Nhà Trắng vừa gửi đơn yêu cầu Toà án Tối cao Hoa Kỳ tái áp dụng lệnh cấm đi lại đối với những quốc gia bị cho là có nguy cơ khủng bố cao, trong bối cảnh Anh Quốc tiếp tục đối mặt với cuộc tấn công khủng bố từ những kẻ Hồi giáo cực đoan. 

Lệnh cấm của Tổng thống Trump đã bị các thẩm phán cấp dưới chặn vì lý do phân biệt đối xử và vi hiến.

Nhà Trắng đã gửi hai lá đơn khẩn cấp lên 9 thẩm phán của Tối cao Pháp viện, đề nghị lật lại nội dung phán quyết của các tòa cấp dưới.

Chúng ta phải khôn ngoan, thận trọng và cứng rắn. Chúng ta cần toà án trả lại quyền của mình. Chúng ta cần Lệnh cấm đi lại như một cấp độ an toàn đặc biệt!“, ông Trump viết trên Twitter sau vụ tấn công ở London khiến 7 người thiệt mạng.

Chúng ta cần Lệnh cấm đi lại – không phải bản yếu đuối, ba phải chính trị mà Bộ Tư pháp đã gửi lên Toà án Tối cao, mà là một bản cứng rắn hơn nhiều!“.

Thông báo về việc gửi đơn kháng cáo lên toà án Tối cao, người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ nói: “Chúng tôi đã yêu cầu Tối cao Pháp viện hãy nghe trình bày về vụ việc quan trọng này, và hãy tin rằng lệnh của Tổng thống Trump được ban hành hoàn toàn trong thẩm quyền của ông, với mục đích giữ cho nước Mỹ an toàn và bảo vệ các cộng đồng của chúng ta khỏi chủ nghĩa khủng bố”.

Tổng thống không bắt buộc phải cho những người đến từ các nước tài trợ hoặc che chở cho khủng bố vào Mỹ, cho tới khi ông thấy rằng họ đã được kiểm tra một cách thích hợp và không tạo ra mối đe dọa an ninh nào cho Hoa Kỳ.

Chính phủ nay yêu cầu tòa chuẩn thuận các yêu cầu khẩn cấp, theo đó tái lập ngay lập tức nội dung lệnh cấm đi lại. Phán quyết của tòa sẽ được đưa ra trong vòng hai tuần lễ.

Tòa sau đó sẽ quyết định xem liệu có thụ lý toàn bộ đơn kháng cáo của chính phủ hay không. Nếu tòa chấp nhận, thì việc xem xét sẽ diễn ra trong tháng 10.

Ông Trump ký sắc lệnh cấm đi lại lần đầu tiên là ngay khi ông vừa nhậm chức, hồi tháng 1. Sắc lệnh cấm công dân của Somalia, Iran, Iraq, Syria, Sudan, Lybia và Yemen vào Mỹ trong 90 ngày, và ngưng ngay lập tức chương trình nhận người tị nạn từ mọi quốc gia trong 120 ngày.

Lệnh cấm đã bị chặn sau khi có khiếu nại pháp lý từ tiểu bang Washington và Minnesota.

Sau đó, ông Trump ký một sắc lệnh sửa đổi, hồi tháng Ba, nhằm điều chỉnh các vấn đề pháp lý, và bỏ Iraq ra khỏi danh sách cấm.

Tuy nhiên, một tòa án cấp quận tại Maryland cho rằng lệnh cấm mới là vi hiến, và đã ra phán quyết chặn trước khi sắc lệnh có hiệu lực, 16/3.

Hồi tháng trước, tòa kháng cáo liên bang tại Virginia đã từ chối gỡ bỏ phán quyết chặn lệnh cấm.

Với động thái mới nhất, Tổng thống Mỹ sẽ cần sự ủng hộ của 5 trong tổng số 9 thẩm phán Tối cao mới có thể tái lập hiệu lực của lệnh cấm.

Đức Trí (t/h)

Xem thêm: