Năm 2018, khu vực châu Á có nhiều nơi có nguy cơ xảy ra mất an toàn, một nơi hiển nhiên nhất chính là Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chuyên gia về vấn đề an ninh khu vực châu Á thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế cho rằng, so với Bắc Triều Tiên, khu vực biển Hoa Đông, biển Đông và eo biển Đài Loan, nơi dễ xảy ra xung đột quân sự nhất chính là biên giới Trung Quốc – Ấn Độ.

Trung An bien gioi
Biên giới Trung – Ấn

Bắc Triều Tiên dễ xảy ra chuyện nhất, eo biển Đài Loan khó có khả năng?

Hôm 24/1, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế đã tiến hành cuộc khảo sát đối với những người tham gia hội thảo về dự đoán tình hình châu Á. Người tham gia hội thảo trả lời vấn đề: Năm 2018, nơi nào có khả năng xuất hiện sự kiện an ninh lớn nhất? Kết quả, 42% người lựa chọn Bắc Triều Tiên, 31% người lựa chọn Biển Đông, 14% người lựa chọn biên giới Trung Quốc – Ấn Độ, 10% người lựa chọn biển Hoa Đông, chỉ có 3% người lựa chọn eo biển Đài Loan.

Về vấn đề khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Bắc Triều Tiên, năm 2017, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump coi đây là thách thức ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến an ninh quốc gia Mỹ. Đa số người tham dự hội thảo đều cho rằng, năm 2018, trên bán đảo Bắc Triều Tiên có khả năng xuất hiện khủng hoảng an ninh nhất và còn khiến nhiều người bất ngờ.

Khả năng xung đột biên giới Trung – Ấn là cao nhất

Dù vậy, ông Zack Cooper – chuyên gia cao cấp về Vấn đề an ninh châu Á thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế lại cảm thấy bất ngờ vì có ⅓ người lựa chọn biển Đông, bởi vì theo ông, vấn đề biển Đông, về cơ bản là phát triển theo ý đồ của Trung Quốc, Trung Quốc không có nhiều lý do để gây sự ở biển Đông.

Ông nhận định, biên giới Trung – Ấn là nơi dễ có khả năng xảy ra xung đột nhất.

Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào xu thế phát triển của mối quan hệ Trung Quốc và Ấn Độ, một năm qua là năm tương đối ảm đạm. Tôi cho rằng, vấn đề này mang tính kết cấu. Nó được xây dựng trên sự thực như vậy, tức hai nước Trung – Ấn đều nhanh chóng phất lên thành nước lớn, mỗi năm, cách nhìn nhận của họ lại có thay đổi, cho rằng bản thân mình lớn mạnh hơn năm trước. Lợi ích của bản thân họ cũng không ngừng mở rộng. Do đó, rất tự nhiên, lâu dần, tại khu vực biên giới giữa hai nước sẽ xảy ra căng thẳng. Tại vị trí hiện tại của bản thân mỗi nước, nếu lui lại thì cũng rất khó.” 

Ông còn chỉ ra, dù là biển Đông, biển Hoa Đông hay là eo biển Đài Loan, những gì bạn nhìn thấy là một Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng đang đối kháng là với những nước nhỏ hơn nó hoặc là những nước lớn đang đi xuống, chỉ có biên giới Trung – Ấn là nơi mà hai nước lớn trỗi dậy đối kháng với nhau, do đó, tại nơi này xuất hiện nhiều vấn đề căng thẳng là khó tránh.

Đầu năm 2018, khu vực biên giới Trung – Ấn tiếp tục xảy ra tranh chấp. Theo truyền thông Ấn Độ đưa tin, đội sửa đường và quân nhân Trung Quốc xảy ra đối đầu cự ly gần với cảnh sát biên phòng và quân đội Ấn Độ. 

Khả năng chiến tranh ở biển Đông nhỏ, biên giới Trung – Ấn mới là lớn nhất

Bà Bonnie Glaser – Cố vấn cấp cao về Sự vụ châu Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế cũng đồng ý với nhìn nhận của ông Zack Cooper. Theo bà nhận định, các hoạt động quân sự trên những đảo nhân tạo ở biển Đông của Trung Quốc và các hoạt động tự do hàng hải Mỹ tại khu vực này khó có khả năng dẫn đến xung đột quân sự giữa hai nước.

Bà nói: “Trừ phi Trung Quốc lựa chọn hành động khiêu khích khiến cho cục diện trở lên bất ổn, tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ nhìn thấy Mỹ có phản ứng bằng hành động quân sự. Trung Quốc rất cẩn thận không vượt qua ngưỡng cửa để dẫn tới phản ứng về quân sự của nước khác. Tôi không cho rằng họ sẽ đưa ra những phán đoán sai lầm, dù vậy, chúng ta đương nhiên cũng không loại trừ khả năng này.

Theo bà, Bắc Kinh không sẽ không dùng vũ lực đối với Đài Loan hoặc có các hành động khác để gây áp lực, trừ phi Tổng thống Thái Anh Văn có hành động khiêu khích.

Bà Bonnie Glaser cho rằng, biên giới Trung – Ấn là nơi có thể xuất hiện vấn đề về an ninh, ít nhất cũng là xung đột nhỏ. Bà nói, giữa hai nước Trung – Ấn tồn tại tranh chấp và không tin tưởng lẫn nhau, năm ngoái, tại biên giới của hai nước này cũng đã xảy ra đối đầu về quân sự.

Trong sự kiện tranh chấp biên giới năm ngoái, khả năng hiểu ý đồ của Ấn Độ về phía Trung Quốc không tốt, nên mới xảy ra hiểu lầm, đây là điểm mà bà lo lắng.

Tuy nhiên bà cũng cho rằng, nếu như tại biên giới Trung – Ấn xảy ra xung đột, thì dạng xung đột này cũng chỉ giới hạn giữa hai nước mà thôi, chứ không dính dáng đến nước khác.

Biên giới Trung – Ấn luôn có nguy cơ xảy ra xung đột cao

Ông Michael Green – từng giữ phụ trách trách sự vụ châu Á của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ từ thời Tổng thống George W. Bush cũng nhận định rằng xung đột biên giới Trung – Ấn trong thời gian dài có thể là một mối nguy hiểm.

Ông nói: “Ngoài việc hai nước Trung – Ấn đều đưa ra tín hiệu cho thấy vấn đề còn tồn tại cho đến tham vọng của hai nước mới nổi này, còn có nhân tố địa chính trị khiến vấn đề biên giới Trung – Ấn đã trở thành vấn đề nguy hiểm trong thời gian dài, hơn nữa có thể trở thành vấn đề ngày càng nguy hiểm.”

Nhân tố địa chính trị mà ông nhắc tới bao gồm cảm giác không an toàn của Trung Quốc đối với vấn đề Tây Tạng, mối quan hệ mật thiết giữa Trung Quốc và Pakistan, vấn đề làm tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ khi Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương, vấn đề tài nguyên nước.

Hai nguyên nhân ngăn chặn xung đột phát triển ở biên giới Trung – Ấn

Ông Michael Green cho rằng, có hai nguyên nhân giúp ngăn chặn xung đột biên giới Trung – Ấn: thứ nhất là, tại nóc nhà thế giới (biên giới Trung – Ấn), ngay cả hô hấp cũng khó, chưa nói đến đảm bảo hậu cần cho một cuộc chiến tranh; hai là, lãnh đạo hai nước Trung – Ấn chủ yếu quan tâm đến tăng trưởng kinh tế, trong khi nếu xảy ra chiến tranh sẽ khiến mục tiêu kinh tế bị ảnh hưởng.

Trí Đạt

Xem thêm: