Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius mới đây tiết lộ rằng ông đã từ chức vào năm ngoái sau khi chính phủ Trump yêu cầu ông gây sức ép với chính quyền Việt Nam nhận hơn 8.000 người tị nạn gốc Việt bị xếp vào danh sách phải trục xuất khỏi nước Mỹ.

Embed from Getty Images

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius tới tham dự Khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm 21/1/2016.

Trong một bài viết có tựa “Lên tiếng” đăng trên trang của Hiệp hội các Nhà ngoại giao Mỹ vào tháng này, ông Ted Osius cho biết đa số người bị nhắm mục tiêu trục xuất – đôi khi chỉ phạm tội nhẹ – là những người tị nạn đã xây dựng cuộc sống tại Mỹ sau khi trốn chạy khỏi Chiến tranh Việt Nam từ hơn 40 năm trước.

Và họ bị ‘đưa trở lại’ hàng thập kỷ sau tới một quốc gia do chính quyền cộng sản nắm quyền mà họ chưa bao giờ hòa giải. Tôi lo ngại nhiều người sẽ trở thành các trường hợp dính tới nhân quyền và chính phủ của chúng ta có lỗi”, ông Osius viết.

Bay Area News Group, chủ quản của trang tin Mercury News, cho hay hôm thứ Sáu tuần trước (6/4), họ đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa Mỹ để yêu cầu cung cấp thông tin thêm về các trường hợp người gốc Việt có thể bị trục xuất, nhưng không nhận được câu trả lời.

Mercury News cho biết lời xác nhận lý do “từ chức” của cựu Đại sứ Việt Nam đã nhận được cộng hưởng tích cực từ cộng đồng người gốc Việt tại San Jose, bang California, nơi đây có khoảng hơn 100.000 người Mỹ gốc Việt – một trong những cộng đồng có người sinh tại Việt Nam sống tại nước ngoài lớn nhất.

Tiết lộ của ông Ted Osius đến chỉ vài tháng sau khi các nhà hoạt động gốc Việt trên khắp nước Mỹ, trong đó có nhiều người ở San Francisco Bay Area, đã dấy lên quan ngại rằng Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đang bắt giữ những người nhập cư không có giấy tờ từ Việt Nam với số lượng lớn chưa từng thấy, khiến cộng đồng bị sốc và hoang mang. Những nhà hoạt động gốc Việt ước tính có hơn 100 người gốc Việt trên khắp nước Mỹ đã bị bắt giữ chỉ tính riêng trong tháng Mười năm ngoái.

Sự gia tăng hoạt động của ICE đã xuất hiện một phần là do các nỗ lực cứng rắn của chính quyền Trump nhằm trục xuất người nhập cư có hồ sơ hình sự, ngay cả trong trường hợp quốc gia nơi họ sinh ra không có truyền thống hợp tác với các lệnh trục xuất của Hoa Kỳ. Trong quá khứ, những di dân rơi vào tình huống này đã được phép ở lại Mỹ, nhưng chính quyền Trump đã ép Việt Nam và cả Campuchia phải nhận lại công dân của họ.

VOA cho biết các quan chức Việt Nam và Mỹ vào năm 2008 đã ký bản ghi nhớ hồi hương, trong đó nói rằng những di dân Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995 (thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao) sẽ không bị trục xuất. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nói rằng vẫn có một số người đã đến Mỹ trước năm 1995 nhưng vẫn bị bắt giữ. Vào tháng Hai, nhiều tổ chức đã gửi đơn kiện chính phủ liên bang Mỹ về việc vi phạm thỏa thuận hồi hương mà Washington đã ký kết với Hà Nội.

Trong bài viết của mình, ông Osius nói rằng ông sợ “chính sách thụt lùi” của chính phủ Mỹ sẽ hủy hoại cơ hội thành công của Tổng thống Trump trong việc theo đuổi các mục tiêu khác trong quan hệ với Việt Nam, trong đó có việc cắt giảm thâm hụt thương mại, đẩy mạnh quan hệ quân sự và đối phó với các mối đe dọa tới hòa bình khu vực, như trường hợp đe dọa từ Bắc Hàn.

Tôi đã lên tiếng phản đối dù được chỉ đạo phải im lặng, và đã quyết định không thể vượt qua lằn ranh đạo đức nếu tôi còn muốn giữ phẩm giá của mình. Tôi đã quyết định rằng tôi có thể phục vụ tốt hơn cho đất nước của mình từ ngoài chính phủ, bằng việc xây dựng một trường đại học mới, sáng tạo tại Việt Nam”, ông Osius viết.

Hiện tại, cựu Đại sứ Việt Nam đang là Phó Chủ tịch của Đại học Fulbright Việt Nam – một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận tại Sài Gòn. Bay Area News Group đã cố gắng thông qua trường Fulbright và Hiệp hội các Nhà ngoại giao Mỹ để liên lạc với ông Ted Osius vào hôm thứ Sáu (6/4), nhưng không thành công.

Bà Phi Nguyen, giám đốc tranh tụng của Tổ chức có tên gọi Người Mỹ gốc Á Thúc đẩy Công lý tại Atlanta, đã nói rằng Bà cảm thấy hạnh phúc khi cựu Đại sứ Mỹ đã nói ra sự thật, theo Mercury News.

Nhiều điều đang diễn ra nhưng chỉ trong các phòng khép kín. Tôi được động viên khi thấy ai đó bước ra công chúng lên tiếng chống lại chính sách mà chính quyền Trump đang thực thi, không chỉ vì Việt Nam mà còn cả Campuchia, Iraq, Somalia và tất cả các nước khác vốn có truyền thống không nhận lại những người hồi hương do bị Mỹ ra lệnh trục xuất”, bà Phi Nguyen nói.

Bà Nguyen nói thêm rằng nhiều di dân Việt Nam có lệnh trục xuất đã đến Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam và không còn mối quan hệ gì với quê hương của họ nữa.

Họ là những người đến đây tị nạn và họ không thực sự công nhận nước Việt Nam đang hiện hữu ngày nay là đất nước của họ nữa”, bà Nguyen nhấn mạnh.

VOA cho biết Tổ chức Người Mỹ gốc Á Thúc đẩy Công lý hôm 28/2 thông báo rằng nhiều người tị nạn gốc Việt đã đệ đơn kiện việc bị ICE bắt giữ “vô thời hạn”.

Tổ chức này cho rằng khoảng 8 tới 10 ngàn người gốc Việt, trong đó có “nhiều người tới Mỹ khi còn nhỏ để tránh bị đàn áp chính trị”, “vấp phải nguy cơ bị giam giữ trái phép” và “bị trục xuất” về Việt Nam.

Hiện chưa rõ người kế nhiệm ông Osius, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink, có quan điểm như thế nào về việc trục xuất người gốc Việt đang sống tại Mỹ.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: