Ông Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), có quốc tịch Thụy Điển – chủ nhà xuất bản sách tại Hồng Kông, từng nổi tiếng bởi vụ bị giới chức Trung Quốc bắt cóc hai năm trước – cuối tuần qua lại bị cảnh sát mật Đại lục bắt lại khi đang trên một chuyến tàu tới Bắc Kinh.

Embed from Getty Images

Ông Gui từng bị mật vụ Trung Quốc bắt cóc tại Thái Lan năm 2015

Cô Angela Quế, con gái của ông Quế Mẫn Hải, trao đổi với tờ Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) của Hồng Kông rằng cha cô, cùng với hai nhà ngoại giao Thụy Điển, đang trên chuyến tàu từ thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang hướng đến thủ đô Bắc Kinh vào hôm thứ Bảy (20/1), thì có khoảng 10 sĩ quan an ninh mặc thường phục đột nhập lên tàu và bắt ông Quế đi.

Trao đổi với tờ New York Times (Mỹ), cô Angela nói thêm rằng ông Quế đang trên đường tới Đại sứ Quán Thụy Điển tại Bắc Kinh để kiểm tra sức khỏe.

Theo hãng tin Mỹ, ông Quế bắt đầu có dấu hiệu mắc bệnh về hệ thần kinh, gọi là teo cơ sơ cứng cột bên (ALS), và hôm thứ Bảy (20/1) ông đang tới lãnh sự quán Thụy Điển tại Thượng Hải để kiểm tra y tế, chứ không phải tới Bắc Kinh.

Trong một thông cáo gửi tới SCMP, Bộ Ngoại giao Thụy Điển dẫn lời Bộ trưởng Margot Wallstrom, cho biết: “Chính phủ Thụy Điển đã biết chi tiết về những gì đã xảy ra. Tôi đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc và ông ấy đã hứa sẽ cung cấp thông tin về tình hình của ông Quế”.

Bộ Ngoại giao Thụy Điển nói thêm rằng: “Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn kể từ sáng thứ Bảy và kể từ đó Bộ Ngoại giao đã làm việc hàng giờ đồng hồ về vấn đề này”.

Người bạn lâu năm của ông Quế, ông Bối Lĩnh (Bei Ling) nói với SCMP rằng ông Quế thời gian gần đây vẫn được phép liên lạc với bạn bè ở Trung Quốc thường xuyên.

Ông Bối Lĩnh, một nhà thơ bất đồng chính kiến với chính quyền Bắc Kinh, đồng sáng lập Trung tâm Ngòi bút Trung Quốc Độc lập, nói rằng ông không trực tiếp nói chuyện với ông Quế nhưng biết được câu chuyện gần đây của ông thông qua một người bạn cũ khác.

Ông ấy đã nói với bạn bè của mình rằng ông đã nộp đơn xin hộ chiếu Thụy Điển mới tại lãnh sự quán Thụy Điển tại Thượng Hải”, ông Bối nói và cho biết thêm rằng: “Mặc dù ông Quế không nói với bạn bè của mình rõ ràng về việc liệu giới chức Trung Quốc đã cho phép ông lấy hộ chiếu đó và rời Trung Quốc hay không, nhưng bạn bè suy đoán rằng cuối cùng giới chức không phản đối ông rời đi”.

SCMP có liên lạc với Bộ Công An Trung Quốc qua đường fax để hỏi về thông tin hiện tại của ông Quế  nhưng không nhận được hồi âm. Sở Công An thành phố Ninh Ba cũng từ chối trả lời qua điện thoại.

Theo SCMP, ông Quế Mẫn Hải là một trong năm chủ nhà xuất bản sách đã bị cấm xuất cảnh khỏi Trung Quốc do bị cáo buộc cung cấp sách liên quan đến tin đồn chính trị về giới lãnh đạo chế độ Bắc Kinh.

Trong năm 2015, ông Quế đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế khi bị các điệp viên Đại lục bắt cóc tại Thái Lan cùng 4 chủ nhà xuất bản khác và bị đưa về Trung Quốc giam giữ. Sau đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng những người này đã tự nguyện đến Trung Quốc Đại lục.

Ông Quế sau đó còn nhận tội có liên quan việc đến việc gây chết người trong một vụ tai nạn giao thông vào năm 2003. Ngoại giới cho rằng ông Quế đã bị ép cung để giới chức Trung Quốc hợp pháp hóa việc giam giữ.

Dưới bút danh A Hải (Ah Hai), ông Quế đã viết và đồng tác giả của khoảng 200 cuốn sách trong sự nghiệp 10 năm của mình. Các nhân vật trong các cuốn sách này là những lãnh đạo cấp cao của chính quyền Trung Quốc, bao gồm Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, và đặc biệt là chủ tịch Tập Cận Bình. Những quyển sách của ông bị chính quyền Trung Quốc đại lục cấm và ông Quế luôn phải giữ bí mật trong khi di chuyển. Ông thậm chí không về Trung Quốc đại lục khi cha ông bị ốm và qua đời. Sau vụ Vương Lập Quân chạy vào Đại sứ quán Mỹ cầu cứu năm 2012, các cuốn sách của ông lập tức trở nên nổi tiếng và ông thu được 10 triệu đô la Hồng Kông tiền bán sách.

Cuối năm 2015, ông bị nhà cầm quyền Bắc Kinh bắt cóc tại Thái Lan trong một sự kiện gọi là Vụ mất tích Nhà Sách Đồng La (Causeway Bay Books). Anh Quốc đã tố cáo Trung Quốc cố tình vi phạm quy chế Một quốc gia, hai chế độ của Hồng Kông.

Vào tháng 10/2017, ông Quế đã được thả tự do và đoàn tụ với gia đình tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó nói rằng ông Quế đã “hoàn thành thời gian thụ án” của vụ gây tai nạn giao thông hơn thập kỷ trước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại thời điểm đó không đề cập đến cáo buộc trước đó cho rằng ông Quế đã điều hành một “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp” từ tháng 10/ 2014, cung cấp khoảng 4.000 cuốn sách bị cấm qua biên giới tới 380 khách hàng.

Hùng Cường

Xem thêm: