Giám đốc điều hành công ty tài chính JP Morgan Jamie Dimon mới đây đã lên tiếng hoan nghênh Tổng thống Donald Trump về việc đảo ngược khuynh hướng thuế suất không cạnh tranh và thủ tục rườm rà mà ông cho là điều khiến kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

CEO JP Morgan Jamie Dimon
CEO JP Morgan Jamie Dimon tham gia diễn đàn chính sách với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 3/2/2017. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Trao đổi với người dẫn chương trình Wilfred Frost trên kênh CNBC hôm 30/7, ông Dimon cho hay: “Các tổng thống đạt được nhiều sự ủng hộ, cũng như bị đổ lỗi nhiều cho những điều họ đã không làm được, nhưng vị Tổng thống đương nhiệm đã làm nhiều điều thúc đẩy tăng trưởng”.

CEO của JP Morgan chỉ ra sự tăng trưởng đáng sợ của nền kinh tế Mỹ trong suốt một thập kỷ, theo quan điểm của ông, đáng lý phải là một sự phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng 2008.

Chúng ta đã có 20% tăng trưởng trong 10 năm. Đáng lý nên là 40%. Lý do mà nền kinh tế chúng ta không tăng 40% là vì nhiều thứ chúng ta đã tự làm tổn hại cho chính chúng ta”, ông Dimon nói.

Theo ông Dimon, chính sách kinh tế đã đi trệch đường ray từ lâu trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Ông Dimon nhấn mạnh: “Chúng ta cần thuế suất cạnh tranh. Nhưng trong 20 năm, chúng ta ngày càng gia tăng sự thiếu cạnh tranh, thúc đẩy dòng tiền và chất xám chảy ra nước ngoài”.

Nhiều thứ khác, trong đó đặc biệt là chính sách giảm thuế của ông Trump – kéo tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang từ 35% xuống 21% và chấm dứt đánh thuế hai lần lợi nhuận từ nước ngoài, đã đang là động lực lớn cho kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng. Việc chỉ đánh thuế một lần 15,5% lợi nhuận từ nước ngoài đã mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ hồi hương 3 ngàn tỷ USD mà họ cất giữ ở nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp lớn cho tới nay đã mang về hoặc thông báo sẽ mang về nước khoảng 390 tỷ USD, theo số liệu của SDxCentral. Chỉ riêng Apple đã cam kết hồi hương khoảng 245 tỷ USD.

Theo ông Dimon, điều rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ là ông Trump cũng cắt giảm các quy định liên bang.

Tôi không nói về một ngân hàng lớn – tôi đang nói về các doanh nghiệp nhỏ. Nếu quý vị ngồi nói chuyện… với các doanh nghiệp nhỏ, họ sẽ nói với quý vị về các giấy tờ hành chính, các vụ tranh chấp kiện tụng bóp nghẹt kinh doanh”, ông Dimon nói và nhấn mạnh: “Chúng ta đã có ít sự hình thành doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ hơn bất kỳ sự phục hồi nào khác [trong 10 năm qua]”.

Ông Dimon đã đưa ra ví dụ về các thủ tục quan liêu chậm chạp đã kiềm chế dòng vốn đầu tư kinh doanh, phát triển các dự án.

CEO của JP Morgan cho biết: “Phải mất 12 năm để xin phép xây một chiếc cầu, điều này vẫn đang hiện hữu và đang thất bại. Phải mất 8 năm để đưa một người lên mặt trăng. Do đó, công chúng Mỹ nhìn vào câu chuyện này và họ nói rằng ‘điều đang khiến chúng ta tụt hậu, đó là chúng ta’”.

Ông Trump cho biết quá trình phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng đã được cắt giảm xuống còn hai năm theo yêu cầu của ông, và mục tiêu sẽ còn giảm xuống chỉ một năm.

Động cơ kinh tế đã đang gầm rú dưới thời Trump với GDP tăng tốc tới 4,1% trong quý II nhờ tiêu dùng và chi tiêu kinh doanh mạnh mẽ, cũng như tăng trưởng xuất khẩu.

Ông Dimon không mạo hiểm để đoán xem liệu tốc độ này có duy trì ổn định hay không, nhưng CEO của JP Morgan khẳng định: “Chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều mức 2%. Tôi không biết liệu tỷ lệ tăng trưởng là 3,5% hay 4% hay 3%, nhưng không phải là 2%”.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng có cảm nhận tương tự như ông Dimon. Trao đổi với Fox News hôm 29/7, ông Mnuchin nói rằng nền kinh tế Mỹ đã bước vào thời kỳ tăng trưởng ổn định.

Chúng ta chỉ có thể dự liệu một vài năm tới. Nhưng tôi cho rằng chúng ta đang trên con đường tốt trong nhiều năm. Tôi không nghĩ đây chỉ là hiện tượng trong một hoặc hai năm. Tôi cho rằng chúng ta chắc chắn đang ở trong chu kỳ 4-5 năm duy trì tăng trưởng ít nhất 3%”, ông Mnuchin nói trên Fox News.

Theo Epoch Times, chính JP Morgan cũng đang phát triển kinh doanh tốt dưới thời Trump. Doanh nghiệp của CEO Dimon hai tuần trước đã đạt đỉnh kỳ vọng khi họ thông báo mức lợi nhuận quý II là 8,3 tỷ USD.

Tuy vậy, ông Dimon vẫn lo lắng về chiến thuật của ông Trump trong việc đe dọa áp thuế để ép các nước đang thặng dư ngoại thương với Mỹ phải thay đổi.

Mặc dù thừa nhận những vấn đề mà ông Trump đưa ra như việc Trung Quốc thực thi chuyển giao sở hữu trí tuệ cưỡng bức từ các doanh nghiệp Mỹ, hoặc áp đặt hàng rào thương mại phi thuế quan, nhưng ông Dimon ủng hộ cách tiếp cận đối thoại mềm mỏng hơn, điều mà ông cho rằng sẽ không gây rủi ro tăng giá tiêu dùng và tính thiếu chắc chắn cho các nhà đầu tư – cả hai đều gây bất lợi cho ngành ngân hàng.

Bất chấp những quan ngại nêu trên, CEO của JP Morgan vẫn hy vọng cách tiếp cận của ông Trump sẽ thành công và thừa nhận rằng trong dài hạn Tổng thống có thể chứng minh ông đúng.

Yên Sơn

Xem thêm: