều tra nếu họ vẫn tại ngoại.

Phát biểu với một đài truyền hình địa phương hôm thứ Ba (16/4) – lần xuất hiện trên truyền thông cuối cùng, cựu tổng thống Garcia đã nói: “Những người khác có thể phản bội vì lợi ích riêng, trừ tôi.” Đây là câu nói mà ông Garcia vẫn thường xuyên lặp đi lặp lại mỗi khi xuất hiện trước công chúng khi các đối thủ chính trị của ông bị mắc kẹt trong vụ bê bối tham nhũng này vài năm qua.

Ông Garcia cũng nói trong cuộc phỏng vấn nêu trên rằng ông không sợ cuộc điều tra này vì “tôi tin vào sự sống sau cái chết.”

Những người ủng hộ ông Garcia đã chuẩn bị lễ tưởng niệm cho ông tại trụ sở của đảng APRA. Một số lãnh đạo khu vực đã gửi lời chia buồn, trong đó có Tổng thống Chile Sebastian Pinera và Tổng thống Bolivia Evo Morales.

Năm ngoái, ông Garcia đã xin được tị nạn chính trị tại Uruguay sau khi ông bị cấm xuất cảnh do đang bị điều tra. Tuy nhiên, Uruguay đã từ chối yêu cầu của ông Garcia.

Sau cái chết của ông Garcia, văn phòng Tổng Chưởng lý Peru đã thông báo tiến hành một cuộc điều tra về các công tố viên hàng đầu trong vụ Odebrecht. Những người ủng hộ ông Garcia cáo buộc những công tố viên này có dấu hiệu bất thường.

Tổng thống đương nhiệm Peru Martin Vizcarra, người mà ông Garcia gọi là “kẻ độc tài”, đã ra lệnh quốc tang ông Garcia ba ngày.

Gia đình ông Garcia đã phá vỡ truyền thống tang lễ cựu nguyên thủ khi không cho phép ông Vizcarra hoặc đại diện chính phủ đương nhiệm chủ trì lễ tang, truyền thông địa phương cho biết.

Như Ngọc