Trong phiên họp nghị viện Catalonia diễn ra hôm thứ Ba (10/10), lãnh đạo chính quyền Catalonia, ông Carles Puigdemont và các quan chức khu vực đã ký thông qua tuyên ngôn độc lập, chính thức tách xứ Catalonia khỏi Tây Ban Nha.

Embed from Getty Images

Ông Carles Puigdemont phát biểu trước nghị viện Catalonia hôm thứ Ba (10/10).

BBC cho hay tuy đã chính thức tuyên bố độc lập nhưng nghị viện Catalonia sẽ hoãn áp dụng văn bản này trong nhiều tuần nữa để cho phép mở các cuộc đàm phán với chính quyền trung ương Tây Ban Nha.

Văn kiện lịch sử này kêu gọi xứ Catalonia được công nhận là “một quốc gia độc lập, có chủ quyền”.

Chính quyền trung ương tại Madrid lập tức bác bỏ tuyên bố độc lập của nghị viện Catalonia.

Trước đó, vào Chủ Nhật (1/10), trong cuộc trưng cầu dân ý do chính quyền Catalonia tổ chức, nhưng bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố bất hợp pháp, 90% cử tri đi bầu đồng ý ly khai xứ Catalonia khỏi Tây Ban Nha.

Vào sáng sớm thứ Ba (10/10), ông Puigdemont đã nói với nghị viện Catalonia rằng khu vực đã giành quyền tuyên bố độc lập theo đúng kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 1/10.

Tuy nhiên, chính quyền trung ương không công nhập cuộc trưng cầu dân ý đó. Thực tế, số người đi bầu cũng chỉ chiếm khoảng 43% số lượng cử tri đủ điều kiện. Phần lớn những người phản đối độc lập đều đã tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý.

Bất chấp những phát ngôn cứng rắn và yêu cầu nghị viện Catalonia dừng cuộc họp hôm thứ Ba (10/10) với mục đích tuyên bố Catalonia độc lập, mọi chuyện vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch của những người ủng hộ ly khai.

Tuyên bố độc lập vừa được thông qua có đoạn viết: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia và tổ chức quốc tế hãy công nhận Cộng hòa Catalonia là một quốc gia độc lập, có chủ quyền”.

Phát biểu trước các đại biểu tham dự phiên họp đặc biệt của nghị viện, ông Puigdemont nói rằng “ý chí của nhân dân” là tách khỏi chính quyền Madrid, tuy nhiên ông cũng nói ông muốn “giảm leo thang” mâu thuẫn xung quanh vấn đề này.

Tất cả chúng ta đều thuộc cùng một cộng đồng và chúng ta cần tiến bước cùng nhau. Cách duy nhất để tiến lên là dân chủ và hòa bình”, Reuters dẫn lời ông Puigdemont phát biểu tại nghị viện Catalonia.

Tuy nhiên, lãnh đạo xứ Catalonia cũng nói rằng khu vực này đang bị bác bỏ quyền tự quyết và đang phải nộp thuế quá cao cho chính quyền trung ương Madrid.

Trong khi đó, phản ứng với diễn biến mới nhất tại Catalonia, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria hôm thứ Ba (10/10) cho hay: “Cả ông Puigdemont lẫn bất kỳ ai khác đều không thể yêu cầu… áp dụng hòa giải. Bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa những người dân chủ đều phải tiến hành trong khuôn khổ luật pháp”.

Bà Santamaria nói thêm rằng: “Sau khi dẫn tới thực trạng này, đưa Catalonia tới mức độ mâu thuẫn lớn nhất trong lịch sử, ông Puigdemont bây giờ phải chịu trách nhiệm với khu vực tự trị của mình đang ở tình trạng bất ổn nhất”.

Phát biểu mà ông Puigdemont đưa ra hôm nay cho thấy ông là người không biết mình đang ở đâu, sẽ đi về đâu và muốn tới đó với ai”.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng đã triệu tập phiên họp nội các bất thường vào sáng thứ Tư (11/10) để giải quyết những diễn tiến mới nhất trong cuộc khủng hoảng Catalonia.

Sau khi nghị viện Catalonia phát đi tuyên bố độc lập, nhiều người ủng hộ quyết định này đã cùng nhau chia sẻ trên Twitter từ khóa #10ODeclaració (Tuyên ngôn 10 tháng 10).

Tuy vậy, một số chính trị gia có ảnh hưởng tại xứ Catalonia, trong đó có Thị trưởng Barcelona Ada Colau và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, đã thúc giục ông Puigdemont rút lại tuyên bố độc lập.

Ngay từ sau khi Catalonia tổ chức trưng cầu dân ý, Liên minh Châu Âu (EU) đã khẳng định rằng nếu Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha, khu vực này sẽ không còn là một phần của EU.

Nhiều doanh nghiệp và ngân hàng lớn tại Catalonia cũng đã tuyên bố chuyển trụ sở chính khỏi khu vực này như một cách để họ đối phó với cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát tại vùng có nền kinh tế phát triển hàng đầu Tây Ban Nha.

Yên Sơn

Xem thêm: