Hồi tháng Ba, nhà bất đồng chính kiến ​​​​người Trung Quốc Lăng Hoa Trạm (Ling Huazhan) đã được 7 người “hộ tống” đến sân bay ở Paris, trong đó có 2 nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc (ĐSQTQ). Nhiệm vụ của họ là đảm bảo anh Lăng lên chuyến bay từ Paris đến Quảng Châu lúc 11h35 sáng ngày hôm đó. Tuy nhiên, sau khi lấy lại được hộ chiếu đã bị ĐSQTQ tịch thu trước đó, Lăng đã từ chối lên máy bay.

Ngày 22/3, nhà bất đồng chính kiến Lăng Hoa Trạm (26 tuổi) đã được người của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa đến nhà ga số 1 của sân bay Charles de Gaulle ở Paris, Pháp, để trục xuất về Trung Quốc. Hai nhân viên ĐSQTQ đã liên lạc với một cảnh sát ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, người này đã nói chuyện với Lăng Hoa Trạm và ra lệnh cho anh trở về Trung Quốc ngay lập tức. Vài phút sau, cảnh sát biên giới Pháp đến và ngăn chặn hành động của những người phía ĐCSTQ.

Cảnh tượng này diễn ra vào đêm trước chuyến thăm Pháp của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. France 2 đã phát sóng một chương trình truyền hình đặc biệt vào tối ngày 2/5, tiết lộ cách cảnh sát ĐCSTQ sử dụng ĐSQTQ tại Pháp, các “trung tâm dịch vụ” và các mạng lưới Hoa kiều ở nước ngoài để đe dọa và xua đuổi những người bất đồng chính kiến.

Sau khi nhận được thông tin từ ông Vương Tĩnh Du (Wang Jingyu), một nhà bất đồng chính kiến ​​​​lưu vong khác có liên hệ với anh Lăng Hoa Trạm, nhóm TV 2 và các phóng viên của cơ quan truyền thông Pháp Challenges đã theo dõi và quay phim vụ việc, lần đầu tiên chiếu trên truyền hình châu Âu toàn bộ quá trình việc ĐCSTQ sử dụng cảnh sát hải ngoại để sách nhiễu và cưỡng bức trục xuất những người bất đồng chính kiến về nước.

  • Tweet của ông Vương Tĩnh Du về vụ việc anh Lăng Hoa Trạm:

“Họ có người ở khắp mọi nơi”

Anh Lăng Hoa Trạm đến từ Quảng Đông và làm kỹ thuật viên nông nghiệp ở Trung Quốc. Anh đã phản đối sự cai trị độc tài của ĐCSTQ, đăng các video chỉ trích các lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông, đồng thời ủng hộ các nhóm bị ĐCSTQ đàn áp như Pháp Luân Công, Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương.

Mùa xuân năm 2023, anh đến châu Âu. Vào tháng Chín cùng năm, anh đến Pháp sau khi bị đe dọa ở Đức. Sau khi đến Paris, anh bị những người Trung Quốc vô danh theo dõi, tấn công và làm nhục nhiều lần trên đường phố.

Vào ngày 22/3, anh nhận được cuộc gọi từ ĐSQTQ, yêu cầu gặp anh bên ngoài một nhà hàng Trung Quốc ở Aubervilliers, ngoại ô phía bắc Paris. Tình báo Pháp từ lâu đã xác định địa chỉ này là đồn cảnh sát ngầm của ĐCSTQ.

Anh Lăng Hoa Trạm nói với các phóng viên truyền thông Pháp: “Họ nói rằng họ có người trên khắp nước Pháp và họ sẽ tìm ra tôi cho dù tôi trốn ở đâu. Tôi cảm thấy mình sẽ bị bắt và đưa về Trung Quốc”.

Sau đó, 2 chiếc ô tô đã “hộ tống” anh thẳng đến sân bay Charles de Gaulle, phóng viên truyền thông Pháp cũng bám theo sát. Lăng Hoa Trạm sau đó giải thích rằng người của ĐCSTQ hứa sẽ trả lại hộ chiếu cho anh khi anh lên xe.

Sau khi vào sân bay, anh bị 2 nhân viên ĐSQTQ và một số nhân viên “Nhóm tình yêu nước Pháp” mặc áo vest đỏ vây quanh. Một người đàn ông mặc vest “tháp tùng” Lăng Hoa Trạm lên máy bay, nhưng ngay trước khi lên máy bay, anh đã quyết định bỏ trốn, khiến nhân viên ĐSQ tức giận đuổi theo.

Lúc này, phóng viên truyền thông Pháp đang theo dõi ghi hình vụ việc đã ra mặt can thiệp, giúp Lăng lấy lại hộ chiếu. Nhân viên hải quan Pháp cũng có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, do thân phận ngoại giao của nhân viên ĐSQ, phía Pháp không thể thực hiện thêm hành động nào.

Sau khi thoát khỏi cảnh bị cưỡng bức hồi hương, Lăng Hoa Trạm tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại quấy rối và hàng trăm tin nhắn đe dọa, yêu cầu anh trở về Trung Quốc đầu hàng, nếu không gia đình anh sẽ phải đối mặt với sự trả thù. Những tin nhắn đe dọa bao gồm “Chúng tôi sẽ bắt anh trai anh ngồi trên ghế cọp”, v.v.

Phía Pháp gọi lại số điện thoại quấy rối, cuộc gọi được tổng đài của cơ quan công an ĐCSTQ trả lời, nhưng đối phương từ chối giải thích lý do quấy rối Lăng Hoa Trạm và cho biết “không tiện công khai vụ việc”.

ĐSQTQ tại Pháp tuyên bố trên trang web của mình hôm 2/5 rằng các báo cáo của truyền thông Pháp “hoàn toàn dựa trên những lời dối trá và bịa đặt”. Tuyên bố nói rằng Lăng Hoa Trạm là một “nhà hoạt động chống Trung Quốc”,anh ta thừa nhận rằng anh ta đã phạm sai lầm khi tu luyện Pháp Luân Công”, nhân viên ĐSQ “sẵn sàng giúp anh ta trở về nước theo yêu cầu của anh ta và chưa bao giờ thực hiện bất kỳ biện pháp câu lưu, cưỡng chế hoặc đe dọa”.

“Đúng là những lời nói vô lý”, ông Vương Tĩnh Du, người vẫn giữ liên lạc với Lăng Hoa Trạm, nói với phóng viên của Epoch Times.

Khi Lăng Hoa Trạm trả lời phỏng vấn hỏi của Epoch Times về tuyên bố của ĐCSTQ rằng anh tu luyện Pháp Luân Công. Anh nói: “Đại sứ quán Trung Quốc buộc tôi phải làm theo những gì họ viết. Họ viết nó và yêu cầu tôi sao chép từ bản gốc. Tôi có không có bất cứ liên lạc nào với Pháp Luân Công.”

Đồn cảnh sát ĐCSTQ ở Pháp

Vào năm 2022, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha tiết lộ rằng ĐCSTQ đã thành lập hơn 100 đồn cảnh sát ở nước ngoài tại 53 quốc gia, trong đó có 4 đồn ở Pháp: 2 đồn ở Paris và 2 đồn ở ngoại ô Paris.

id14240035 image 2024 05 03T20 22 10 600x344 1
Các “trạm dịch vụ” cảnh sát Hoa kiều ở nước ngoài của ĐCSTQ,  tức là “110 hải ngoại”, được đặt tại hàng chục quốc gia trên 5 châu lục. (Ảnh: Safeguard Defenders)

Theo báo cáo mới nhất của Safeguard Defenders, vào tháng Tư, ĐCSTQ tuyên bố rằng trong 10 năm qua, họ đã đưa thành công hơn 12.000 người về nước thông qua dẫn độ, hồi hương, bao gồm cả bắt cóc. Báo cáo đánh giá thập kỷ đầu tiên của “Chiến dịch Săn cáo”“Chiến dịch thiên võng”, bao gồm cả việc hồi hương bất hợp pháp ít nhất 283 người từ ít nhất 56 quốc gia và 2 khu vực Hồng Kông và Ma Cao. Trung Quốc tuyên bố rằng 2 chiến dịch này mang tính toàn cầu, nhằm bắt giữ những người Trung Quốc ở nước ngoài bị tình nghi phạm tội tài chính.

Hiệp hội Aubervilliers, được thành lập vào năm 2021, tự nhận là một tổ chức cung cấp các dịch vụ từ thiện cho người Trung Quốc tại Pháp, có văn phòng tại số 85-87 Avenue Victor Hugo ở Aubervilliers. Safeguard Defenders xác nhận vào năm 2022 rằng tòa nhà này từng là đồn cảnh sát bí mật và nằm trong văn phòng của một tổ chức khác, Hiệp hội Doanh nghiệp Pháp – Trung.

Theo Bộ Nội vụ Pháp, cơ quan này và 6 đồn cảnh sát khác của ĐCSTQ ở Pháp đã không hoạt động kể từ khi Safeguard Defenders đưa ra báo cáo vào năm 2022.

Pháp bị chỉ trích vì không hành động

Mặc dù ông Vương Tĩnh Du đã tweet rằng các cơ quan tình báo Pháp đã mở cuộc điều tra về vụ việc, nhưng chính quyền Pháp vẫn bị chỉ trích vì không có hành động đối với các đồn cảnh sát ở nước ngoài của ĐCSTQ.

Ông Paul Charon, giám đốc bộ phận tình báo và các mối đe dọa của Viện Nghiên cứu Chiến lược Trường Quân sự Quốc gia Pháp (IRSEM), nói với Challenge rằng Bộ Công an của ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào công dân nước ngoài và lợi dụng thái độ yếu kém của chính quyền châu Âu.

“Cảm giác chính là có tội không bị trừng phạt … Cho dù có bao nhiêu nhà báo đưa tin thì cũng không có hành động gì thêm… Ngay cả khi nó bị vạch trần, ĐCSTQ vẫn có thể tự do di chuyển trên đất Pháp.”

Truyền thông Pháp yêu cầu Bộ Nội vụ bình luận về vấn đề này nhưng chưa nhận được phản hồi.

Ngày 10/4, anh Lăng Hoa Trạm đệ đơn kiện những kẻ không rõ danh tính đã quấy rối anh. Ông Henri Thulliez, luật sư của anh Lăng, cho rằng vụ án rất điển hình và tình tiết rất rõ ràng.

Ông nói: “Không thể chấp nhận được việc một chính phủ nước ngoài làm suy yếu các quyền cơ bản của công dân trên đất Pháp”.