Reuters cho hay, cảnh sát ở Việt Nam đã lấy mẫu tóc và mẫu máu để xác định DNA của những người có khả năng là thân nhân của các nạn nhân trong vụ 39 người tử nạn trong thùng xe đông lạnh ở Anh hồi tuần trước. 

Thi thể của 31 nam và 8 nữ được tìm thấy trong thùng hàng xe tải ở thị trấn Grays, cách trung tâm London 32km về phía đông hôm 23/10 (theo giờ Anh). Cảnh sát Anh vẫn đang trong quá trình xác nhận danh tính của những người bị nạn, trong khi đã có 24 gia đình ở Việt Nam đã trình báo chính quyền địa phương về việc người thân của họ bị mất tích trên đường nhập lậu sang Anh. 

Nhiều gia đình thậm chí đã hết hy vọng và lập bàn thờ cho con mình. 

ban tho Tra My
Bàn thờ cô Phạm Thị Trà My tại nhà ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh – ảnh chụp ngày 27/10. (ảnh qua BBC)

Với vẻ mặt tuyệt vọng, ông Nguyễn Đình Gia nói với Reuters rằng có rất ít khả năng ông có thể nhìn thấy đứa con trai 20 tuổi của mình một lần nữa. Con trai ông, Nguyễn Đình Lượng đã không thể liên hệ được trên hành trình tới Anh sau khi đến được nước Pháp. 

“Người từ Bộ Công an đã tới để lấy mẫu DNA từ tóc và máu của chúng tôi”, ông Gia nói với phóng viên Reuters từ huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong khi hàng xóm tới an ủi gia đình ông. 

Tôi đã khuyên nó không đi bởi vì mặc dù gia đình tôi không có gì, con cái luôn gặp khó khăn nhưng chúng tôi đều nuôi được chúng khôn lớn”, ông nói. 

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Gia cho biết ông đã nhận được cuộc gọi báo “tin dữ” từ Pháp vào đêm thứ Năm (24/10). Người ở đầu dây bên kia nói với ông rằng con trai ông “đã tới Anh trong một chiếc ô-tô cùng một nhóm người và đã xảy ra tai nạn”. 

“Cả nhóm đã chết”, người kia nói với ông. 

39 nguoi chet o Anh2
Gia đình cầm ảnh của Nguyễn Đình Tứ, người có thể nằm trong số 39 nạn nhân tử nạn tại Anh (Ảnh: Youtube)

Cha của Phạm Thị Trà My, 26 tuổi, người đã gửi tin nhắn cuối cùng vài giờ trước khi lực lượng phản ứng nhanh của Anh tìm thấy thùng hàng chở người chết, nói rằng cảnh sát cũng tới thu thập mẫu máu và tóc của họ. 

Nói với phóng viên CNN, ông Phạm Văn Thìn cho biết những kẻ buôn người đã cam đoan rằng con đường mà con gái ông đi là “an toàn”. 

“Tôi đã mất đi con gái và cả tiền”. Ông Thìn nói rằng những kẻ môi giới lao động đã đánh lừa gia đình. “Chúng nói rằng đây là một lộ trình an toàn, mọi người đi bằng máy bay, ô tô. Nếu tôi biết con gái phải ngồi trong container, tôi sẽ không bao giờ để con đi”.

Không khí tang tóc tràn ngập khắp các vùng nông thôn của Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi mà hàng chục gia đình không thể liên hệ với con em của mình sau khi đi theo đường dây buôn người để tới Anh đang mất dần hy vọng. Một số gia đình đã lập bàn thờ tạm. 

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam tại Nghệ An hôm Chủ nhật cho hay ông tin phần lớn người chết ở Anh đều là người Việt. 

Ông cho biết các gia đình nói với ông rằng họ biết người thân đang đi tới Anh vào thời điểm chiếc xe container đang chạy và không thể liên lạc được với người thân của họ.

“Theo thông tin tôi được biết, trong đợt này hình như có rất là nhiều, hơn 100 người đang trên đường để đi tìm sự sống cho mình,” ông nói với Reuters. “Có những gia đình đã xác định được con của mình đã ra đi trong chuyến đi định mệnh này.”

Vào chiều tối ngày thứ Bảy, linh mục Nam cùng khoảng 500 giáo dân cầu nguyện cho người chết khi họ thắp nến tưởng niệm trong nhà thờ ở Yên Thành, theo Reuters.

Cảnh sát Anh cho hay rất ít nạn nhân mang theo giấy tờ tùy thân và họ hy vọng có thể sớm xác định danh tính thông qua dấu vân tay, dấu vết răng, DNA cũng như ảnh từ bạn bè và người thân. Giới chức Anh cũng kêu gọi giới truyền thông không nên suy đoán quốc tịch của những người bị nạn để tránh gây cản trở cuộc điều tra. 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu điều tra và xác minh thông tin liên quan đến vụ việc. 

Cảnh sát Anh thông báo họ đã buộc tội tài xế lái xe tải Maurice Robinson, người Bắc Ireland, tội ngộ sát, buôn người và rửa tiền. Ba người khác bị tình nghi dính líu đến vụ việc đã được cho bảo lãnh tại ngoại. 

Theo báo cáo của chính quyền Anh năm 2018, di dân Việt nam của khoảng 70% số vụ đưa lậu người sang Anh từ giai đoạn 2009-2016 đều là nạn nhân của bóc lột lao động, phải tham gia trồng cần sa cho các băng nhóm tội phạm và lao động trong các tiệm làm nail. 

Nghệ An và Hà Tĩnh là hai trong số những tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Theo một báo cáo hồi tháng 3 của tổ chức chống buôn người Pacific Links Foundation có trụ sở ở Mỹ, Nghệ An được xác định là quê hương của rất nhiều nạn nhân bị các đường dây đưa người trái phép tới Châu Âu. 

Năm 2016, tỉnh Hà Tĩnh chứng kiến thảm họa môi trường lớn nhất cả nước khi nhà máy thép Formosa (trụ sở Đài Loan) xả thải gây ô nhiễm biển, tàn phá kế sinh nhai của ngư dân địa phương và gây tổn thất lớn cho ngành du lịch biển. 

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: