Vừa qua, tờ The Conversation, một diễn đàn quy tụ học giả đến từ hơn 600 trường đại học tại Mỹ, đã đăng tải bài viết của Giảng sư Maria Cheung, Đại học Manitoba, kêu gọi Canada dứt khoát chấm dứt đồng lõa với tội ác thu hoạch tạng đang diễn ra tại Trung Quốc.

Dưới đây là toàn văn bài viết “Canada must end complicity in China’s brutal organ trafficking regime” (Tạm dịch: Canada phải chấm dứt việc đồng lõa với chính quyền Trung Quốc trong việc buôn bán nội tạng tàn bạo). Bản tiếng Anh xem tại đây.

Wall Street Journal: "Cơn ác mộng" thu hoạch tạng người tại TQ

*

Đồng hồ đang điểm, Canada cần sớm tận dụng cơ hội để ban hành các biện pháp quan trọng chống nạn buôn bán nội tạng.

Trong hai thập kỷ qua, chế độ Trung Quốc đã giết chết các tù nhân lương tâm để lấy tạng của họ. Việc mua bán sinh mạng con người đã trở thành một ngành công nghiệp, và Canada, cùng với các quốc gia phát triển khác, đã và đang hỗ trợ nó.

Dự luật S-240 tìm cách ngăn chặn việc Canada đồng lõa với tội ác bằng cách hình sự hóa việc du lịch ghép tạng. Dự luật đã nhận được sự nhất trí tán thành từ cả Thượng viện và Hạ viện, và đang chờ phê chuẩn cuối cùng của Thượng viện trước khi kết thúc phiên họp quốc hội, sau đó mới có thể được thông qua.

Đây là thời điểm quan trọng quyết định đối với Canada.

Là thành viên của Ủy ban Canada thuộc Liên minh Quốc tế nhằm Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép tại Trung Quốc, tôi đã thúc đẩy ủng hộ Dự luật S-240, một biện pháp mang lại những thay đổi quan trọng cho “Bộ luật hình sự” và “Đạo luật bảo vệ người nhập cư và tị nạn” để chống lại việc du lịch ghép tạng.

Tạng sống theo yêu cầu

Buôn bán nội tạng là một hiện tượng toàn cầu. Tuy nhiên, việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức cần được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh của người Trung Quốc. Ở Trung Quốc, hành vi thu hoạch nội tạng này được điều hành bởi nhà nước.

Nhà nước nhắm vào tù nhân lương tâm và ban hành các chính sách theo kiểu diệt chủng. Thu hoạch tạng cưỡng bức ở Trung Quốc được thực hiện trên quy mô công nghiệp.

Từ đầu những năm 2000, các bệnh viện Trung Quốc đã cung cấp nội tạng sống theo yêu cầu. Các nội tạng tương thích với bệnh nhân có thể được cấy ghép trong vài tuần, thậm chí là vài ngày.

Ước tính từ 60.000 tới 100.000 ca cấy ghép tạng đang được thực hiện ở Trung Quốc hàng năm. Con số này không thể được đáp ứng chỉ bằng nội tạng của tử tù và nội tạng của người hiến tặng tự nguyện.

Pháp Luân Công, Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng là đối tượng bị nhắm tới

Sự bùng nổ cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc trùng khớp với sự khởi đầu của chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công. Kể từ tháng 7/1999, nhóm Pháp Luân Công đã bị giam giữ và tra tấn hàng loạt. Trong khi bị giam giữ, những người theo Pháp Luân Công đã bị tách ra để kiểm tra nội tạng và xét nghiệm máu.

Cũng như nhóm Pháp Luân Công, những người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, và một số nhánh Kitô giáo cũng trở thành nạn nhân. Việc thu hoạch tạng cưỡng bức vẫn đang tiếp diễn bất chấp việc Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ ngăn chặn hành vi bất hợp pháp này.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch báo cáo vào tháng 12/2017 rằng chính quyền Trung Quốc đã cưỡng bức thu thập dữ liệu sinh học, bao gồm DNA và mẫu máu, từ 19 triệu người dân Duy Ngô Nhĩ trong năm đó, dưới vỏ bọc là một chương trình y tế công cộng miễn phí, bắt buộc mọi công dân đều phải kiểm tra thể chất.

Cùng lúc, chế độ Trung Quốc bắt đầu bắt giữ hàng loạt và tống giam người Duy Ngô Nhĩ, một triệu người bị giam giữ trong các trại tập trung. Trong khi đó, một làn ưu tiên được dán nhãn là “làn dành cho hành khách đặc biệt hoặc vận chuyển nội tạng” đã xuất hiện tại sân bay Kashgar, Tân Cương.

Những công dân Canada tới Trung Quốc để cấy ghép tạng trái phép

Trong hai thập kỷ vừa qua, cùng với các nước phát triển khác, Canada đã tham gia tiếp tay cho việc lạm dụng tạng từ tù nhân của Trung Quốc. Bác sĩ Jeff Zaltzman, trưởng khoa cấy ghép thận tại Bệnh viện Thánh Michael ở Toronto, cho biết vào năm 2014 rằng đã có ít nhất 50 bệnh nhân của riêng ông tới Trung Quốc ghép tạng. Kể từ đó, bác sĩ Zaltzman đã ủng hộ việc thúc đẩy các thay đổi pháp lý để ứng biến với nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.

Trên thực tế, Canada được xác định là một trong bảy quốc gia “nhập khẩu” nội tạng lớn nhất, cùng với Mỹ, Úc, Israel, Nhật Bản, Oman và Arab Saudi.

Trừ một vài ngoại lệ, Bộ luật Hình sự Canada hiện chỉ hình sự hóa các tội ác xảy ra trên lãnh thổ Canada. Như vậy, việc người Canada du lịch nước ngoài để cấy ghép nội tạng từ nguồn bất hợp pháp lại đang là hành vi hợp pháp. Bởi vì hành vi này không xảy ra trên lãnh thổ Canada.

Phạm tội ngoài lãnh thổ

Dự luật S-240 của Canada đã thừa nhận tính chất phạm tội ngoài lãnh thổ của việc lạm dụng cấy ghép tạng. Bằng việc quy định hành vi mua nội tạng mà không có sự đồng thuận của chủ nhân nội tạng bên ngoài Canada là phạm tội ngoài lãnh thổ, dự luật S-240 đã tạo ra biện pháp ngăn chặn dòng nội tạng từ các quốc gia như Trung Quốc.

Dự luật này cũng sẽ mang Canada tiến gần với chuẩn mực pháp lý quốc tế hơn, tương xứng với nguyên tắc chống việc thương mại hóa cấy ghép tạng trong Tuyên bố Istanbul về Buôn bán Tạng và Du lịch Cấy ghép tạng.

Các quốc gia như Israel, Tây Ban Nha, Đài Loan, Ý và Na Uy đã thực hiện các hành vi lập pháp tương tự. Liên minh châu Âu và Mỹ đã ban hành một tuyên bố và nghị quyết tương ứng, lên án tội cưỡng bức thu hoạch tạng.

Vào ngày 11 tháng 12 năm 2018, Tòa án Trung Quốc – một tòa án nhân dân độc lập, chủ tọa bởi Ngài Geoffrey Nice, người từng truy tố cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế – đã tuyên bố trong phán quyết tạm thời:

“Chúng tôi chắc chắn, đồng thuận, không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn.”

Phán quyết cuối cùng cũng đã được đưa ra vào ngày 17/6 vừa qua.

Việc Canada đảm bảo Dự luật S-240 được thông qua là rất quan trọng.

Trung Quốc lên kế hoạch quốc tế hóa hành vi giết người hàng loạt

Trung Quốc có tham vọng phát triển ngành cấy ghép tạng thành một ngành công nghiệp xuất khẩu, là một phần của chính sách Một vành đai Một con đường.

Việc công nghiệp hóa và toàn cầu hóa cấy ghép tạng là việc công nghiệp hóa và toàn cầu hóa tội ác giết người hàng loạt. Nếu điều này bén rễ trong xã hội loài người, thì những bộ phân dân chúng dễ bị tổn thương sẽ trở thành vật hy sinh để bộ phận giàu có và quyền lực có thể theo đuổi cuộc sống khỏe mạnh.

Cái giá của việc không hành động sẽ là sự đồng lõa của Canada với một trong những tội ác tồi tệ nhất của thời đại này. Điều quan trọng là Canada cần phải thông qua dự luật S-240 trước khi phiên họp quốc hội lần này kết thúc – Để chấm dứt việc đồng lõa với tội ác.

Maria Cheung

Minh Nhật biên dịch

Xem thêm: