Vụ án mạng 39 người thiệt mạng trong thùng xe container tại Anh đã khiến không ít người băn khoăn, tại sao ngày càng nhiều người Trung Quốc bất chấp nguy hiểm tính mạng để chạy trốn ra nước ngoài?

Embed from Getty Images

Vụ án mạng gây chấn động thế giới trong thùng xe container tại Anh được cho là có nạn nhân người Trung Quốc, làm dấy lên quan tâm đến vấn đề tại sao hiện nay nhiều người dân Trung Quốc lại mạo hiểm mạng sống để chạy trốn khỏi Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)

Ngay sau bùng nổ thông tin phát hiện 39 người thiệt mạng trong thùng xe container tại Anh, phóng viên hãng tin CNN (Mỹ) đã chất vấn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Hoa Xuân Oánh rằng, ĐCSTQ luôn tuyên bố họ đã đạt được những thành tựu to lớn trong 70 năm qua, vậy mà hiện nay tại sao vẫn có nhiều người tìm cách trốn ra nước ngoài, câu hỏi đã khiến bà Hoa Xuân Oánh chỉ biết tùy tiện phản bác một cách mơ hồ. Nhưng vụ việc chấn động này đã khiến không ít người băn khoăn tự hỏi, tại sao nhiều người Trung Quốc bất chấp nguy hiểm tính mạng để chạy trốn ra nước ngoài?

Ngày 25/10, khi phóng viên CNN hỏi bà Hoa Xuân Oánh về vụ án khủng khiếp 39 người thiệt mạng, trong đó tình nghi có nạn nhân người Trung Quốc trong thùng xe container tại Anh, bà Hoa Xuân Oánh đã lên án phóng viên CNN đặt câu hỏi “có vấn đề”, đồng thời nhấn mạnh trong 70 năm qua người dân Trung Quốc đã được sống trong cảm giác an toàn và thỏa mãn chưa từng có. Nhưng dữ liệu liên quan cho thấy, trong nhiều năm qua, người dân Trung Quốc thuộc mọi tầng lớp đã luôn nghĩ cách rời khỏi Trung Quốc, cả bằng con đường hợp pháp và bất hợp pháp.

CNN trích dẫn dữ liệu từ Viện Chính sách di cư (Migration Policy Institute) của Mỹ, chỉ ra Trung Quốc là nước đứng thứ tư thế giới về số người di dân, theo đó trong 258 triệu người di cư xuyên biên giới thì có gần 10 triệu công dân Trung Quốc.

Từ Hi Bạch, một nghiên cứu sinh Tiến sĩ về khoa học chính trị tại Đại học Oxford đã công bố bài viết trên blog tại mạng caixin.com (Trung Quốc Đại Lục), theo đó liệt kê dữ liệu về “di dân bất hợp pháp” và “di dân hợp pháp” ở Trung Quốc trong thập kỷ qua.

Theo báo cáo “Xu hướng toàn cầu” của Liên Hợp Quốc về dân tị nạn được công bố hàng năm cho thấy, năm 2011 có 28.207 người quốc tịch Trung Quốc đã xin tị nạn ở nhiều nước khác nhau, đến năm 2018 con số này đã tăng lên 38.060 người, tăng 34,9%.

Theo báo cáo năm 2018 của Trung tâm nghiên cứu di dân Mỹ, số người di dân bất hợp pháp từ Trung Quốc trong thời gian từ năm 2010 đến 2016 đã tăng từ 295.000 lên 380.000 người, tăng 28%, nằm trong số 3 nước tăng nhanh nhất.

Theo dữ liệu từ Europol (cảnh sát hình sự châu Âu), tại EU vào năm 2015 – 2016, trong số nạn nhân của nạn buôn người thuộc các nước ngoài EU, số nạn nhân từ Trung Quốc Đại Lục nằm trong nhóm 5 nước đứng đầu.

Theo thông tin liên quan do VOA Mỹ cung cấp hôm 26/10, Trung Quốc Đại Lục là nguồn chính của tội phạm buôn người, nhưng rất ít tổ chức phi chính phủ Trung Quốc nỗ lực giải quyết vấn đề này, còn chính phủ Trung Quốc không mấy quan tâm đến việc giải quyết vấn đề buôn người. Theo phân tích, sự bất bình đẳng giàu – nghèo là lý do quan trọng khiến nhiều người Trung Quốc ra nước ngoài để tìm cuộc sống mới.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Natalia Banulescu-Bogdan, phó giám đốc Chương trình quốc tế của Viện Chính sách nhập cư (MPI) của Mỹ cho biết: “Số người di cư nguồn gốc từ Trung Quốc là rất lớn, họ thuộc đủ mọi tầng lớp người”. Theo phân tích của Viện Chính sách nhập cư, ngoài yếu tố bất bình đẳng giàu – nghèo thì chính sách đàn áp chính trị và chính sách một con cũng là những lý do quan trọng. Natalia Banulescu-Bogdan chỉ ra, trong dòng người di dân là người Trung Quốc, những người giàu mới có điều kiện đi bằng các con đường chính thức, còn người nghèo nếu muốn tìm cuộc sống mới ở nước ngoài thì đành chấp nhận vô số rủi ro bằng những con đường không chính thức.

Tuyết Mai

Xem thêm: