Hôm thứ Sáu (21/12), Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cơ quan chấp pháp của nước này đã bắt giữ một công dân Trung Quốc do liên quan đến đánh cắp bí mật thương mại của một công ty dầu mỏ lớn của Mỹ. Công ty này là nơi mà nghi phạm đang làm việc, bí mật thương mại bị đánh cắp và có liên quan đến sản phẩm trị giá hơn 1 tỷ USD (Đô la Mỹ).

dam hong tan
Đàm Hồng Tấn (Hongjin Tan), người bị cơ quan chức năng Mỹ bắt giữ vì liên quan đến đánh cắp bí mật thương mại của công ty Mỹ (Ảnh từ linkedin)

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, theo tài liệu truy tố hình sự, công dân Trung Quốc có tên Đàm Hồng Tấn (Hongjin Tan) đã đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến “phát triển sản phẩm năng lượng cho thị trường hạ nguồn” của công ty dầu mỏ Mỹ. Phương pháp mà công ty này phát triển sản phẩm có giá trị vô cùng quan trọng đối với kinh tế Mỹ và với cả đối thủ cạnh tranh.

Đến gần đây, Đàm Hồng Tấn vẫn còn làm việc tại công ty dầu mỏ này, được biết Đàm đã tải về hàng trăm tài liệu, bao gồm các tài liệu liên quan đến chế tạo sản phẩm. Nhân viên điều tra cho biết, Đàm đã có công việc tại một công ty Trung Quốc, Đàm có kế hoạch dùng những tài liệu mà mình có được để đưa cho công ty tại Trung Quốc.

Đàm Hồng Tấn là chuyên gia về hệ thống điện và lưu trữ năng lượng.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Đàm Hồng Tấn (35 tuổi) bị bắt hôm thứ Năm (20/12) và sẽ ra tòa vào thứ Tư tuần sau (26/12). Đàm là cư dân vĩnh viễn và hợp pháp tại Mỹ.

Đánh cắp sở hữu trí tuệ phần lớn có liên quan đến chính phủ Trung Quốc hoặc công ty Trung Quốc

Ông John Demers – Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách về An ninh quốc gia cho biết: “Đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm tổn hại đến công ty Mỹ và công nhân Mỹ. Giống như án lệ gần đây cho thấy, những vụ liên quan đến đánh cắp sở hữu trí tuệ thường liên quan đến chính phủ Trung Quốc hoặc công ty Trung Quốc.”

“Bộ Tư pháp gần đây đã khởi động một đề xuất bảo vệ nền kinh tế của chúng ta tránh bị ảnh hưởng bởi các hành vi phi pháp của Trung Quốc, chúng ta nên coi đây là nghiệm vụ quan trọng đầu tiên”, ông John Demers cho biết.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho biết thêm, Đàm Hồng Tấn có bằng đại học ngành Vật lý học của Đại học Nam Kinh Trung Quốc, và cũng là Tiến sỹ của Viện Công nghệ California (California Institute of Technology), Đàm đã sinh sống tại Mỹ được 12 năm.

Trang LinkedIn của Đàm Hồng Tấn cho thấy, từ tháng 5/2017 đến nay, Đàm là chuyên gia của Công ty xuyên quốc gia Phillips 66 tại thành phố Bartlesville bang Oklahoma (Mỹ).

Công ty Phillips 66 thành lập năm 1875, có trụ sở chính đặt tại thành phố Houston bang Texas, là một công ty sản xuất năng lượng và hậu cần.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Đàm Hồng Tấn từng là một học giả thỉnh giảng và trợ lý nghiên cứu tại Viện Công nghệ California trong 11 năm. Kiến thức chuyên ngành của Đàm có liên quan đến “Nghiên cứu vật liệu và hệ thống lưu trữ năng lượng tái tạo”.

Theo Reuters đưa tin, công ty Phillips 66 nói trong một bản tuyên bố rằng, công ty đang hợp tác với Cục Điều tra Liên bang để tiến hành điều tra về vụ việc này, bởi vụ việc có liên quan đến “cựu nhân viên từng làm việc tại Bartlesville của chúng tôi”, tuy nhiên công ty này lại không bình luận gì về vụ việc Đàm bị bắt.

Bí mật tải về tài liệu cơ mật của công ty

Theo một bản khai của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết, Phillips 66 đã gọi điện đến FBI báo cáo về việc bí mật thương mại của công ty bị đánh cắp, Đàm Hồng Tấn có nói với một đồng nghiệp cũ rằng mình sẽ rời Mỹ để trở về Trung Quốc.

FBI đã phát hiện trong máy tính xách tay của Đàm có một bản cam kết làm việc với một công ty Trung Quốc, công ty này đã phát triển được dây chuyền sản xuất vật liệu pin lithium ion.

FBI cho biết, Đàm Hồng Tấn đã hỏi các lãnh đạo công ty cũ về tài liệu liên quan đến “Bí mật thương mại về hệ thống pin lithium ion trên điện thoại di động”. Theo lời làm chứng của đặc vụ của FBI (chưa được tuyên bố tại tòa), Đàm có một ổ đĩa flash, trong đó có chứa tài liệu liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cũ chưa bị xóa và tài liệu cơ mật chưa bị xóa.

Bản khai của FBI nói, trước khi Đàm từ chức 1 ngày, những tài liệu này đã bị xóa khỏi USB lưu trữ.

Khi làm việc tại công ty Phillips 66, Đàm phụ trách dự án nghiên cứu phát triển pin của công ty này, đồng thời sử dụng công nghệ độc quyền của công ty này để phát triển công nghệ pin. Công ty Phillips 66 nói với FBI rằng, công ty kiếm được khoảng 1,4 tỷ USD đến 1,8 tỷ USD từ công nghệ chưa xác định này.

Huệ Anh

Xem thêm: