Các cộng đồng nông thôn Zimbabwe đang bắt đầu đứng lên phản kháng các công ty Trung Quốc hoạt động tại quốc gia này. Minh chứng cho động thái này là gần đây người dân đã biểu tình chống lại các kế hoạch của dự án khai khoáng tại khu vực Domboshava, phía bắc thủ đô Harare, The Epoch Times đưa tin.

zimbabwe-phan-doi-cong-ty-Trung-Quoc
Dân làng biểu tình phản đối công ty Trung Quốc tại Domboshava, Zimbabwe hôm 6/5/2019. (Ảnh: The Epoch Times)

Dân làng tại Domboshava gần đây đã gửi nhiều thư thỉnh nguyện lên chính phủ Zimbabwe và tổ chức các cuộc biểu tình phản đối dự án mỏ đá do công ty Aihua Jianye Trung Quốc đề xuất. Người dân cho rằng mỏ này sẽ ảnh hưởng xấu tới hơn 20.000 người dân, cũng như các cơ sở khám bệnh, trường học, các di tích lịch sử và các nghĩa trang trong khu vực.

Các hoạt động khai khoáng do các công ty Trung Quốc triển khai ở nhiều khu vực khắp đất nước Zimbabwe đã đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường địa phương, nhưng người dân Zimbabwe phần lớn đều im lặng chịu đựng. Cư dân tại khu vực Domboshava là những người dân đầu tiên tại Zimbabwe tổ chức các cuộc biểu tình với hy vọng chấm dứt các dự án khai khoáng của Trung Quốc.

Trong cuộc biểu tình gần đây nhất của người dân Domboshava hôm 6/5, một số người đã cầm theo biểu ngữ ghi: “Hãy để Domboshava của chúng tôi một mình. Hãy quay về Bắc Kinh của các vị.”

Công ty Aihua Jianye Trung Quốc hứa hẹn rằng dự án khai khoáng với vốn đầu tư 500 triệu USD sẽ tạo ra 500 việc làm mới, nhưng người dân địa phương hoài nghi về lời tuyên bố này. Người dân cũng cho biết chất thải từ dự án sẽ gây thiệt hại cho ngành du lịch trong khu vực.

Luke Tamborinyoka, cư dân của Domboshava và cũng là thành viên cao cấp của đảng Phong trào vì Thay đổi Dân chủ đối lập nói với The Epoch Times rằng các dự án đầu tư của công ty Trung Quốc trong khu vực này sẽ không mang lại lợi ích cho người dân địa phương – cũng tương tự như tình trạng ở nhiều nơi khác trên khắp Zimbabwe.

“Chúng tôi đã đang thấy những khu vực khác mà đầu tư từ Trung Quốc không đem lại lợi ích cho người dân trong các vùng mà họ đang hoạt động. Các nhà đầu tư Trung Quốc mang theo công nhân của chính họ và họ mang theo thiết bị của chính họ,” ông Tamborinyoka nói.

Từ tháng Tư, có nhiều thông tin cho thấy công ty Aihua Jianye Trung Quốc đã tìm cách di dời khoảng 20.000 người dân tại Domboshava sau khi công ty này được cấp phép khai khoáng ở đây.

Tapuwa O’bren Nhachi, điều phối viên nghiên cứu của Trung tâm Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên nói với The Epoch Times: “Nếu khai khoáng được cho là có lợi cho đất nước này, tại sao hơn 20.000 người sẽ phải di dời để mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài, những người sẽ đem khoáng sản và lợi nhuận ra nước ngoài?”

Ông Nhachi cho biết tổ chức của ông – một tổ chức điều tra phi chính phủ (NGO) đứng lên vì các cộng đồng đang bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khai khoáng mang tính tàn phá – muốn biết người Trung Quốc đã tiếp cận các mỏ quặng tại Núi Zimbiru trong khu vực Domboshava như thế nào.

“Ai đã cấp phép cho họ khai mỏ và đổi lại được cái gì?” ông Nhachi đặt câu hỏi.

Ông Nhachi nói rằng vấn đề của Domboshava là tương tự như sự tan rã của dự án Marange tại Manicaland. Dự án Marange đã buộc người dân địa phương phải tái định cư và mở đường cho công ty Đầu tư Anjin Trung Quốc và các công ty khác thực hiện các hoạt động khai thác kim cương. Nhưng năm 2016, cựu Tổng thống Robert Mugabe đã buộc các công ty này phải rời đi vì cáo buộc nảy sinh nạn trộm cắp kim cương tràn lan.

Tuy nhiên, hiện nay công ty Đầu tư Anjin đang quay lại khu vực Marange, và dân làng đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình phản đối công ty này, học theo tấm gương của hoạt động biểu tình của người dân tại Domboshava.

“Hiến pháp của chúng tôi ghi rõ các quyền cơ bản mà công dân được hưởng, và trong những quyền này có quyền về môi trường sống và văn hóa. Nếu xét đến điều này, cộng đồng này có quyền nói ‘không’ với sự phát triển gây tàn phá và không bền vững và rằng những người có thẩm quyền nên tôn trọng quyền này.”

Năm ngoái, nhà lập pháp Zimbabwe Prosper Mutseyami đã nói với The Epoch Times rằng các công ty Trung Quốc nhận được sự bảo vệ từ chính phủ Zimbabwe vì Trung Quốc hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất tại đất nước Châu Phi này.

Ông Mutseyami, thành viên cao cấp của đảng Phong trào vì Thay đổi Dân chủ, đã cáo buộc rằng chính quyền Zimbabwe sợ làm mất lòng Trung Quốc vì chế độ Bắc Kinh đang là một trong không nhiều quốc gia ủng hộ chính phủ Zimbabwe.

Theo The Epoch Times,

Như Ngọc