Thòng lọng đã được chăng lên, và ông Tập dường như cảm thấy được sự vương vướng ở cổ.

Ngày 4/10/2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có một bài phát biểu gây chấn động, được ví là “tuyên bố chiến tranh lạnh” với Trung Quốc. Ông đã nói trắng ra mọi âm mưu của Trung Quốc, từ tham vọng Made in China 2025 đến Biển Đông, đến chiến dịch can thiệp bầu cử quốc hội Mỹ tháng 11 và mong muốn triệt hạ Tổng thống Trump. Có thể thấy rõ rằng, chính quyền Trump đã coi Trung Quốc là nguy cơ số một của họ thay vì mối đe dọa hạt nhân Bắc Hàn như một năm trước. Giới chức Mỹ cũng đã trình bày một cái nhìn toàn diện về Trung Quốc cũng như lên kế hoạch chặn đứng tham vọng thay thế Mỹ làm siêu cường số 1 của nền kinh tế số 2 thế giới.

Embed from Getty Images

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu về các âm mưu của Trung Quốc tại Viện Hudson ngày 4/10

Chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 trong năm nay của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng được đánh giá là mang nhiều ý nghĩa chiến lược. Trước đó, ông Mattis đã hủy chuyến thăm Bắc Kinh bởi các va chạm với Trung Quốc cả trên biển Đông lẫn cuộc chiến thương mại. Tại Việt Nam, vị tướng mang biệt danh “Chó Điên” đã chỉ trích Trung Quốc dùng các hành vi “săn mồi” để chèn ép các nước nhỏ. Ngoài ra ông còn thay mặt chính phủ Mỹ, cam kết chi hàng tỷ USD xử lý hậu quả chất độc Màu Da Cam mà Mỹ đã rải lên Việt Nam trong chiến tranh. Những bước đi của ông Mattis được coi như hành động “chìa tay” về phía Việt Nam trong nỗ lực xây dựng một liên minh chống lại sự bành trướng của Trung Quốc toàn cầu.

Trong khi Sáng kiến Vành Đai – Con đường của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi mà những nước được Trung Quốc đầu tư lần lượt nhận ra âm mưu trải bẫy nợ để mua chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, thì liên minh chống Trung của ông Trump cũng dần dần lộ diện. Ngày 1/10/2018 Mỹ ký với Mexico và Canada một hiệp ước tự do thương mại mới thay cho NAFTA, trong đó có điều khoản “cấm chơi” với một nước không có nền kinh tế thị trường – một ám chỉ rõ ràng đối với Trung Quốc. Mỹ cũng tiến hành đàm phán lại nhiều thỏa ước thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc, siết chặt quan hệ chính trị lẫn quân sự với chính phủ Đài Loan – một cái gai trong mắt Trung Quốc. Vấn đề Bắc Hàn dường như đã đi vào lộ trình êm đẹp mà Mỹ có thể gạt Trung Quốc ra bên lề. Hôm 15/10, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In ca ngợi sự “chân thành” của Kim Jong Un trong nỗ lực từ bỏ hạt nhân. Mỹ, Bắc Hàn cũng đã nhất trí sớm tiến hành thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 để cụ thể hóa các cam kết tại cuộc gặp lịch sử tại Singapore hồi tháng 6 mà không có bóng dáng của Bắc Kinh.

Embed from Getty Images

Tổng thống Trump tuyên bố thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ mới (USMCA) thay thế cho NAFTA ngày 1/10

Trong khi Iran vẫn duy trì chính sách chống Mỹ cực đoan và vì thế trở thành một đồng minh tự nhiên của Trung Quốc, thì quan hệ giữa Trump và Putin không hề bị xấu đi bất chấp các chế tài từ Nhà Trắng. Thêm nữa, bất hòa giữa Nga và Trung Quốc chưa bao giờ suy giảm. Mới đây, nhà báo lâu năm của Nga cho biết, mười mấy năm qua, Tổng thống Nga Putin vẫn luôn coi Trung Quốc là mối đe dọa chính. Ngoài những quốc gia độc tài, nghèo đói đang thèm khát những khoản tiền dễ dãi, Trung Quốc khó có thể tìm thấy đồng minh thực sự để đối trọng với khối liên minh mà ông Trump đang dựng lên.

Ấn Độ, một đối thủ lớn của Trung Quốc tại Châu Á từ lâu đã được đưa vào danh sách đối tác hàng đầu của Mỹ khi chính quyền Trump tuyên bố tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thay cho tên gọi Châu Á – Thái Bình Dương quen thuộc. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã một tay “xoay trục” sang phía Trung Quốc trong khi ông Obama còn làm Tổng thống, đã âm thầm “xoay” lại về phía Mỹ khi thương chiến có lợi thế nghiêng về phía Mỹ. Hồi tháng Tám vừa rồi, ông Duterte công khai đe dọa “chiến tranh” với Trung Quốc nếu Bắc Kinh quyết định đơn phương khoan thăm dò đáy biển tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nhà lãnh đạo Philippines thậm chí còn cảnh báo các lực lượng vũ trang của nước này sẽ “mang mã tấu tới và chiến đấu với người Trung Quốc” nếu cần thiết. Thêm nữa, chính quyền Duterte cũng ngày càng tỏ ra thất vọng khi Bắc Kinh “hứa lèo” việc rót các khoản đầu tư khổng lồ vào Philippines.

john bolton yt
Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton (Ảnh: Youtube)

Tại Biển Đông, nơi Obama được cho là đã thất bại trong việc ngăn cản Trung Quốc quân sự hóa và biến vùng biển này thành “ao nhà”. Dưới chính quyền Trump, cố vấn an ninh John Bolton khẳng định sẽ không để Biển Đông thành “một tỉnh của Trung Quốc” và âm mưu tạo thành một tình thế “việc đã rồi” của Bắc Kinh vẫn chưa thành công. Mỹ đã thuyết phục được Anh, Pháp và Úc gửi chiến hạm, tích cực tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải hơn. Chính phủ Nhật cũng đang tìm cách sửa hiến pháp để có thể điều động quân đội linh hoạt hơn trên vùng biển Đông và biển Hoa Đông liên lục bị Trung Quốc quấy nhiễu.

Trên lĩnh vực kinh tế vốn là “sân nhà” của ông Trump, các “thòng lọng” đã được nhanh chóng siết lại.

Tính đến tháng 10/2018 chính quyền Trump đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc và đe dọa còn áp thuế nữa nếu Trung Quốc không nhượng bộ các đòi hỏi về thương mại công bằng-đối ứng, cũng như quyền sở hữu trí tuệ. Trung Quốc đáp trả lên khoảng 110 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ. Việc ông Trump liên tục  hành động chứ không phải đe dọa suông như Bắc Kinh trước đó lầm tưởng đã tạo ra tâm lý lo sợ, bán tháo cổ phiếu cũng như tháo chạy của các tập đoàn khổng lồ ra khỏi Trung Quốc.

Theo thống kê của tờ Politico, trong năm nay, đồng Nhân Dân tệ của Trung Quốc đã giảm 6,4%, sàn chứng khoán Thượng Hải giảm 22,3% và ngân hàng JPMorgan Chase cũng như khối đầu tư cảnh báo quan ngại với thị trường Trung Quốc bất chấp con số tăng trưởng cao mà Bắc Kinh công bố. Kinh tế Trung Quốc trong quý III đã tăng trưởng chậm lại, phản ánh triển vọng mờ nhạt hơn nữa khi Bắc Kinh ngày càng lún sâu vào cuộc thương chiến không thể rút ra.

Embed from Getty Images

Thị trường chứng khoán Trung Quốc u ám ngày 15/10/2018

Ngày 18/10/ 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi  Liên minh bưu chính thế giới (UPU), một tổ chức 144 năm tuổi, được tạo ra để trợ giá cước vận tải hàng hóa cho các nước nghèo và các nước đang phát triển. Tổ chức này từ quá lâu đã bị Trung Quốc lợi dụng để giảm giá thành vận chuyển hàng hóa qua Mỹ, giúp cho các công ty Trung Quốc thu lợi không công bằng khi có thể vận chuyển hàng hóa quanh thế giới với mức phí rẻ hơn, tạo điều kiện cho Trung Quốc ồ ạt đưa hàng hóa vào Mỹ. 

Lấy ví dụ, một bưu kiện từ Trung Quốc gửi sang Mỹ dưới 1 lbs (0,45kg) chỉ có 5 cents/gói (hơn 1.000 VND), ngược lại dân Mỹ gửi hàng bán sang Trung Quốc phải tốn 16,75 USD (392.000 VND). Rõ ràng là hiện tại Trung Quốc không còn là một nước nghèo để tiếp tục hưởng trợ cấp bưu chính của Mỹ. Theo các chuyên gia ước lượng thì sau khi Mỹ rút lui khỏi UPU thì Trung Quốc sẽ gánh chịu thêm hàng tỷ mỗi năm cho các kiện hàng bưu chính gửi sang Mỹ – Đồng thời các doanh nghiệp bán lẻ của Trung Quốc trên Ebay, Amazon, Alibaba hoặc các trang mạng bán đồ online sang Mỹ xem như phá sản.

Một mặt trận khác mà Washington kiên quyết đối đầu với Bắc Kinh là đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, các khoản tài chính dễ dãi của Bắc Kinh đã mua chuộc được vô số các quốc gia nhỏ bé và nghèo đói tại Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh, đặc biệt ở những nơi có vị trí chiến lược mà nếu Trung Quốc lập được căn cứ quân sự sẽ khiến lợi ích Mỹ bị đe dọa. Từ Sri Lanka đến Maldives, các khoản vay của Trung Quốc đã tạo ra gánh nặng nợ nần không thể chi trả đối với các quốc gia này và nhiều nước đã buộc phải cắt đất cho Trung Quốc thuê 100 năm. Nhận thấy được điều này, từ tháng 10, Tổng thống Trump đã ký một đạo luật gọi là “Tận dụng tốt hơn các khoản đầu tư dẫn tới phát triển”, hay đạo luật BUILD. Đạo luật này tạo ra một cơ quan mới tên là IDFC và dự kiến sẽ đầu tư 60 tỷ USD ra nước ngoài – chủ yếu là Châu Phi, với mục tiêu đối trọng lại với Sáng kiến Vành Đai – Con Đường của Trung Quốc đang trải bẫy nợ khắp thế giới. Với IDFC, các quốc gia Châu Phi sẽ có một lựa chọn khác để nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế ngoài lựa chọn đầy rủi ro là hợp tác với Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã nhanh chóng trở thành cuộc đối đầu trên mọi mặt trận từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, và người nắm quyền chủ động hiện tại là chính quyền Mỹ. Sau hàng thập kỷ bỏ ngỏ để “con rồng Trung Quốc” thức giấc, người Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Trump đã mở  to mắt và nhìn thẳng vào kẻ thách thức lớn nhất tới mục tiêu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của họ. 

Trọng Đức

Xem thêm: