Một thiếu niên tại bang Kentucky đã kiện CNN tội phỉ báng, sau khi kênh thông tấn này đăng tải các chương trình phát sóng và một loạt các bài viết khiến nhiều độc giả gọi cậu là “gương mặt của một kẻ côn đồ thù hằn ngỗ ngược” khi cậu đội chiếc mũ “MAGA” đối mặt với một người biểu tình chống Trump là cựu chiến binh người Mỹ bản địa hồi tháng Giêng.

sandmann
Ảnh: Nicholas Sandmann, 16 tuổi, học sinh trung học trường Công giáo Covington đứng đối mặt với ông Nathan Phillips, cựu chiến binh da đỏ tại Washington

Đơn kiện được đệ trình bởi luật sư đại diện cho gia đình Nicolas Sandmann, học sinh trung học trường Covington tại tòa án liên bang Kentucky. Sandmann đòi CNN bồi thường 275 triệu USD vì việc đưa tin phỉ báng cậu về sự việc tại Đài tưởng niệm Lincoln tại thủ đô Washington.

Sự việc diễn ra hồi tháng Giêng, khi Sandmann và những học sinh Covington khác tham dự buổi Diễu hành vì sự sống chống phá thai và đội chiếc mũ với khẩu hiệu Khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ (MAGA), biểu thị sự ủng hộ đối với Tổng thống Donald Trump.

Trong bức ảnh và video mà CNN và các trang tin khác đưa, Sandmann được quay đứng đối mặt, nhìn chừng chừng và mỉm cười với một người vận động ủng hộ phá thai Nathan Phillips. Phillips ban đầu được mô tả là một cựu chiến binh Việt Nam người da đỏ, đang hát và đánh trống.

Video này đã gây ra một làn sóng tức giận đối với “cậu bé ngỗ ngược” trước một vị cựu chiến binh đáng kính. Nhiều người xem lên án thái độ cười nhạo vị cựu chiến binh cao tuổi kia, và đánh đây là thái độ chung của những người ủng hộ ông Trump.

Đơn kiện nói rằng CNN đã phát sóng 4 chương trình truyền hình và 9 bài viết trên mạng mang tính phỉ báng, buộc tội một cách sai lầm rằng Sandmann và các bạn học của cậu đã tham gia “vào một hành vi phân biệt chủng tộc” “không thực hiện được các tiêu chuẩn báo chí và đạo đức.”

“Cáo buộc của CNN là rõ ràng và hoàn toàn sai trái, và CNN đáng lẽ ra nên biết sự thật nếu họ tiến hành bất cứ nỗ lực tìm hiểu nào để xác nhận sự thật trước khi phát sóng”, đơn kiện viết.

Theo Reuters, phát ngôn viên của CNN nói kênh thông tấn này hiện từ chối đưa ra bình luận.

Trên Fox News, Todd McMurtry, một luật sư của Sandmann nói rằng “phẩm cách của thân chủ của tôi bây giờ đã bị phán xét bởi những lời dối trá do CNN phát ra”.

“Khẩu hiệu của CNN là, ‘sự thật trước tiên’ nhưng trong việc đưa tin về trường hợp này, chúng tôi tin nó phải là ‘nói dối trước, bao che sau’, và sự thật vẫn chưa được xác định bởi tổ chức truyền thông này”.

Luật sư McMurtry nói rằng các bản tin của CNN đã “không có bất kỳ điều tra phù hợp nào, họ lấy trực tiếp từ Twitter mà cơ bản là đã bị thao túng để kể một câu chuyện và họ lấy nó như sự thật.”

Sandmann trở thành mục tiêu công kích trên mạng sau khi video cậu đối mặt với Phillips lan truyền rộng rãi.

Một công ty điều tra độc lập do Giáo phận Roman tại Covington, Park Hills thuê để đánh giá vụ việc vào tháng trước đã kết luận không có bằng chứng cho thấy các học sinh trung học đã kích động trước. Thay vào đó, các video khác cho thấy các học sinh này mới là người bị chửi bới trước bởi một nhóm người da đen sau đó ông Phillips bước tới đối mặt với Sandmann và đánh trống phản đối. Các điều tra sau đó cũng cho biết ông Phillips chưa từng chiến đấu ở Việt Nam – đối tượng thường được người Mỹ kính trọng vì những hy sinh trong chiến tranh – mà chỉ là tham gia dự bị lục quân trong 4 năm trong thời gian xảy ra chiến tranh Việt Nam.

Cả Sandmann và Phillips sau đó đều nói rằng họ đang cố gắng tháo gỡ tình hình căng thẳng.

Đơn kiện nói rằng CNN đã cho thấy thái độ thiên vị chống Trump bằng cách tập trung sự hiềm khích từ ban đầu vào Sandmann và các học sinh Covington khác bởi vì họ đang đội chiếc mũ đỏ MAGA biểu tượng của ông.

Ông Trump có mối quan hệ không tốt đẹp với hãng tin này và thường xuyên lên án CNN là “Fake News” trên Twitter.

Tháng trước, Sandmann cũng kiện Washington Post 250 triệu USD về việc đưa tin về sự kiện trên. CNN, Washington Post và New York Times đều đăng tin cải chính lại các bản tin trước đó.

Trọng Đức