Khi nói đến Bắc Triều Tiên, người Mỹ tưởng tượng phải đối mặt với viễn cảnh của một quốc gia hiếu chiến – kẻ đàn áp nhân quyền ngang hàng với Đức Quốc Xã – nhưng có mối đe dọa lớn hơn vì hiện đang được trang bị vũ khí hạt nhân có thể tấn công lục địa Hoa Kỳ. Dưới giả định cụ thể của các chuyên gia, hậu quả của chiến tranh hạt nhân với Bắc Triều Tiên là vô cùng khốc liệt.

Tương lai thế giới đang phụ thuộc vào quyết sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.

Công chúng Mỹ và cả cộng đồng thế giới một lần nữa phải học lại bài học lịch sử để có thể hình dung được những điều xảy ra trong tương lai.

Lịch sử nhắc nhở rằng chúng ta đã từng trải qua con đường này trước đây – dù là với Liên Xô xây dựng kho vũ khí hạt nhân chết người vào những năm 1950 hay Trung Quốc cũng làm điều tương tự trong những năm 1960.

Sợ hãi và hoảng loạn là những phản ứng có thể thấy khi nhắc đến chiến tranh hạt nhân với Bắc Triều Tiên. Chế độ nhà Kim đang thực sự là ác mộng với người Mỹ khi họ có thể tấn công lục địa Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân. Đó là khoảnh khắc “Sputnik” của thế hệ người Mỹ ngày nay. Mặc dù có nhiều người vẫn phủ nhận mối nguy hại này, nhưng thực tế đơn giản này bây giờ đã là điều không thể tránh khỏi.

Do đó, câu hỏi tiếp theo cần đặt ra một cách rõ ràng là: Liệu ông Kim Jong-un có sử dụng vũ khí hạt nhân trong những điều kiện phù hợp khi ông ta cảm thấy sự sống còn của mình bị đe dọa? Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Hãy nhớ rằng: Nếu Bình Nhưỡng quyết định phóng một tên lửa có mang theo đầu đạn hạt nhân vào Seoul, Tokyo, căn cứ quân sự Hoa Kỳ hoặc lục địa nước Mỹ, sự tàn phá xảy ra sẽ không giống như bất cứ điều gì chúng ta đã chứng kiến trong Thế Chiến II. Trong một kịch bản như vậy, hàng triệu người trên thế giới có thể chết hoặc trở thành nạn nhân của phóng xạ hạt nhân, và họ có thể bị ủ bệnh sau nhiều năm mới phát tác. Theo như cách nói của một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thì điều này “giống như Ma vương mở cửa địa ngục vậy”.

Ông Harry J. Kazianis, giám đốc về nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (National Interest) do cựu Tổng thống Richard Nixon sáng lập, làm việc cho một nhóm tư vấn chính sách đối ngoại tại Washington DC. Năm 2013, ông Harry đã tham gia vào một nhóm nghiên cứu để đánh giá hàng loạt các cuộc chiến tranh giả định để xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ vướng vào một cuộc xung đột hạt nhân. Các chuyên gia này thấy rằng với các cách tiếp cận khác nhau, kết quả của các cuộc chiến tranh hạt nhân là như nhau. Không cần phải đạt câu hỏi là có thể dẫn tới hàng triệu người chết không, mà vấn đề là con số thương vong chính xác là bao nhiêu.

Trong nhiều ngày, các chuyên gia, nhà báo, nhà nghiên cứu và nhân viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nghỉ hưu đã đưa ra ba kịch bản về cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên sẽ như thế nào, trong đó tập trung vào việc các bên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân và cấp độ sử dụng vũ khí và số thương vong tăng dần theo từng kịch bản.

Cuộc chiến tranh đầu tiên, một cuộc chiến quy mô nhỏ nhất và ít gây thương vong nhất giả định diễn ra trong cuộc xung đột vào năm 2020. Khi đó, các lực lượng Mỹ và đồng minh trên Bán đảo Triều Tiên đã bị Bắc Triều Tiên tấn công bằng vũ khí thông thường do phản ứng với thông tin tình báo rằng Washington đang cân nhắc xây dựng lực lượng khu vực cho một cuộc tấn công vào Bình Nhưỡng.

Lãnh đạo tối cao Kim Jong-un quyết định mở cuộc Chiến tranh Triều Tiên lần 2 bằng cách triển khai một cuộc tấn công pháo binh lớn vào Seoul và phóng 250 tên lửa tầm trung và tầm ngắn tới các mục tiêu xung quanh Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau đó, các lực lượng đồng minh đã phản công, chủ yếu tập trung đánh vào kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của chế độ nhà Kim, mối đe dọa lớn nhất của tất cả, loại bỏ cái họ nghĩ là tất cả những gì Bình Nhưỡng đang có.

Cuối cùng, các lực lượng đồng minh đổ bộ lên bán đảo và gần tiến vào Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un, ngay cả với các lực lượng của mình đã bị tàn phá và thương vong đẫm máu, vẫn giữ bốn vũ khí hạt nhân tránh được các cuộc không kích của Mỹ và quyết định dùng nó để tấn công vào Seoul và Tokyo. Mặc dù quân đồng minh chiến thắng trong chiến tranh, nhưng đã gặp thương vong lớn do bị tấn công hạt nhân với hơn một triệu người chết và hàng triệu người khác bị thương. Cộng với các thương vong khác do các bên sử dụng vũ khí thông thường, có thể thấy số nạn nhân của cuộc chiến này dường như hôm nay chúng ta khó mà hình dung nổi.

Nếu như kịch bản ở trên chưa đủ tồi tệ, một viễn cảnh khác sẽ liên quan đến việc ông Kim Jong-un khởi phát xung đột bằng việc chủ động sử dụng vũ khí hạt nhân trước, trong một phiên bản khác của “Trân Châu Cảng”. Trong kịch bản này, nhóm nghiên cứu của ông Harry giả định rằng vào năm 2020, lực lượng Hoa Kỳ đang cho xây dựng lực lượng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để chuẩn bị chiến dịch thay đổi chế độ Bình Nhưỡng, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng quốc tế nhằm buộc Bắc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân – giống như Chiến tranh Vùng Vịnh thứ hai .

Nhưng ông Kim Jong-un đã thuộc lòng các bài học lịch sử. Ông ta biết một khi quân đội Hoa Kỳ được triển khai, họ sẽ trước tiên cố gắng phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt và sau đó tràn quân qua vĩ tuyến 38. Do đó, lãnh đạo Bắc Hàn quyết định tấn công trước. Trong cuộc chiến này, nhóm nghiên cứu giả định rằng ông Kim sẽ tung ra các cuộc tấn công hạt nhân thành công vào Seoul, Pusan, Incheon, Tokyo, Sendai và Nagoya, với một vũ khí hạt nhân đánh vào mỗi thành phố và vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa phòng thủ của đồng minh – ông ta bắn nhiều hơn, nhưng thực tế mỗi mục tiêu có 1 quả thành công. Trước khi các đồng minh có thể bắt đầu hành động phản công, hơn hai triệu người thiệt mạng sau màn phủ đầu của chế độ nhà Kim.

Kịch bản chiến tranh cuối cùng là kịch tính nhất và dẫn tới thương vong nhiều nhất. Nhóm nghiên cứu giả địch cuộc chiến này cũng diễn ra vào năm 2020 và Bắc Hàn tấn công hạt nhân phủ đầu trước vào các thành phố trong kịch bản 2, cộng thêm một số khu vực ở lục địa Hoa Kỳ như Los Angeles, San Francisco, Seattle và Portland. Với những cuộc tấn công hạt nhân đó, con số người chết dự tính có thể lên tới hơn 3 triệu người ở cả Châu Á và Mỹ. Đó là chưa tính đến các cuộc phản công của quân Mỹ và đồng minh, số người chết sẽ tăng thêm vài triệu người nữa.

Vào thời điểm chiến tranh kết thúc, Bắc Triều Tiên đã sử dụng mọi vũ khí mà họ có, tung ra nhiều cuộc tấn công hạt nhân cùng với các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học và sinh học. Sau cùng, Bắc Hàn bị đánh bại, 8 triệu người thiệt mạng.

Tất nhiên, các kịch bản nêu trên chỉ là giả định trên lý thuyết. Một cuộc chiến tưởng tượng không thể dự đoán chính xác tương lai và không thể có những phân tích hoàn hảo chỉ dựa vào những giả định đó. Nhưng, các chuyên gia vẫn tiến hành các nghiên cứu chiến tranh giả định như vậy nhiều lần để xem xét và tìm cách giải quyết tình huống xấu nhất và đánh giá các chiến thuật độc đáo để đối phó với các mối đe dọa của tương lai.

Một điều mà nhóm nghiên cứu giả định trong kịch bản này khá ám ảnh: Họ nhận định phải vào năm 2020 ông Kim Jong-un mới có tên lửa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân và có khả năng nhắm mục tiêu đến tất cả các vùng Đông Bắc Á và vươn tới lục địa Hoa Kỳ. Nhưng, bây giờ sự giả định đó đã là một thực tế lạnh lùng – Bắc Hàn đã làm được điều này ngay trong năm 2017.

Vậy chúng ta có thể rút ra được điều gì từ những kịch bản giả định nêu trên?

Trong khi các lựa chọn quân sự để loại bỏ vũ khí hạt nhân của chế độ nhà Kim, như chúng ta thấy ở trên, có thể dẫn đến cái chết của hàng triệu người, chúng ta vẫn có thời gian để đảm bảo Bắc Triều Tiên không thể tiếp tục tăng thêm nhiều năng lực cho kho vũ khí nguyên tử của mình bằng các cách thức khác, trong đó có ngoại giao và áp lực kinh tế.

Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm bây giờ là chấm dứt các nguồn lực đổ vào Bắc Triều Tiên và thực thi triệt để các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc cuối cùng phải tham gia nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Nếu không, Bắc Triều Tiên có thể phát triển được bom H (bom nhiệt hạch) hoặc thậm chí nhiều tên lửa tầm xa hơn – một điều mà nhóm nghiên cứu chưa tính đến trong các kịch bản xung đột nêu trên. Nếu ngày đó xảy ra, kịch bản chiến tranh sẽ tàn khốc hơn nhiều và có thể làm rung chuyển cuộc sống của tất cả mọi người dân trên hành tinh này.

Theo Fox News

Tân Bình (t/h)

Xem thêm: