Quốc hội Cuba sẽ họp trong hai ngày 18 và 19/4 để bầu lãnh đạo kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro. Ông Miguel Díaz-Canel, ‘cánh tay phải’ của Chủ tịch Raul gần như chắc chắn là người được chọn.

Embed from Getty Images

Ông Díaz-Canel là trợ thủ tân tín của Chủ tịch Raul Castro suốt 5 năm qua.

Ông Raul Castro đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba từ năm 2006, kế nhiệm anh trai Fidel Castro. Kỳ họp Quốc hội lần này ông Raul sẽ từ nhiệm vai trò Chủ tịch, nhưng vẫn giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Cuba cho tới kỳ Đại hội Đảng vào năm 2021.

BBC cho biết Quốc hội Cuba hôm 18/4 đã bỏ phiếu chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nhưng kết quả sẽ chính thức được công bố vào thứ Năm 19/4 (giờ Cuba). Gần như chắc chắn ông Díaz-Canel sẽ chính thức là tân Chủ tịch Cuba.

Will Grant, phóng viên BBC thường trú tại Cuba nhận định rằng vị lãnh đạo mới của Cuba sẽ kế thừa một đất nước với nền kinh tế trì trệ và dân số trẻ thiếu kiên nhẫn thay đổi.

Ông Díaz-Canel là ai?

Lý lịch chính trị của ông Diaz-Canel tương đối mờ nhạt khi ông lần đầu được chỉ định giữ chức phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba vào năm 2013, nhưng sau đó ông đã dần nổi bật hơn vì trở thành đồng minh quan trọng của Chủ tịch Raul Castro.

Trong năm năm qua, ông Diaz-Canel đã được chuẩn bị chu đáo cho chức vụ chủ tịch và bàn giao quyền lực.

Tất nhiên, như nhiều lãnh đạo của thể chế cộng sản, ông Diaz-Canel không phải là tay mơ về chính trị. Trước khi được giữ chức phó Chủ tịch Cuba, người đàn ông 58 tuổi này đã có một sự nghiệp chính trị lâu dài.

Ông Diaz-Canel sinh tháng 4/1960, chưa đầy một năm sau cuộc cách mạng Cuba do Fidel Castro lãnh đạo.

Ông Diaz-Canel học Đại học chuyên ngành kỹ thuật điện và bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm hơn 20 tuổi với vai trò thành viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba tại Santa Clara.

Trong khi giảng dạy kỹ thuật điện ở trường đại học địa phương, ông Diaz-Canel tiếp tục thăng tiến tại tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba và trở thành Bí thư thứ hai của tổ chức này khi mới ở tuổi 33.

Chủ tịch Raul Castro đã đánh giá cao “ý thức hệ kiên định” của ông Diaz-Canel, theo BBC.

Tân Chủ tịch sẽ mang tới thay đổi thực sự cho Cuba?

Ngoại giới nhận định rằng ông Diaz-Canel rất khó để đưa ra bất kỳ thay đổi lớn nào tại Cuba trong ngắn hạn, đặc biệt khi ông Raul Castro vẫn duy trì một lực lượng chính trị đáng kể cần tính đến.

Bất cứ thay đổi nào tại Cuba, ông Diaz-Canel cần thực hiện dần dần và chậm chạp. Trước đó, chính Chủ tịch Raul Castro cũng đã đem tới một số cải cách kinh tế, ngoại giao cho đất nước Cuba sau khi ông kế nhiệm người anh trai quyền lực Fidel Castro vào năm 2006, nổi bật nhất là sự tan băng trong quan hệ với Mỹ mà dường như không thể tưởng tượng được dưới thời Fidel.

Ông Diaz-Canel sẽ phải xem xét làm thế nào để vượt qua những vấn đề khó khăn tại Cuba, điều đã gây ra sự suy thoái trầm trọng cho đồng minh của chế độ Havana – Venezuela, và mối quan hệ nào mà Cuba muốn có với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Quan hệ Cuba – Mỹ được cải thiện dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhưng cánh cửa hợp tác đó đã hẹp lại một phần từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng tháng 1/2017.

Tổng thống Trump năm ngoái đã tái áp đặt các hạn chế di trú và giao thương với Cuba, những vấn đề đã được nới lỏng dưới thời Obama. Tuy nhiên, ông Trump vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ ngoại giao và thương mại chính yếu với chế độ Castro.

Với người dân Cuba, điều họ quan tâm nhất hiện nay ở lãnh đạo mới là liệu ông ta làm được gì để cải thiện đời sống hàng ngày của nhân dân.

Giáo viên Adriana Valdivia, 45 tuổi, sống tại Havana, nói với Reuters rằng: “Ngay bây giờ, chúng tôi không biết tương lai sẽ ra sao”.

Raul đã kết thúc và Fidel là lịch sử. Tôi không thể nhìn thấy cách thức nào giúp cuộc sống của người dân Cuba tốt hơn, lương vẫn thế, tiền kiếm được không đủ chi tiêu và hiện nay ông Trump đang thắt chặt quan hệ và phong tỏa, hãy nghĩ tới điều đó”, giáo viên Valdivia nói thêm.

Chính trị không phải là điều tôi quan tâm lớn. Nhưng tôi không nghĩ việc thay đổi vị trí lãnh đạo cấp cao sẽ thay đổi cuộc sống của tôi”, ông Diadenis Sanabria, 34 tuổi, làm việc tại một quán ăn của nhà nước ở thủ đô Havana chia sẻ với Reuters.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ ra bi quan với ý tưởng cho rằng việc chuyển đổi lãnh đạo sẽ dẫn đến tự do hơn cho người dân Cuba.

Trao đổi với báo giới trong buổi họp báo hôm thứ Ba (17/4), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho hay: “Khi chúng tôi quan sát điều gì diễn ra tại Quốc hội Cuba, chúng tôi nhìn thấy rõ ràng rằng sẽ không có một sự chuyển tiếp dân chủ. Do đó, khi chúng tôi nhận thấy có điều gì đó không phải là chuyển tiếp dân chủ, nó đem tới quan ngại lớn cho chúng tôi. Chúng tôi muốn người dân [Cuba] có thể có tiếng nói về tương lai chính trị của họ…

Bà Nauert nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi hy vọng tân Chủ tịch Cuba sẽ lắng nghe người dân Cuba. Chúng tôi không dám chắc điều đó sẽ xảy ra”.

Tuy nhiên, tương lai tự do hơn cho người Cuba là khó khăn vì theo ngoại giới đánh giá, ông Díaz-Canel là người kiên định đường lối của Đảng Cộng sản, đã từng công khai khẳng định không cho phép tiếng nói đối lập tại cơ quan lập pháp quốc gia và lên án các động thái cải thiện quan hệ với Mỹ.

Yên Sơn (T/h)

Xem thêm: