Hôm qua, qua Hãng tin Fox tôi nhận thấy một giọng quen thuộc thời xa xưa. Nhà nghiên cứu tình hình Trung Quốc có thâm niên đang cố gắng giảng giải vì sao các cuộc đàm phán về thương mại với Trung Quốc dường như luôn thất bại. Vì sao Trung Quốc nuốt lời trên những điều khoản nhất định của thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung mà họ đã nhất trí.

Đó là kết quả của cuộc đấu tranh đang diễn ra giữa “những người theo đường lối cứng rắn” và “những nhà cải cách” ở Bắc Kinh, người dẫn chương trình, chuyên nghiên cứu tình hình Trung Quốc không xưng danh giải thích.

Theo quan điểm của chuyên gia Trung Quốc nêu trên, “những nhà cải cách đã đạt được những nhượng bộ với nước Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại, nhưng vấp phải rắc rối bên trong với ‘những người theo đường lối cứng rắn’, những người cho rằng họ đã cho đi quá nhiều. Đó là vì sao ‘những nhà cải cách’ đang cố gắng đàm phán lại hiệp định.”

Tôi nắm được một chút thông tin liên quan tới phân tích này. Phân tích của chuyên gia Trung Quốc nêu trên chí ít đã lỗi thời mất sáu năm.

Cuộc chiến giữa những người theo đường lối cứng rắn muốn có nền kinh tế do nhà nước kiểm soát, và những nhà cải cách muốn chuyển theo hướng thị trường tự do, đã kết thúc một cách đầy ấn tượng. Những nhà cải cách đã thua cuộc.

Embed from Getty Images

Họ thua khi phe theo đường lối cứng rắn lấp dưới danh nghĩa Tập Cận Bình đã giành được quyền lực từ sáu năm trước. Ngay sau khi nắm quyền hồi cuối năm 2012, ông Tập đã đưa ra một hệ tư tưởng mới. Đó là, về phạm trù chính trị, một sự thụt lùi tới tương lai. Chiếc đồng hồ đã quay ngược trở về với hệ tư tưởng Mác xít-Lêninit-Maoit và chính sách kinh tế của những năm 1950 và 1960.

Chúng tôi biết điều này sẽ trở thành một vấn đề, vì hồi tháng 4/2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giải mật “Thông báo về tình trạng gần đây trong lĩnh vực tư tưởng”. Tài liệu được biết đến là Bản chỉ thị số 9 này thúc giục các đảng viên ngăn ngừa “bảy hiểm họa” chính trị. Rõ ràng đó là trước tác của chính “lãnh đạo hạt nhân” Tập Cận Bình.

Bảy “hiểm hoạ” được liệt kê gồm: “chủ nghĩa hợp hiến”, “xã hội dân sự”, các quan điểm “vô chính phủ” trong lịch sử, “các giá trị phổ quát”, sự cổ động cho “cái nhìn của phương Tây từ giới truyền thông,” và điều mà Đảng gọi là “chủ nghĩa tân tự do.”

“Chủ nghĩa tân tự do” được bản Chỉ thị số 9 định nghĩa như là một âm mưu nhằm biến đổi hệ thống kinh tế cơ bản của Trung Quốc đi theo đường lối thị trường tự do. “Chủ nghĩa tân tự do” bị chỉ trích cùng với sáu “hiểm họa” khác như một trong những “xu thế, quan điểm và hành động” sai lầm về ý thức hệ mà tất cả đều đáng lưu ý vì chúng đe dọa tới sự lãnh đạo của Đảng.

Đảng viết:

Chủ nghĩa tân tự do chủ trương tự do hoá kinh tế vô độ, tư nhân hoá hoàn toàn và thị trường hoá tất cả, nó đối kháng bất kỳ hình thức can thiệp hay luật lệ nào của nhà nước. Các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, tiến hành các chương trình tự do mới dưới chiêu bài ‘toàn cầu hoá’, khiến các nước Mỹ La-tinh, Liên bang Xô viết và Đông Âu chịu đựng những hậu quả thảm khốc, và còn đẩy chính [Mỹ và phương Tây] vào những cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế mà họ còn chưa phục hồi được.”

Điều này được diễn giải chủ yếu theo những cách sau:

[Những người ủng hộ chủ nghĩa tân tự do] thúc đẩy một cách tích cực “lý thuyết quyền lợi tuyệt đối của thị trường.” Họ cho rằng sự kiểm soát kinh tế vĩ mô của đất nước chúng ta đang bóp nghẹt khả năng tồn tại lâu dài và tính hiệu quả của thị trường và họ phản đối sở hữu công, cho rằng là các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc là “tư bản độc quyền nhà nước,” không hiệu quả và phá vỡ nền kinh tế thị trường, và cần được “tư nhân hoá toàn diện.” Những lập luận này nhằm thay đổi cơ sở hạ tầng kinh tế cơ bản của đất nước chúng ta và làm suy yếu việc kiểm soát nền kinh tế quốc dân của nhà nước.

Để đấu tranh chống chủ nghĩa tân tự do và những “hiểm họa” khác, các đảng viên được nhắc nhở cần đẩy mạnh chống “sự xâm nhập” của những tư tưởng ngoại lai, tiếp tục cam kết của họ để tác động “trong lĩnh vực tư tưởng,” và tiếp tục xử lý thận trọng tất cả các tư tưởng, thể chế và những người được cho là đe dọa tới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng.

Nói cách khác, không chỉ có cái gọi là những nhà cải cách kinh tế bị thất bại trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng sáu năm trước, mà quan điểm của họ cũng bị tuyên bố một cách chính thức là một hiểm hoạ đối với nền độc tài cộng sản. Tồi tệ hơn, các đảng viên được hướng dẫn một cách rõ ràng rằng những người tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế thị trường theo quan điểm này sẽ bị tấn công và làm cho phải im lặng.

Và đó chính xác là điều đã đang xảy ra.

Cuộc đàn áp thẳng tay những người ủng hộ cải cách kinh tế (cũng như các luật sư nhân quyền, các phương tiện truyền thông, các học viện, tín đồ Thiên Chúa giáo, học viên Pháp Luân Công, và bất cứ ai từ chối theo gót Đảng) bắt đầu từ thời điểm đó vẫn tiếp diễn nhiều năm qua chưa hề giảm sút. Không chỉ các nhà cải cách thất bại, tư tưởng của họ cũng bị kiểm duyệt và vài người thậm chí còn bị mất đi địa vị chức quyền.

Tháng Mười hai năm ngoái, cựu Trưởng ban Kinh tế của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Giáo sư Xiang Songzuo của Trường đại học Bắc Kinh đã chỉ trích Đảng vì Đảng có những tuyên bố như “tài sản tư nhân sẽ bị loại bỏ,” và vì việc Đảng bắt “học tập chủ nghĩa Mác và Tuyên ngôn cộng sản nổi tiếng”. Sự nổi tiếng của ông đã cứu ông khỏi bị bắt, nhưng bài diễn văn của ông ngay lập tức bị kiểm duyệt.

Tháng Ba năm nay, một Viện sĩ hàn lâm hàng đầu của Trung Quốc, Giáo sư Trường Đại học Thanh Hoa Xu Zhangrun đã bị tước mọi chức vụ và bị điều tra vì chỉ trích chế độ thu hồi bất công tài sản tư nhân và nhiều vấn đề khác. Danh sách còn tiếp tục.

Những nhà cải cách dám nói ra chỉ là những người đã thoát khỏi Trung Quốc và đang sống ở nước ngoài. Và ảnh hưởng của họ tại Trung Quốc là … bằng không.

Lời khuyên của tôi với những nhà nghiên cứu Trung Quốc có thâm niên của nước Mỹ là: Đừng cố giải thích những lời hứa không được thực hiện của Trung Quốc về thương mại, an ninh, hoặc bất cứ điều gì khác như là kết quả của một vài va chạm đang diễn ra giữa ‘đám diều hâu hiếu chiến’ và ‘đàn bồ câu’ tại Trung Quốc, hay có thể hiểu là cuộc xung đột giữa những người theo tư tưởng Mao-ít và các nhà cải cách hoang tưởng.

Những kẻ hiếu chiến – như ông Tập Cận Bình – đã biến đàn bồ câu thành bữa tối từ rất lâu rồi. Và nay họ đang nhòm ngó chúng ta để biến thành bữa tối kế tiếp của họ.

Hy vọng lớn nhất đối với cải cách ở Trung Quốc hiện nay là chế độ thuế mới công bố của ông Trump. Cơn địa chấn kinh tế tiếp sau đó sẽ lan truyền những cơn sóng lớn đánh vào các hệ thống hiện hành và có khả năng khiến chúng sụp đổ.

Nguồn: Bài bình luận ”What China Reformers? What China Doves?” đăng trên The Epoch Times hôm 10/5/2019. 

Tác giả: Steven W. Mosher

Ông Steven W. Mosher là Chủ tịch Viện nghiên cứu Dân số và là tác giả cuốn “Mối đe dọa của châu Á: Vì sao giấc mơ của Trung Quốc là sự đe dọa mới cho trật tự thế giới.”

Biên dịch: Dung Lê