Đại dịch viêm phổi Vũ Hán (viêm phổi Trung Cộng, viêm phổi do virus corona mới, COVID-19) đang gia tăng trên thế giới, trong đó châu Âu đã trở thành khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong giới chính trị Pháp cũng liên tục có trường hợp bị nhiễm virus: hai bộ trưởng, một thư ký Chính phủ, 19 nghị sĩ Quốc hội và hai thị trưởng….

Ảnh chụp ngày 30/3/2020, Tháp Eiffel nổi tiếng ở Pháp vắng tanh vì đại dịch “viêm phổi Trung Cộng”. (Ảnh: UlyssePixel/Shutterstock)
Ảnh chụp ngày 30/3/2020, Tháp Eiffel nổi tiếng ở Pháp vắng tanh vì đại dịch “viêm phổi Trung Cộng”. (Ảnh: UlyssePixel/Shutterstock)

Vì sao viêm phổi Trung Cộng lại tấn công chính giới Pháp? Cùng nhìn lại mối giao hảo giữa Chính phủ Pháp và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong bao năm qua.

Vũ Hán được mệnh danh là thành phố Trung Quốc “đặc sắc nhất của Pháp”

Quan hệ ngoại giao phức tạp và đa dạng giữa Pháp và ĐCSTQ diễn ra trên đủ các mặt trận gồm kinh tế, khoa học công nghệ và văn hóa, trong đó Vũ Hán là khuôn mẫu điển hình của “hợp tác Trung-Pháp”.

Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và ĐCSTQ bắt đầu vào năm 1966, đến năm 1980 thì hợp tác Trung-Pháp chỉ tồn tại giữa các trường đại học. Đại học Vũ Hán đã trở thành một trong những trường có liên kết sâu rộng nhất với Pháp. Hàng năm Đại học Vũ Hán có khoảng 2.000 sinh viên trao đổi với các đại học hàng đầu của Pháp từ công lập đến tư thục.

Vũ Hán được xem là thành phố Trung Quốc “đặc sắc nhất của Pháp”, trước khi dịch bệnh bùng phát, đã có 40% vốn đầu tư của Pháp vào Trung Quốc, trong đó hơn 100 doanh nghiệp Pháp có chi nhánh hoặc văn phòng tại Vũ Hán. Những doanh nghiệp này bao gồm: Tập đoàn Peugeot-Citroen (PSA), Renault, Alstom, Areva, Total, và nhiều trường kỹ thuật ưu tú của Pháp cũng có chi nhánh tại Vũ Hán.

Pháp giúp Vũ Hán xây dựng phòng thí nghiệm P4 theo thỏa thuận của chính phủ

Sau khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán thì đã có xu hướng dư luận nghi ngờ virus này đến từ Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán. Viện này là tổ chức duy nhất ở Trung Quốc có phòng thí nghiệm sinh học cấp P4.

P4 là mức bảo vệ cao nhất trong các phòng thí nghiệm an toàn sinh học, được dành riêng cho nghiên cứu các mầm bệnh có nguy cơ cao mà cho đến nay chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị. Nghiên cứu về nhiều loại virus corona mới là một trong những hướng chính của phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán.

Theo một báo cáo đặc biệt vào ngày 23/1 năm nay của tạp chí kinh tế – chính trị Pháp Challenges, Phòng Thí nghiệm P4 Vũ Hán được hoàn thành với sự hỗ trợ đắc lực của Pháp.

Antoine Izambard, nhà báo nổi bật trong báo cáo này, đã từng xuất bản cuốn sách “Pháp-Trung: Quan hệ nguy hiểm”, trong đó nêu chi tiết về việc thành lập ban đầu của Phòng Thí nghiệm P4 Vũ Hán.

Trong đại dịch SARS năm 2003, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã yêu cầu Pháp hỗ trợ thành lập Phòng Thí nghiệm P4 tại Vũ Hán, mô hình này dựa trên Phòng Thí nghiệm P4 Lyon của Viện Khoa học Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp. Phòng Thí nghiệm P4 Lyon là phòng thí nghiệm P4 lớn nhất ở châu Âu, trong nghiên cứu virus có nguy cơ cao thì Pháp là nước hàng đầu thế giới.

Vào thời điểm đó cơ quan tình báo Pháp đã cảnh báo chính phủ về ý định mơ hồ của Trung Quốc trong thành lập phòng thí nghiệm P4, họ đặc biệt nghi ngờ rằng ĐCSTQ đang bí mật thực hiện “dự án vũ khí sinh học”.

Mặc dù có nhiều nghi ngờ và lo lắng, vào tháng 4/2003, Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đã tới Trung Quốc để xem xét. Không lâu sau đó, với lý do Trung Quốc không có ý định gì về vũ khí sinh học, Pháp đã quyết định hỗ trợ Trung Quốc xây dựng Phòng Thí nghiệm P4.

Vào tháng 10/2004, khi đó Tổng thống Pháp là Jacques Chirac đã đến thăm Trung Quốc và xác định việc xây dựng Phòng Thí nghiệm P4 Vũ Hán là một thỏa thuận liên chính phủ giữa Trung Quốc và Pháp, đồng thời hoạch định một loạt các kế hoạch hợp tác khoa học liên quan. Thủ tướng Pháp khi đó là Raffarin gọi thỏa thuận này là “thỏa thuận chính trị giữa các nguyên thủ quốc gia”.

Thực tế năm 2004 hai nước Pháp và Trung Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đây là lần đầu tiên một quốc gia phát triển phương Tây thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Chính phủ Trung Quốc. Ông Chirac vốn ban đầu là người ủng hộ Đảng Cộng sản Pháp, nổi tiếng thân ĐCSTQ, ông từng ủng hộ việc EU dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với ĐCSTQ, phản đối việc bỏ phiếu của Đài Loan trong tăng cường sức mạnh quốc phòng chống lại đe dọa của ĐCSTQ. Nước Pháp thân với ĐCSTQ bắt đầu từ ông Chirac.

Bệnh viện đại diện hợp tác y tế Trung-Pháp bị nghi liên quan đến hoạt động cấy ghép nội tạng từ nguồn gốc nội tạng phi pháp (mổ cướp nội tạng)

Từ năm 2000, số ca ghép tạng ở Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng. Theo một báo cáo chuyên sâu của BBC (Anh), tổng số ca ghép gan ở Trung Quốc vào năm 2000 đã tăng gấp 10 lần năm 1999, và năm 2005 lại tăng gấp ba lần. Như vậy chỉ trong 6 năm, số ca ghép gan hàng năm ở Trung Quốc đã tăng gấp 30 lần. Các cáo buộc về việc mổ cướp nội tạng người tập Pháp Luân Công cũng bắt đầu nổi bật lên. Đã có “Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công” qua nhiều năm theo dõi tội phạm mổ cướp nội tạng đã thu thập được một lượng lớn bằng chứng và dữ liệu liên quan đến nhiều bệnh viện nổi tiếng của Trung Quốc.

Từ năm 2000, hoạt động hợp tác y tế giữa Pháp và Trung Quốc đã bắt đầu đặc biệt mạnh mẽ hơn. Đến nay có ít nhất 17 bệnh viện hàng đầu của Pháp đang thực hiện các dự án hợp tác đào tạo y tế với nhiều bệnh viện lớn hoặc trường đại học y khoa trên khắp Trung Quốc. Bệnh viện Trung Nam tại Vũ Hán là một đại diện tiêu biểu của hợp tác y tế Trung-Pháp.

Bệnh viện Trung Nam Vũ Hán còn được gọi là Bệnh viện thứ hai của Đại học Vũ Hán, là một trong những bệnh viện Trung Quốc tích cực nhất trong hợp tác với cộng đồng y tế Pháp. Theo Wikipedia, vào những năm 1980, bệnh viện đã tiến hành nhiều hợp tác với các đối tác Pháp. Năm 1998, sau khi thành lập Tổng lãnh sự quán Pháp tại Vũ Hán, Bệnh viện Trung Nam đã được Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc và Tổng lãnh sự quán tại Vũ Hán cùng xác định là bệnh viện duy nhất ở Vũ Hán sử dụng tiếng Pháp.

Vào tháng 8/2000, sau khi ông Chu Vân Phong (Zhou Yunfeng), người nhận bằng tiến sĩ về ung thư của Đại học Lyon, trở thành Giám đốc Bệnh viện Trung Nam, thì hợp tác giữa bệnh viện này và cộng đồng y tế Pháp càng tiến triển vượt bậc. Một trong những Phó giám đốc của Bệnh viện Trung Nam là một người Pháp.

Năm 2006, khi Tổng thống Chirac đến thăm Trung Quốc, đã cùng một phái đoàn của Pháp khoảng 200 người với thành phần gồm bộ trưởng, phóng viên và doanh nhân Pháp đến thăm Bệnh viện Trung Nam, qua đó đặt nền móng cho Viện Nghiên cứu Bệnh gan Trung – Pháp của Đại học Vũ Hán.

Theo thông tin được công bố trên trang trực tuyến của “Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công” (Zhuichaguoji), Bệnh viện Trung Nam Đại học Vũ Hán là đơn vị chịu trách nhiệm liên quan đến nghi ngờ mổ cướp nội tạng. Hầu hết các bác sĩ nghi ngờ liên quan là người của Viện Nghiên cứu Bệnh gan Đại học Vũ Hán. Ví dụ, từ năm 2002 – 2012, bác sĩ Chủ nhiệm Bành Quế Chủ (Peng Guizhu) của Viện đã tiến hành ít nhất 407 ca ghép gan và cắt bỏ nhiều nội tạng vùng bụng; từ tháng 1/2002 – 12/2011,  bác sĩ Phó chủ nhiệm Tôn Bồi Long (Sun Peilong) của Viện đã tham gia thực hiện 144 trường hợp ghép gan.

Suốt hai thập kỷ qua, cộng đồng y tế Pháp đã cung cấp đào tạo y tế và hỗ trợ kỹ thuật cho các bác sĩ và tổ chức y tế Trung Quốc. Tháng 10/2015, trang web của Bộ Y tế Trung Quốc đã công bố một tài liệu của Diễn đàn Bệnh viện Trung-Pháp, cho biết trong hợp tác đối ngoại của Pháp về lĩnh vực y tế thì hợp tác y tế Trung – Pháp được xem là quan trọng nhất. Điều đáng chú ý là khi bắt đầu bùng phát bệnh viêm phổi Vũ Hán thì tài liệu này đã được gỡ bỏ khỏi trang web nêu trên.

Thảm cảnh vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ vẫn không thể ngăn chặn dòng đầu tư kinh tế lớn của Pháp vào Trung Quốc, Quỹ Pháp-Trung và nhiều hiệp hội khác có nền tảng ĐCSTQ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới chính trị, kinh doanh và văn hóa Pháp; đặc sắc văn hóa  Đảng “độc đáo” của ĐCSTQ vẫn đang thẩm thấu dần trong giới chính trị, kinh doanh và văn hóa Pháp.

Mời xem tiếp Phần 2

Dư Bình

Xem thêm: