Cục điều tra khu vực Tokyo đã khởi tố ông Sano Futoshi, cựu Cục trưởng Cục chính sách học thuật khoa học kỹ thuật của Bộ Giáo dục và Khoa học vào ngày 24/7, nguồn tin của tờ Mainichi cho hay.

gian lan thi cu
Ảnh chụp cùng con trai trong lễ nhập học đại học của cựu cục trưởng Sano Futoshi. (Ảnh: fnn.jp)

Đầu tháng 7, ông Sano Futoshi bị bắt để điều tra vì tình nghi đưa hối lộ. Theo Cục điều tra khu vực Tokyo, bên nhận hối lộ là ông Usui Tadahiko, Chủ tịch trường ĐH Y khoa Tokyo.

Ông Usui, Chủ tịch trường ĐH Y khoa Tokyo bị tình nghi là đã chỉ thị cho hiệu trưởng của trường là ông Suzuki Mamoru, để tác động vào điểm số ở cả kỳ thứ 1 và thứ 2.

Kỳ thi vào Đại học Y khoa Tokyo có 2 kỳ, kỳ 1 là kỳ thi viết ở trung tâm, kỳ 2 là kỳ phỏng vấn trong đó hội đồng giáo sư sẽ đánh giá và cho điểm cộng hoặc trừ.

Theo Cục điều tra, kết quả phân tích máy tính của trường Đại học cho thấy điểm số của một số thí sinh bị thay đổi. Điểm số của các thí sinh này đã bị sửa tăng lên, trong số đó có con trai của ông Sano.

Tờ Yomiuri cho hay trong kỳ thi có 3 môn Toán, Lý, Anh (tổng điểm tối đa 400) thì con trai ông Sano đã được cho tăng lên 10 điểm so với kết quả thực tế. Nguồn tin cũng cho biết trong 2.614 người dự thi, có 451 người được chọn vào vòng 2. Con trai ông Sano vốn đã đủ điểm để vào vòng 2 nhưng ông Usui và ông Suzuki vẫn chỉ đạo cho tăng lên 10 điểm.

Theo Cục điều tra, tháng 5/2017, ông Sano (58 tuổi) khi còn là Cục trưởng đã giúp đỡ để trường được chọn trong chính sách ưu đãi dành cho trường có chương trình nghiên cứu độc đáo. Đổi lại, để tạ lễ, trong kỳ thi vào tháng 2/2018, đã giúp đỡ để con trai đỗ vào trường ĐH.

Chính sách hỗ trợ cho trường đại học có chương trình nghiên cứu độc đáo hỗ trợ đến 35 triệu yên cho trường được chọn. Năm 2016, trường ĐH Y khoa Tokyo đã không nhận được hỗ trợ này. Năm 2017, trường đã được chọn.

Về việc chạy cửa sau vào trường đại học, một luật sư từng làm cảnh sát điều tra cho biết: “Việc xét tuyển ai, về cơ bản là thuộc quyền chuyên môn của trường ĐH nên rất khó trở thành tội hình sự“. Ông này cũng cho biết thêm “trong những năm gần đây, các vụ tham nhũng đã giảm nhiều, nhưng các vụ việc không liên quan đến tiền mặt lại xuất hiện, là một lời chuông cảnh tỉnh“.

Theo ý kiến riêng của một luật sư từng làm trong viện kiểm sát, việc chạy cửa sau để vào được ĐH Y là chuyện đã từng được nghe phong thanh, để vào được ĐH Y qua cửa sau, “giá thị trường là khoảng 30 đến 50 triệu yên”.

gian lan thi cu
Biểu đồ biểu thị điểm trung bình của các thí sinh nộp vào trường ĐH Y khoa Tokyo từ năm 1975 đến 2018. (Nguồn: fnn.jp)

Trong 43 năm vừa qua, điểm trung bình của các thí sinh nộp vào trường ĐH Y khoa Tokyo đã tăng đến 15 điểm. Tỷ lệ cạnh tranh của trường này là 16,5 lần. Thi đỗ vào trường ĐH Y là một cửa ải vô cùng khó khăn đối với các thí sinh. Nhiều người thi đi thi lại nhiều năm mới đỗ hoặc bỏ cuộc.

Vấn đề chạy cửa sau để vào trường ĐH trong quá khứ đã từng xuất hiện. Năm 2002, tin đồn về việc chạy cửa sau để vào đại học Y khoa Teikyo đã khiến Thứ trưởng Bộ Phúc lợi Lao động phải từ chức. Năm 2009, chủ một trường dạy luyện thi vào đại học đã bị khởi tố với tội danh lừa đảo vì nhận 70 triệu yên với lời hứa đảm bảo một suất ở một ĐH Y ở miền Đông Bắc Nhật Bản.

Tự Minh

(Tổng hợp từ Mainichi, Yomiuri, Sankei, FNN)

Xem thêm: