Cuộc điều tra về những dính líu của Nga trong chiến dịch bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 vẫn tiếp tục tiến hành dưới sự lãnh đạo của Biện lý đặc biệt Robert Mueller. Đã có những cá nhân, tổ chức bị buộc tội, nhưng chưa có bất kỳ kết luận nào về việc có sự “thông đồng” giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và người Nga.

Embed from Getty Images

Ông Trump thường hay gọi cuộc điều tra Nga-Trump là “cuộc săn phù thủy”. 

Ông Mueller, 73 tuổi, từ tháng 5 năm 2017 đã được Bộ Tư pháp chỉ định lãnh đạo một cuộc điều tra của chính phủ liên bang về cáo buộc có sự thông đồng giữa chiến dịch của Tổng thống Trump và các quan chức Nga. Điều tra của ông Mueller tính đến nay đã dẫn tới việc công bố cáo trạng với 4 công dân Mỹ và hơn 10 công dân Nga.

Ông Trump từng có lần tỏ ý sẵn sàng tham gia điều trần như một phần trong các cuộc điều tra của ông Mueller và Tổng thống cũng đã liên tục phủ nhận việc có bất kỳ “thông đồng” nào với người Nga.

Tại sao ông Mueller lãnh đạo cuộc điều tra Nga?

Tháng 5 năm 2017, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã ra thông báo bổ nhiệm ông Mueller  lãnh đạo cuộc điều tra của chính phủ liên bang về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Việc bổ nhiệm diễn ra sau khi những người thuộc Đảng Dân chủ yêu cầu phải có một người không thuộc Bộ Tư pháp đảm nhận cuộc điều tra này. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã tự rút khỏi cuộc điều tra từ trước đó.

Ông Mueller đã lãnh đạo FBI trong giai đoạn nước Mỹ xảy ra vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, và phục vụ dưới quyền hai tổng thống của cả hai đảng.

Để điều tra về cuộc bầu cử năm 2016, ông Mueller có thẩm quyền truy tố bất kỳ tội phạm nào được phát hiện trong cuộc điều tra này. Biện lý đặc biệt cũng được trao quyền rộng rãi để điều tra liệu ông Trump và các cộng sự của ông có thông đồng với Điện Kremlin để giành quyền tại Nhà Trắng hay không.

Những ai đã bị buộc tội?

Với vai trò lãnh đạo của mình, ông Mueller đã tiến hành điều tra các giao dịch tài chính của ông Paul Manafort ở Ukraina. Ông Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, và ông Richard Gates đã bị tuyên án vào ngày 27 tháng 10 với nhiều tội danh, bao gồm: âm mưu chống lại nước Mỹ, âm mưu rửa tiền, báo cáo sai, và không báo cáo về các tài khoản tài chính và ngân hàng nước ngoài. Lúc đầu, cả ông Manafort và ông Gates đều không thừa nhận các cáo buộc này.

Gần bốn tháng sau, vào ngày 22 tháng 2, cả hai tiếp tục bị buộc tội trốn thuế và gian lận ngân hàng. Những buộc tội này liên quan tới cùng hoạt động mà ông Manafort và ông Gates bị cáo buộc ban đầu, nhưng con số mà ông Manafort bị buộc tội rửa tiền ở nước ngoài lần này đã lên tới 30 triệu USD.

Ngày 23 tháng 2, ông Gates đã nhận tội về việc âm mưu và làm giả báo cáo. Đây là tín hiệu cho thấy ông này đã chịu hợp tác với cuộc điều tra của ông Mueller.

Vài giờ sau khi ông Gates nhận tội, có tin tức rằng ông Manafort đã bị kết tội trong một cáo trạng khác. Ông Mueller đã cáo buộc ông Manafort bí mật hối lộ các cựu chính trị gia Châu Âu dưới danh nghĩa của chính quyền Ukraina.

Tháng 12 năm 2017, ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Trump, đã bị cáo buộc nói dối FBI về các trao đổi của ông với một đại sứ Nga. Ông Flynn đã nhận tội danh này.

Ngoài ra, trong năm 2017, ông George Papadopoulos đã nhận tội báo cáo sai sự thật với cơ quan điều tra FBI, theo các tài liệu của tòa án. Ông Papadopoulos từng làm cố vấn chính sách đối ngoại cho chiến dịch của ông Trump.

Ông Alex van der Zwaan, một luật sư bị nghi ngờ nói dối các nhân viên điều tra trong cuộc điều tra Nga, đã bị cáo buộc trước tòa án liên bang hồi tháng 2 vừa rồi, và ông này cũng nhận tội vài ngày sau đó. Theo cáo trạng, ông Van der Zwaan làm việc cho một công ty luật do Bộ Tư Pháp Ukraina thuê vào năm 2012. Ông này đã thừa nhận nói dối các nhà điều tra về các trao đổi của ông với ông Gates.

Ngày 16 tháng 2, ba tổ chức và 13 công dân Nga đã bị bồi thẩm đoàn liên bang truy tố vì can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Ông Mueller cáo buộc những người Nga này có một âm mưu phức tạp về việc cấp tiền cho “cuộc chiến thông tin” tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Bộ tư Pháp không nói rằng những hành động này có tác động tới kết quả của cuộc bầu cử 2016 hay không. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein cho biết: “Không có cáo buộc nào trong bản cáo trạng này nói rằng có bất kỳ người Mỹ nào tham gia vào hoạt động phi pháp này.”

Đội ngũ của ông Mueller thiên vị phe Dân chủ?

Chính quyền của ông Trump đã chỉ trích gay gắt cuộc điều tra của ông Mueller, bởi một số công tố viên trong đội ngũ của ông đã tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ, bao gồm chiến dịch của bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Ngoài ra, hai nhân viên FBI, Peter Strzok và Lisa Page, đã bị sa thải vì các tin nhắn chống Trump mà họ trao đổi với nhau trong cuộc bầu cử 2016. Ông Strzok từng thuộc đội ngũ của ông Mueller nhưng đã bị điều chuyển công tác sau khi những tin nhắn chống Trump của ông bị phanh phui.

Ông Trump nói gì về cuộc điều tra của Mueller?

Ông Trump đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc cho rằng ông thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử 2016. Ông nói rằng, ông “mong đợi” tới ngày đối chất với ông Mueller.

Ông Trump tuyên bố các cáo buộc là một “câu chuyện giả dối làm mất giá tất cả chúng ta, và phần lớn các cáo buộc đó đang làm mất giá đất nước của chúng ta, và mất giá Hiến pháp của chúng ta.”

“Tôi chỉ hy vọng phán quyết cuối cùng là một phán quyết thật sự trung thực, điều mà hàng triệu người dân – những người đã đem lại cho chúng ta một chiến thắng lớn hồi tháng 11 năm 2016 xứng đáng nhận được, và là điều mà toàn thể người dân Mỹ – những người muốn có một tương lai tốt đẹp hơn –  mong muốn và xứng đáng có,” ông Trump phát biểu trong một cuộc mít-tinh tại bang Tây Virginia vào năm ngoái.

Tổng thống cũng cảnh báo ông Mueller phải giữ đúng giới hạn trong cuộc điều tra. Ông Trump và ông Mueller, theo lời một cố vấn bên ngoài của ông Trump, đã có những trao đổi “qua lại”. Một phát ngôn viên của ông Mueller cũng cho biết, các thông điệp trao đổi này “hết sức chuyên nghiệp”

Theo Fox News,

Nhật Hạ (T/h)

Xem thêm: