Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) sẽ họp khẩn tại Brussels vào Chủ Nhật 24/6 (giờ Châu Âu) để hàn gắn những rạn nứt sâu sắc trong quan hệ của họ về xử lý khủng hoảng nhâp cư. Vấn đề này đã chia rẽ các thành viên EU từ nhiều năm qua và hiện nay đang trở nên rất căng thẳng khi Thủ tướng Đức Angela Merkel phải chịu sức ép từ phe bảo thủ trong nước, trong khi Pháp và Ý gia tăng khẩu chiến.

Emmanuel Macron va Giuseppe Conte
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte khả năng sẽ có tranh luận gay gắt về nhập cư tại cuộc họp EU hôm Chủ Nhật (24/6). (Ảnh minh họa qua Yahoo)

Mặc dù hiện tại những người nhập cư từ Bắc Phi và Trung Đông vượt biển Địa Trung Hải sang Châu Âu không nhiều như năm 2015, nhưng một cuộc thăm dò gần đây chỉ ra rằng vấn đề nhập cư đang là mối bận tâm lớn nhất của 500 triệu công dân EU.

Chịu áp lực từ các cử tri trong nước, các nhà lãnh đạo EU đã và đang phải tranh cãi gay gắt cùng nhau về cách thức chia sẻ hạn mức tiếp nhận những người xin tự nạn phân bổ cho các nước trong khối.

Chưa thể đi đến thống nhất giải pháp chung, nhiều nước thành viên EU đã tăng cường hạn chế nhận người tị nạn và thắt chặt biên giới để ngăn chặn người nhập cư vào nước mình. Đồng thời, họ tăng cường cho tiền và hỗ trợ các chính phủ các nước ở Bắc Phi và Trung Đông để hy vọng chính quyền các nước này ngăn chặn không để người dân của họ di cư sang Châu Âu.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, từ đầu năm tới nay, chỉ có khoảng 41.000 người tị nạn và nhập cư vượt biển tới Châu Âu. Dù vậy, quan điểm xử lý vấn đề này lại trở thành yếu tố then chốt dẫn tới việc chiến thắng hay thất bại của các đảng chính trị trong các cuộc bầu cử toàn khối EU từ nước Ý ở miền nam tới Hungary ở phía đông. Phần đông cử tri EU đang ủng hộ những người có lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư.

Ý, Áo, Malta, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc đang thực hiện chính sách thắt chặt nhập cư, thậm chí từ chối tiếp nhập người tị nạn theo phân bổ từ EU. Điều này khiến Pháp, Đức phản đối gay gắt.

Hôm thứ Bảy (23/6), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước Pháp ủng hộ các chế tài tài chính áp đặt lên các nước EU từ chối nhận dân nhập cư mà có tình trạng tị nạn đã được chứng minh.

Thủ tướng Đức Merkel có chung quan điểm với Tổng thống Pháp, nhưng hiện tại lãnh đạo nước Đức đang gặp sức ép mạnh mẽ từ đảng liên minh trong nước về việc phải thắt chặt nhập cư. Đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo đã yêu cầu bà Merkel phải thực thi chính sách chuyển trả lại tất cả những người nhập cư đã xin tị nạn ở một nước khác trong EU nếu khối này không đạt được thỏa thuận về phân bổ người tị nạn đồng đều hơn.

Được biết, những người tị nạn hầu hết đang sống ở các nước như Hy Lạp và Ý – cả hai đều đang bị quá tải người di dân, hoặc người nhập cư chọn bắt đầu cuộc sống mới ở các nước thịnh vượng như Đức và Thụy Điển.

Theo Reuters, Hungary và Ba Lan – những nước từng do cộng sản cầm quyền, hiện tại từ chối tiếp nhận bất cứ người nhập cư mới nào với lý do những người này đem tới rủi ro về an ninh sau một loạt các vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan diễn ra khắp Châu Âu những năm gần đây.

Cho tới nay, EU vẫn chưa thể phá vỡ bế tắc về vấn đề phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người xin tị nạn, điều này cũng khiến các lĩnh vực hợp tác khác trong khối bị ảnh hưởng, trong đó có các cuộc đàm phán về ngân sách EU trong 7 năm tiếp theo tính từ năm 2021.

Với việc Đức đang là nước đóng góp ngân sách nhiều nhất cho EU, các nước phía nam đang hứa hẹn chi nhiều tiền hơn cho giải quyết nhập cư, trong khi các nước phía đông phải miễn cưỡng đối mặt với việc bị giảm viện trợ phát triển.

Bà Merkel đang kỳ vọng nhiều vào cuộc họp khẩn của EU vào Chủ Nhật (24/6) để thúc đẩy các nước khác trong khối, trong đó có Ý, phải tiếp nhận người nhập cư nhiều hơn để hạn chế di dân tới Đức. Chỉ bằng cách đạt được cam kết từ các thành viên khác như vậy, bà Merkel mới có thể thuyết phục được Đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) không thực hiện chính sách thắt chặt nhập cư.

Hiện tại, các nước EU mới chỉ thống nhất được việc họ phải kiềm chế nhập cư nhiều hơn bằng cách làm việc với các nước thứ ba, cho dù biện pháp này thời gian qua đã được chứng minh là hiệu quả chậm.

Trong khi đó, ý tưởng của Đức – thực tế là của CSU mà bà Merkel sẽ buộc phải thực hiện nếu muốn giữ liên minh – về việc Đức chuyển trả người tị nạn về các nước họ tới đầu tiên, như Ý, sẽ gặp sự phản đối của nhiều nước.

Chính phủ Ý đã lên tiếng bác bỏ biện pháp đó của Đức vì nếu thực hiện Ý sẽ đối mặt với nhiều người tị nạn hơn. Trong phiên họp hôm Chủ Nhật, vấn đề này sẽ được tất cả các thành viên EU thảo luận, nhưng khả năng sẽ là cuộc tranh cãi gay gắt nhất giữa Đức và Ý.

Hôm thứ Bảy (23/6), đại diện của nước Ý cũng đã gọi một nước Pháp “kiêu ngạo” có nguy cơ trở thành “kẻ thù số 1” về các vấn đề di cư.

Phản ứng này của chính phủ Rome nhằm đáp trả việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã nói rằng dòng người nhập cư vào Châu Âu đã giảm 80% so với thời kỳ đỉnh điểm 2015 và những vấn đề nảy sinh là bắt nguồn từ các phong trào “hạng hai” về vấn đề nhập cư trong nội khối.

Phó Thủ tướng Ý Luigi Di Maio đã gọi những ngôn từ của Tổng thống Pháp thể hiện ông ta chẳng có chút hiểu biết gì về vấn đề nhập cư.

Ý thực sự phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp di cư và một phần là do Pháp tiếp tục đẩy lùi di dân ở biên giới. Những phát ngôn của ông Macron biến đất nước của ông thành kẻ thù số 1 của nước Ý về vấn đề khẩn cấp này”, ông Luigi Di Maio viết trên trang Facebook cá nhân.

Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh: “Một nước như Ý không có tí áp lực di cư nào như năm ngoái… Cuộc khủng khoảng mà chúng ta đang trải qua bây giờ tại Châu Âu là một cuộc khủng hoảng chính trị”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ kiêm Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini cho biết đất nước của ông đã phải đối mặt với 650.000 di dân vượt biển trong 4 năm qua, 430.000 người xin tị nạn và đã tiếp nhận 170.000 người “được cho là dân tị nạn” với tổng chi phí hơn 5 tỷ euro.

Nếu Tổng thống Macron kiêu ngạo của nước Pháp coi điều này không phải là vấn đề, chúng tôi yêu cầu ông ngừng xúc phạm và thể hiện sự rộng lượng cụ thể bằng cách mở nhiều cảng của Pháp và cho phép trẻ em, đàn ông và phụ nữ đi sang Pháp từ thị trấn Ventimiglia”, Reuters dẫn tuyên bố của ông Matteo Salvini.

Qua mâu thuẫn hiện hữu của nội khối EU về nhập cư, Reuters đánh giá rằng về trung hạn, EU sẽ cứng rắn hơn về vấn đề di dân khi xu hướng các đảng cánh hữu với quan điểm bảo thủ chống nhập cư đang dần nắm quyền lực qua các cuộc bầu cử khắp Châu Âu.

Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan tị nan Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi lại cho rằng EU nên quản lý vấn đề tị nạn với sự bao dung và đoàn kết.

Các chính sách của EU về xin tị nạn có thể và nên thiết lập một điển hình về cách quản lý các tình huống tị nạn với lòng bao dung và tình đoàn kết”, ông Filippo Grandi nói và thúc giục EU vượt qua chia rẽ nội khối để giúp đỡ những người cần sự giúp đơn hơn là chỉ quan tâm tới việc chiến thắng trong cuộc các bầu cử.

Xuân Thành

Xem thêm: