Ở cấp độ quốc tế, COVID-19 không chỉ là vấn đề sức khỏe cộng đồng mà còn là liên quan đến nạn đói.

Embed from Getty Images

Hôm 8/7, Trung tâm về Tôn giáo, Hòa bình và các Vấn đề Thế giới Berkley của Đại học Georgetown, Mỹ đã tổ chức hội thảo trực tuyến bàn về nạn đói trên thế giới và những hạn chế do COVID-19 gây ra đã ảnh hưởng như thế nào đến các khu vực vốn thường xuyên chịu cảnh đói kém.

Ông Lubaale, tổng thư ký của Tổ chức các nhà thờ châu Phi và là một trong ba diễn giả, cho biết thế giới đang trong thời điểm mà tình trạng suy dinh dưỡng đã tăng vọt kể từ năm 2015.

“Với những gián đoạn do virus COVID-19 gây ra, chúng ta có thể chứng kiến thêm nhiều nạn đói hơn nữa [trong thời gian tới],” ông nói, và đề xuất các chính phủ cần đặt nông nghiệp vào vị trí trung tâm.

“Để giải quyết nạn đói, nông nghiệp phải được ưu tiên hàng đầu, bởi hầu hết mọi người dựa vào nó để có thu nhập. Tại miền Nam châu Phi, trên 70% dân số kiếm kế sinh nhai từ nông nghiệp nhỏ,” ông Lubaale cho biết.

Châu Phi là lục địa có nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi nạn đói trước khi xảy ra đại dịch. Việc phong tỏa để ngăn chặn COVID-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng và khiến cho nạn đói trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Asma Lateef, người đứng đầu Tổ chức Bánh mì cho Thế giới và là giám đốc điều hành tạm thời của Liên minh Chấm dứt Nạn đói, cho biết cuộc khủng hoảng hiện nay đã phơi bày thực trạng nạn đói trên thế giới.

“Năm năm trước, thế giới đã đồng ý về các mục tiêu phát triển bền vững (của LHQ) bao gồm mục tiêu chấm dứt nạn đói vào năm 2030,” ông Lateef nói. “Tuy nhiên kể từ đó chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng nạn đói gần như mỗi năm. Đó hẳn là một hồi chuông cảnh tỉnh. COVID đã khiến mọi người đều cần phải chú ý. Chúng ta không thể phí phạm thời gian nữa khi mọi người trên thế giới đều đang đối diện với vấn đề này.”

“Có 820 triệu người trong cảnh thiếu ăn trước khi xảy ra đại dịch” ông Lateef nói thêm. “Cảnh báo đang tăng lên. Nếu chúng ta không hành động bây giờ, con số đó sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm nay. Cần phải hành động khẩn cấp.”

Trước đó vào tháng Sáu, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo hàng trăm triệu người trên thế giới có thể đối mặt với “tình trạng khẩn cấp về lương thực” khi đại dịch COVID-19 đe dọa chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.

Theo ước tính của LHQ, 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, tương đương hơn 1/5 số trẻ em toàn cầu, đang trong tình trạng còi cọc. Năm 2020 sẽ có thêm khoảng 49 triệu người nghèo đói cùng cực vì khủng hoảng dịch bệnh.

Ông Guterres kêu gọi các nước cần phải bảo vệ tốt hơn cho các lao động ngành lương thực và những người làm công tác cứu trợ nhân đạo, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất và phân phối thực phẩm nhằm tránh để xảy ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu. Ông khẳng định, kể cả các quốc gia thịnh vượng cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ chuỗi cung ứng thực phẩm bị gián đoạn.

Gia Huy (t/h)

Xem thêm: