Chính quyền Nicaragua mới đây đã tuyên bố đồng ý thả tất cả tù chính trị trong vòng 90 ngày trong một nỗ lực tái khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình với phe đối lập, theo BBC đưa tin.

Embed from Getty Images

Hôm 16/3/2019 tại thủ đô Managua, cảnh sát chống bạo động Nicaragua bắt giữ một người biểu tình trước một cuộc tuần hành do các nhóm đối lập tổ chức để yêu cầu chính phủ thả tự do cho những người đã bị bắt khi tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ. (Ảnh: MAYNOR VALENZUELA/AFP/Getty Images)

BBC dẫn lời các nhà trung gian hòa giải nói rằng chính quyền của Tổng thống Daniel Ortega sẽ thả tự do cho hơn 700 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra từ tháng Tư năm ngoái.

Đổi lại, chính quyền Nicaragua kêu gọi Mỹ và Liên minh Châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên chế độ Managua.

Ông Luis Angel Rosadilla, đặc phái viên từ Tổ chức Các nước Châu Mỹ (OAS) nói trong một cuộc họp báo rằng chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega đã đồng ý thả “tất cả những người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình.”

Trong khi đó, phe đối lập cho biết tiến trình thả tù chính trị có thể bắt đầu trong tuần này và sẽ đặt dưới sự giám sát của tổ chức Chữ Thập đỏ.

Theo một tuyên bố của văn phòng tổng thống Nicaragua, chính phủ và phe đối lập đã đồng ý tiến trình đàm phán 6 điểm và kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế để thực thi các thỏa thuận đã đạt được.

“Một cuộc kêu gọi sẽ được đưa ra với cộng động quốc tế để đình chỉ các chế tài nhằm tạo điều kiện cho quyền phát triển con người, kinh tế và xã hội của Nicaragua, hỗ trợ các bộ phận dân cư dễ bị tổn thương nhất,” tuyên bố của văn phòng tổng thống Nicaragua nói.

Trước đó, vào hôm thứ Hai (18/3), một nhóm đối lập đã đình chỉ các cuộc đàm phán với chính phủ sau khi cảnh sát bắt giữ 100 người biểu tình hôm cuối tuần.

Liên minh Dân sự vì Công lý và Dân chủ (ACJD) hôm thứ Ba (19/3) cho biết các cuộc đàm phán hòa bình sẽ không được nối lại cho đến khi “tất cả tù chính trị” được tự do.

Bất ổn tại Nicaragua bùng phát từ tháng 4/2018 với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ thay đổi hệ thống an sinh xã hội. Sau đó, phong trào này lan rộng thành các cuộc biểu tình phản đối chính phủ xã hội chủ nghĩa và yêu cầu Tổng thống Ortega – người đã cầm quyền 12 năm – phải từ chức.

Chính quyền Ortega đáp trả bằng trấn áp bạo lực và cho tới nay đã có hơn 300 người biểu tình bị chết và hàng trăm người bị thương.

Với sự hỗ trợ hòa giải của Tòa thánh Vatican, các cuộc đàm phán hòa bình đã được mở ra, nhưng rồi lại bị đình trệ sau khi Tổng thống Ortega loại trừ việc kêu gọi bầu cử sớm – yêu cầu chính của phe đối lập.

Từ sau đó, hàng trăm người biểu tình đã bị bỏ tù, nhiều người trong số này là sinh viên. Nhiều người sau đó đã phải đối mặt với các tội danh khủng bố và giết người và đã bị các thẩm phán thân Tổng thống Ortega tuyên các án phạt tù lâu năm.

Xuân Thành