68 người tập Pháp Luân Công tại Đài Loan đã bị từ chối nhập cảnh khi tới Hồng Kông tham gia lễ diễu hành hôm 27/4/2019, kêu gọi chế độ Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Nhà chức trách Đài Loan đã lên tiếng về việc này.

Chính quyền Hồng Kông đã chặn 68 công dân Đài Loan và một công dân Nhật Bản nhập cảnh hồi cuối tháng 4 vừa qua, cho dù tất cả họ đều có thị thực hợp lệ trước khi lên máy bay. Họ đến Hồng Kông để tham gia một lễ diễu hành thường niên, kêu gọi Trung Quốc ngừng cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

dieuhanh hk
Lễ diễu hành của người tập Pháp Luân Công tại Hồng Kông hôm 27/4 (Ảnh: Epoch Times)

Mặc dù bị đàn áp tại Trung Quốc, Pháp Luân Công vẫn được tập luyện bình thường tại Hồng Kông. Tuy nhiên vẫn có khá nhiều trường hợp chính quyền Trung Quốc Đại Lục gây áp lực và tạo khó khăn cho các hoạt động phơi bày cuộc đàn áp ở địa khu này.

Được biết, ngày 26/4, 33 người tập Pháp Luân Công từ Đài Loan đến sân bay Hồng Kông đã bị hải quan chặn lại mà không hề thông báo lý do, dù họ có thị thực hợp lệ họ. Họ đã bị ép buộc phải lập tức quay trở lại Đài Loan.

Ngày hôm sau, thêm 35 người tập Pháp Luân Công khác từ Đài Loan cũng bị từ chối nhập cảnh. Ngoài ra, còn có một công dân Nhật Bản, anh Zhang Jun, bị từ chối nhập cảnh.

Một trong những người bị trục xuất, bà Ting đã thuật lại: “Nhân viên hải quan Hồng Kông nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng sau khi quét hộ chiếu của tôi… Anh ấy nói với tôi rằng anh có quyền chặn tôi nhập cảnh dựa theo quy định Cục quản lý xuất nhập cảnh của Hồng Kông, cho dù tôi có thị thực hợp lệ.” Bà Ting cũng tiết lộ, tên của bà nằm trong danh sách đen của chính phủ Hồng Kông, danh sách này nhằm ngăn chặn những ai muốn phơi bày sự thật về ĐCSTQ nhập cảnh đặc khu này.

Một người khác bị trục xuất, ông Zhang, công dân Nhật Bản cũng cho biết, khi ông hỏi nhân viên hải quan Hồng Kông lý do từ chối nhập cảnh, họ đã trả lời: “Hộ chiếu của anh có vấn đề.” Khi ông hỏi thêm chi tiết, nhân viên nọ chỉ đơn giản nói: “Tôi không thể cho phép anh nhập cảnh Hồng Kông.”

Tất cả 69 người bị từ chối nhập cảnh này đều có chung mục đích đến Hồng Kông: tham dự lễ diễu hành kỷ niệm 20 năm biểu tình ôn hòa ngày 25/4 của những người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Hồng Kông từ chối người tập Pháp Luân Công nhập cảnh.

Hồi tháng 7/2017, ít nhất 43 học viên Pháp Luân Công Đài Loan đã tới Hồng Kông để tham gia một lễ diễu hành kỷ niệm tương tự đã bị chặn ngay khi hạ cánh xuống sân bay và bị buộc quay trở về Đài Loan. Nhân viên an ninh và cảnh sát đã giam giữ họ hàng giờ trong Văn phòng xuất nhập cảnh, lục lọi hành lý và tách họ ra để thẩm vấn. Điều đáng nói là họ không hề được giải thích lý do tại sao họ lại bị trục xuất về nước.

Khi biết thông tin trên, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã nói: “Tôi nghĩ rằng đây là trường hợp điển hình cho tình huống mà công dân của chúng ta gặp phải, họ bị đối xử khác biệt khi đi du lịch đến một quốc gia khác.”

Trong khi đó, ông Lại Thanh Đức, người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan, cũng lên án chính quyền Hồng Kông vì hành động của họ: “Những người bạn Pháp Luân Công của chúng ta đã bị đàn áp ở Hồng Kông khi họ cố gắng đến đó và thực hiện quyền tự do ngôn luận. Xã hội quốc tế nên nhìn nhận rõ trường hợp này và tất cả chúng ta cần hỗ trợ tự do ngôn luận ở Hồng Kông cũng như hỗ trợ Pháp Luân Công.”

Ông Khâu Thùy Chính, Phó chủ nhiệm Hội đồng Các vấn đề Đại Lục của Đài Loan, cơ quan chính giải quyết các sự vụ liên quan giữa hai bờ eo biển, phát biểu: “Chúng tôi sẽ mạnh mẽ thúc giục chính quyền Hồng Kông bảo vệ các quyền công dân của người Đài Loan đến thăm Hồng Kông thông qua các tài liệu pháp lý.”

Đặc khu Hồng Kông có quyền tự trị ở một mức độ nhất định, có quyền hành chính riêng biệt. Nhưng nhiều công dân Hồng Kông nhìn nhận rằng kể từ khi lãnh thổ được Anh bàn giao lại từ năm 1997, Bắc Kinh đã dần siết chặt các vấn đề của thành phố và chèn ép các quyền tự do cơ bản.

Cũng vào cuối tháng 4, khoảng 130.000 người Hồng Kông đã xuống đường tham gia tuần hành và biểu tình phản đối đề xuất sửa đổi luật dẫn độ của Hồng Kông, theo đó các nghi phạm hình sự có thể bị đưa về lại Trung Quốc Đại Lục để xét xử.

Người dân nói chung cũng như các nhóm kinh doanh và các nhóm nhân quyền quốc tế nói riêng đều bày tỏ quan ngại rằng, với sự coi thường luật pháp của chính quyền Trung Quốc, các sửa đổi trong luật dẫn độ có thể cho phép Bắc Kinh buộc tội và dẫn độ những người lên tiếng chỉ trích Đại Lục.

Phía Đài Loan còn nhận định dự luật này nếu được thông qua, sẽ cho phép Trung Quốc can thiệp nhiều hơn vào Hồng Kông, đặt ra nguy cơ cho bất kỳ người Đài Loan nào đi qua thành phố này.

Bộ ngoại giao Mỹ cũng đưa ra các quan ngại về dự luật dẫn độ có thể làm xói mòn chính sách “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông. Đặc biệt trong thời gian gần đây chính quyền Hồng Kông đã bỏ tù các nhà hoạt động, cấm một đảng chính trị độc lập, trục xuất một nhà báo phương Tây và cấm các nhà hoạt động dân chủ tranh cử trong cuộc bầu cử địa phương.

“Một quốc gia, hai chế độ” là ý tưởng được cựu lãnh đạo đảng Đặng Tiểu Bình đề xuất tái thống nhất Trung Quốc, khi Hồng Kông và Ma Cao, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997 và 1999. Theo đó, Bắc Kinh quy định rằng trong 50 năm tới, các thành phố sẽ hoạt động theo hệ thống kinh tế và hành chính của riêng họ, trong khi Trung Quốc Đại Lục sẽ tiếp tục theo chế độ cộng sản.

Gần đây, Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố ý định cai trị Đài Loan giống như Hồng Kông và Ma Cao, coi quốc đảo này như lãnh thổ của mình, bất chấp việc Đài Loan là một quốc gia riêng biệt, có chính phủ, tiền tệ, quân đội riêng và có thể bầu cử tự do dân chủ.

Minh Ngọc

Xem thêm: