Máy bay quân sự Israel hôm thứ Bảy (10/2) trên đường bay trở về căn cứ sau cuộc không kích vào khu vực Syria do lực lượng quân đội được Iran hậu thuẫn kiểm soát đã bị hệ thống phòng không Syria bắn rơi. Tình huống này khiến cho mâu thuẫn giữa Israel và lực lượng tại Syria do Iran hậu thuẫn tại khu việc biên giới  Israel – Syria trở nên căng thẳng hơn.

Embed from Getty Images

Hiện trường chiến đấu cơ F-16 của Israel bị hệ thống phòng không Syria bắn rơi hôm 10/2.

Reuters cho hay phi cơ của Israel bị bắn rơi là chiếc F-16, một trong ít nhất 8 chiến đấu cơ của Israel được triển khai để oanh tạc vào Syria nhằm trả đũa cho hành động một máy bay không người lái của lực lượng Syria do Iran hậu thuẫn xâm phạm vào lãnh thổ Israel trong sáng thứ Bảy (10/2). Chiếc F-16 bị hệ thống phòng thủ tên lửa Syria bắn hạ và rơi xuống thị trấn Beit Shean, miền bắc Israel.

Quân đội Israel nói với Reuters rằng cả hai phi công đã nhảy được ra khỏi máy bay nhưng vẫn bị thương, trong đó có một người đang trong tình trạng nguy kịch.

Bộ Quốc phòng Israel cho biết trước khi chiếc F-16 bị bắn rơi vào khoảng 4h30 sáng ngày 10/2 (giờ địa phương), quân đội Israel đã tiến hành cuộc không kích quy mô lớn vào các khu vực biên giới với Syria để trả đũa một chiếc máy bay không người lái Syria xâm nhập vào không phận Israel.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Israel Jonathan Conricus nói với Reuters rằng họ đã phát hiện máy bay không lười lái cất cánh từ một căn cứ quân sự Syria và họ đã bắn rơi máy bay này khi nó tiến vào lãnh thổ Israel.

Những chuyến bay dân sự tại cảng hàng không quốc tế ở thủ đô Tel Aviv đã phải tạm dừng thời gian ngắn sau khi có tin chiếc F-16 bị bắn hạ.

Tướng Conricus nói thêm rằng quân đội Israel phát hiện được dấu hiện của tên lửa ở gần hiện trường máy bay rơi. “Chúng tôi chưa biết liệu đó có phải là tên lửa SA-5 hoặc SA-17 hay không, nhưng chắc chắn đó là tên lửa phòng không của Syria”.

Ngay sau khi chiếc F-16 bị bắn rơi, Israel tiếp tục mở một cuộc không kích quy mô lớn lần hai nhằm vào 12 mục tiêu do người Iran và Syria kiểm soát trên lãnh thổ Syria, bao gồm cả hệ thống phòng không.

Nhóm phiến quân Hezbollah tại Li Băng do Iran hẫu thuẫn đã phát đi tuyên bố nói rằng sự vụ chiến đấu cơ Israel bị bắn rơi đã đánh dấu “sự khởi đầu của giai đoạn chiến lược mới”, giới hạn khả năng của Israel trong việc xâm phạm vào không phận của Syria.

Trong khi đó, Israel nói rằng họ sẽ phản kích bất kỳ mối đe dọa nào từ lực lượng Syria có sự hậu thuẫn của Iran. Theo Reuters, Iran đã ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm qua, bao gồm việc triển khai lực lượng quân đội gần Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.

Lực lượng liên minh quân sự thân chính quyền Assad nói rằng Israel đã tấn công máy bay không người lái tại khu vực miền trung Syria và phủ nhận chiếc phi cơ này xâm nhập vào không phận Israel. Chính quyền Iran cũng bác bỏ cáo buộc của Tel Aviv và cho rằng những phản ứng của giới chức Israel là “vô lý”.

Ông David Ivry, cựu Tư lệnh Không lực Israel, nói với Reuters rằng đây là lần đầu tiên một chiếc F-16 của Israel bị bắn rơi kể từ khi nước này bắt đầu sử dụng chiến đấu cơ này trong những năm 1980.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu triệu tập cuộc họp khẩn của Bộ Quốc phòng Israel, trong khi lực lượng liên minh thân Assad cam kết đáp trả mạnh mẽ bất cứ “hành động khủng bố” nào của người Israel vào lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, giới chức hai bên cũng tỏ ra thận trọng và cũng phát đi dấu hiệu cho thấy họ đều không muốn mở rộng xung đột.

Phát biểu trên truyền hình nhà nước Israel, Thủ tướng Netanyahu nói rằng: “Israel tìm kiếm hòa bình, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tự vệ mạnh mẽ chống lại bất cứ hành động nào tấn công chúng tôi từ Syria”.

Một quan chức của liên minh quân sự thân Assad nói rằng ông không tin sự vụ F-16 bị bắn hạ sẽ phát triển thành một cuộc chiến tranh khu vực.

Quân đội Israel bày tỏ họ không muốn leo thang căng thẳng và cho rằng cuộc không kích của họ vào lãnh thổ Syria vừa rồi chỉ là để đáp trả hành động xâm lược của Iran.

Nga, đồng minh và hậu thuẫn chính quyền Assad từ năm 2015, bày tỏ quan ngại và thúc giục các bên phải kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng.

Thủ tướng Netanyahu cũng đã hội đàm với người đồng cấp Nga, Putin. Hai vị lãnh đạo đã đồng ý việc hợp tác quân sự Israel – Nga liên quan đến vấn đề Syria vẫn tiếp diễn.

Một nhà ngoại giao phương Tây làm việc tại Trung Đông nói với Reuters rằng: “Ấn tượng của tôi tại thời điểm này là dường như các bên đang kiềm chế. Tôi không nghĩ bất cứ bên nào muốn leo thang căng thẳng”.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ quyền tự vệ của Israel. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phát đi tuyên bố nói rằng Washington “quan ngại sâu sắc” về việc “leo thang bạo lực tại khu vực biên giới Israel – Syria”.

Xuân Thành

Xem thêm: