Trong chuyến công du Châu Á gần 2 tuần của Tống thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngoại giới rất chú ý đến điểm dừng chân của ông chủ Tòa Bạch Ốc tại Bắc Kinh từ 8 đến 10/11. Vấn đề Bắc Hàn được cho sẽ là trọng tâm trong cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Câu hỏi lớn nhất đặt ra hiện nay là liệu hai vị lãnh đạo quyền lực hàng đầu thế giới có đạt được giải pháp đột phá trong nan đề hạt nhân Triều Tiên.

Embed from Getty Images

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại Hội nghị G20 diễn ra ở Hamburg Đức hồi tháng 7/2017.

Trước chuyến thăm Châu Á quan trọng này, Tổng thống Trump đã có cuộc gặp với nhà ngoại giao gạo cội Henry Kissinger, người có rất nhiều kinh nghiệm đàm phán với các đối tác Trung Quốc khi giữ vai trò Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Richard Nixon. Ông Kissinger là nhân vật quan trọng giúp Tổng thống Nixon thực hiện chính sách mở cửa với nước Trung Quốc Cộng sản vào năm 1972.

Tổng thống Trump tuần trước cũng đã đón tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Tòa Bạch Ốc và trong buổi tiệc trưa, ông Trump có tham vấn ông Lý về Bắc Hàn, cùng nhà lãnh đạo khó đoán định Kim Jong-un.

Reuters, dẫn nguồn tin từ nội bộ chính quyền Trump, cho biết Thủ tướng Lý Hiển Long đã chia sẻ với Tổng thống Trump rằng ông Kim Jong-un coi chương trình vũ khí hạt nhân là điều sống còn đối với ông ta sau khi rút ra bài học từ sự sụp đổ của Tổng thống Iraq  Saddam Hussein và lãnh đạo Lybia Muammar Gaddhafi.

Nguồn tin giấu tên trong nội bộ chính quyền Trump cho hay: “Ông Lý có nói rằng có lẽ là điều không thể để thuyết phục ông Kim rằng nước Mỹ không muốn lật đổ ông. Ông ta là người có đầu óc cực kỳ hoang tưởng”.

Ông Trump, từng viết sách “Nghệ thuật đàm phán” từ năm 1987, trước nay vẫn rất kín tiếng trước mỗi cuộc gặp gỡ đàm phán ngoại giao quan trọng, và chuyến công du Châu Á lần này cũng không phải ngoại lệ.

Qua các cuộc tiếp xúc của Tổng thống Mỹ với cựu Ngoại trưởng Kissinger và thông tin trao đổi với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho thấy ông Trump dường như đã có trong đầu những con tính nhất định khi hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.

Những quan chức chính quyền Trump trao đổi với Reuters rằng Tổng thống Mỹ sẽ cố gắng thuyết phục Chủ tịch Tập tăng cường áp lực lên Bắc Hàn với các bước đi như giới hạn xuất khẩu dầu thô, nhập khẩu than và giao dịch tài chính.

Thực tế, những biện pháp nêu trên phía Mỹ đã yêu cầu và Trung Quốc gần đây cũng đã thực hiện rồi, chỉ có điều mức độ thực thi chặt chẽ đến đâu thì ngoại giới cũng khó có thể đánh giá chính xác.

Các chuyên gia quốc tế nhìn nhận rằng đề xuất từ phía ông Trump là vậy nhưng liệu Chủ tịch Tập có đồng ý làm nhiều hơn nữa để bóp nghẹt nền kinh tế Bắc Triều Tiên hay không lại là vấn đề khác.

Trước nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố rằng cộng đồng quốc tế đang thổi phồng quá mức đòn đẩy kinh tế mà họ có với Bắc Hàn và Bắc Kinh cho rằng việc họ ủng hộ các chế tài mà Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Bắc Hàn chính là dấu hiệu cho thấy họ đang cố gắng ngăn chặn các vụ thử tên lửa và hạt nhân của chế độ Kim Jong-un.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) hôm thứ Hai (30/10) nói với Reuters rằng vấn đề Bắc Hàn cần sự nỗ lực từ nhiều phía và Trung Quốc không thể đơn phương giải quyết việc này. “Trung Quốc đang làm mọi thứ chúng tôi có thể về vấn đề Bắc Hàn”, ông Thôi khẳng định.

Hai vị quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với Reuters rằng ông Trump có thể sẽ đề xuất với ông Tập các biện pháp chế tài bổ sung áp đặt lên Bắc Hàn. Đồng thời, thảo luận với phía Trung Quốc cách thức giải quyết mối quan ngại của Bắc Kinh rằng nếu nền kinh tế Bình Nhưỡng kiệt quệ có thể dẫn tới làn sóng người tị nạn ồ ạt tràn sang Trung Quốc.

Hai vị quan chức nêu trên cũng nói rằng hiện nay Hoa Kỳ và đồng minh đã tập hợp được các thông tin chi tiết về các giao dịch của ngân hàng Trung Quốc với các thực thể Bắc Triều Tiên. Với hồ sơ này, ông Trump khả năng sẽ đề cập với ông Tập về các biện pháp tăng cường chế tài các công ty tài chính Trung Quốc đang làm ăn với Bắc Hàn, nhưng vẫn loại trừ trừng phạt Ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Chính quyền Trump gần đây cũng trì hoãn không đưa ra các chế tài mới áp đặt lên các ngân hàng và công ty Trung Quốc làm ăn với Bắc Hàn, do lo ngại phía Trung Quốc sẽ trả đũa và kéo theo những ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế thế giới.

Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này hôm thứ Năm (2/11) đã chính thức phát đi thông báo về chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ rất sẵn sàng làm việc với Hoa Kỳ để đạt được “các kết quả quan trọng” trong chuyến thăm của Tổng thống Trump, nhưng không nêu thêm các thông tin chi tiết.

Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích chính trị quốc tế tại Châu Á tỏ ra hoài nghi về sức ép của ông Trump lên Trung Quốc sẽ có tác dụng.

Ông Zhao Tong, chuyên gia về Bắc Hàn tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh cho hay: “Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ nghiêm túc thay đổi các chính sách hiện tại của mình với Bắc Hàn đơn giản chỉ vì nhiều áp lực hơn từ Hoa Kỳ”.

Giáo sư Toshihiro Nayakama, Đại học Keio, Nhật Bản cho rằng  chính quyền Trump đang thiếu chiến lược rõ ràng về Bắc Hàn.

Ông Nayakama nói: “Lo lắng lớn nhất là về chính sách Châu Á, chính sách Bắc Hàn của ông Trump hiện tại không được định nghĩa rõ ràng…mà chỉ đưa ra phản ứng theo từng trường hợp cụ thể”.

Họ [chính quyền Trump] quay sang Trung Quốc để gây áp lực nhưng câu hỏi đặt ra là mức độ áp lực đối với Trung Quốc sẽ đến chừng nào. Tôi tin rằng chính quyền Trump chưa đánh giá về điều này”.

Tân Bình

Xem thêm: