Trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung leo thang mạnh mẽ trong vài tuần gần đây, nhiều nhà đầu tư và nghiên cứu Trung Quốc nhận định rằng chế độ Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược mới: Chấp nhận cùng chịu thiệt hại kinh tế với Mỹ để chờ Tổng thống Donald Trump thất cử vào tháng 11/2020.

khôn lỏi
(Trung Quốc dường như đang chấp nhận chịu tổn thất kinh tế do thuế quan của Mỹ, chờ tới khi Tổng thống Trump thất cử năm 2020. Ảnh minh họa từ Shutterstock)

Theo nhiều báo cáo gần đây, Trung Quốc dường như đang thực hiện kế hoạch kéo dài các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, đồng thời tránh bất kỳ cải cách thực tế hoặc thỏa thuận có thể thực thi nào cho tới sau bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Vào thời điểm sau bầu cử đó, Trung Quốc hy vọng có thể đàm phán với một chính quyền mới để họ dễ dàng bỏ qua nhiều cam kết mà khó có thể đạt được khi đàm phán với đội ngũ của Tổng thống Trump.

Theo kịch bản này, Trung Quốc sẽ chấp nhận chịu đau thương kinh tế ngắn hạn do tác động của thuế quan để duy trì chiếc lược dài hạn của họ là triển khai ‘chủ nghĩa trọng thương săn mồi’ hòng theo đuổi mục tiêu thống trị nền kinh tế toàn cầu.

Ông Naka Matsuzawa, chiến lược gia trưởng của Nomura, ở Tokyo, Nhật Bản trong một bình luận đăng tải hôm thứ Tư (7/8) nhận định rằng: “Nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan điểm rằng Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận suy thoái kinh tế (và như thế cũng dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu) để ngăn chặn Tổng thống Trump tái cử.

Trung Quốc cũng hy vọng rằng căng thẳng thương mại và sự trả đũa của họ sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế Mỹ tới một mức độ đủ để làm kinh tế Mỹ suy giảm, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tái cử của ông Trump.

Nhà bình luận của Wall Street Journal Nathaniel Taplin cho rằng: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đã kết luận rằng họ sẽ không thể có được một thỏa thuận thương mại chấp nhận được với Tổng thống Trump. Điều họ có thể làm bây giờ là cố gắng vượt qua 18 tháng tiếp theo trong khi gây tổn hại chính trị tối đa, và hy vọng một nền kinh tế Mỹ suy yếu sẽ đưa tới một vị tổng thống mới.

Trong khi đó, ông Shi Yinhong – giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, gần đây nói với Wall Street Journal rằng: “Những hành động của ông Trump đã làm cho lãnh đạo Trung Quốc cực kỳ thất vọng và họ bây giờ nhận ra rằng không có cơ hội để đạt được một thỏa thuận công bằng với Mỹ. Về ngắn hạn, Trung Quốc không chỉ sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài, mà cũng đã chuẩn bị cho một cuộc xung đột leo thang.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hiện cũng gia tăng chỉ trích ông Trump, hòa giọng cùng truyền thông cánh tả Mỹ gọi vị tổng thống đảng Cộng hòa là phân biệt chủng tộc. Truyền thông Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ khuấy động các cuộc biểu tình tại Hồng Kông trong vài tháng qua.

Tờ Breitbart cho rằng quan hệ Mỹ – Trung chuyển sang hướng đối đầu hơn đối thoại là do nhiều nguyên nhân. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đang chịu áp lực lớn từ những người có quan điểm cứng rắn trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc. Cá nhân ông Tập cũng không muốn thể hiện hình ảnh yếu đuối khi chấp nhận nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ.

Trong khi đó, các cuộc thảo luận sơ bộ của các ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ vừa qua tập trung nhiều vào việc chỉ trích các chính sách của ông Trump đã tạo cho Trung Quốc hy vọng rằng họ có thể đàm phán dễ dàng hơn với một tổng thống Mỹ mới. Ngoài ra, phản ứng của thị trường Mỹ trước hành động trả đũa quyết liệt của Trung Quốc đã thuyết phục một số nhà lập pháp Bắc Kinh rằng nước Mỹ rất dễ bị sức ép thương mại.

Thực tế, cá nhân Tổng thống Trump và các quan chức Mỹ trong nội các của ông thừa hiểu chiến thuật “câu giờ” chờ bầu cử của lãnh đạo Trung Quốc.

Phát biểu với báo giới tại Tòa Bạch Ốc hồi cuối tháng Bảy, ông Trump nói: “Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất đối với một thỏa thuận thương mại là Trung Quốc sẽ rất thích đợi.

Họ [Trung Quốc] sẽ cầu nguyện rằng Trump thua [trong cuộc bầu cử 2020] và họ sẽ đạt được thỏa thuận với một người không linh hoạt, không biết điều họ đang làm,” ông Trump nhấn mạnh.

Thời điểm đó, ông Trump cũng đăng tweet: “Vấn đề với việc họ đang chờ đợi… là rằng nếu và khi tôi chiến thắng [cuộc bầu cử 2020], thỏa thuận mà họ đạt được [khi đó] sẽ khắc nghiệt hơn nhiều so với cái mà chúng tôi đang đàm phán bây giờ… hoặc chẳng có thỏa thuận nào cả.

Trong khi đó, trao đổi trên kênh CNBC hôm thứ Ba (6/8), cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow khẳng định “nếu Trung Quốc muốn đợi cho tới sau cuộc bầu cử năm 2020 với hy vọng sẽ đàm phán với một tổng thống mới, thì đó là tùy họ… Nhưng tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của chính họ. Nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh. Nền kinh tế của họ thì không.

Xuân Thành

Xem thêm: