Biển Đông đang dần nổi lên là vũ đài cạnh tranh chính giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi, Bắc Kinh ngày càng quyết đoán hơn trong tuyên bố chủ quyền Biển Đông, thì Mỹ và đồng minh cũng gia tăng các hoạt động “tự do hàng hải” tại vùng biển chiến lược này. Đã đến lúc các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, phải lựa chọn dứt khoát đứng về bên nào?

Embed from Getty Images

Các bên vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự trên Biển Đông. 

Trung Quốc ngày càng quyết đoán về chủ quyền Biển Đông

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định rằng chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo trên Biển Đông đã là “rất rõ ràng” và rằng nhân dân trên các đảo đó cảm thấy cần thiết phải tăng cường phòng thủ vì các cuộc tuần tra quân sự “dày đặc” của Mỹ.

Ngoài những phát ngôn ngày càng công khai hơn, trên thực địa Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện của Quân giải phóng Nhân dân (PLA) và các khí tài quân sự hiện đại. Chế độ Bắc Kinh đã cho bồi đắp và quân sự hóa nhiều đảo nhân tạo trên Biển Đông, biến đây thành tiền đồn cho PLA gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Quân đội Trung Quốc thường xuyên điều động tàu chiến và phi cơ chiến đấu tuần tra, cũng như diễn tập quân sự trên Biển Đông.

Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV), hoạt động diễn tập mới nhất của PLA tại Biển Đông liên quan tới hàng chục máy bay chiến đấu, trong đó có nhiều oanh tạc cơ và ít nhất hai chiến đấu cơ J-11B, bắn hàng ngàn đạn pháo vào các mục tiêu giả lập trên biển. CCTV không thông tin rõ về thời gian và địa điểm chính xác mà cuộc tập trận này diễn ra.

Mỹ và đồng minh gia tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông

Tuyên bố về chủ quyền Biển Đông của Ngoại trưởng Vương Nghị tại Liên Hiệp Quốc đến vào thời điểm Mỹ và đồng minh như Anh hay Nhật Bản đang ngày càng gia tăng các hoạt động “tự do hàng hải” để kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông.

Thách thức mới nhất là việc tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Mỹ hôm Chủ Nhật (30/9) đã đi qua vùng biển tại quần đảo Trường Sa trong cuộc tuần tra khoảng 10 giờ, tiến sâu vào trong khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá Gaven và Gạc Ma do Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Ba (2/10) phát đi tuyên bố nói rằng tàu khu trục USS Decatur của Mỹ hôm 30/9 đã đi vào vùng biển của Trung Quốc và Hải quân nước này đã điều động tàu khu trục lớp Luyang ra cảnh báo và ngăn chặn.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng việc tàu USS Decatur đi vào Trường Sa là hành động khiêu khích và Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.

Chế độ Bắc Kinh thậm chí phản ứng gay gắt hơn khi quyết định hủy bỏ các cuộc đàm phán an ninh với Washington đã được lên lịch diễn ra vào tháng Mười giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe).

Ngoài Mỹ, các đồng minh khác của Washington cũng đang tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông khi họ nhận được lời kêu gọi từ chính phủ Trump.

Tuần trước, tàu khu trục Anh Quốc HMS Argyll đã gia nhập cuộc diễn tập hải quân cùng tàu chiến Kaga và tàu khu trục Inazuma của hải quân Nhật Bản trên Ấn Độ Dương trước khi hướng tới Biển Đông. Trung Quốc được cho là đã gửi một tàu chiến và một số máy bay trực thăng tới đối phó với sự hiện diện của Anh Quốc trong vùng biển chiến lược này.

Trước đó, vào cuối tháng Tám, một tàu khu trục khác của Anh đã đi từ Nhật Bản qua Hoàng Sa để cập cảng Sài Gòn, thăm chính thức Việt Nam 4 ngày. Gầy đây, vào giữa tháng Chín, một tàu ngầm của Nhật Bản cũng đã có chuyến thăm Việt Nam 5 ngày trong chuỗi hoạt động nhằm đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Biển Đông sẽ là vũ đài chính trong cạnh tranh ảnh hưởng Trung – Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng cho thấy quyết tâm ép Trung Quốc tới cùng trong cuộc chiến thuế quan để chế độ Bắc Kinh phải thực hiện thương mại công bằng, chấm dứt đánh cắp sở hữu trí tuệ Mỹ và mở cửa lớn hơn nữa cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Washington cũng đang từng bước đàm phán lại các thỏa thuận thương mại với các đồng minh, để tăng sức mạnh cho kinh tế Mỹ và có sự hậu thuẫn trong cuộc chiến thương mại toàn diện với Bắc Kinh. Hiện tại, Mỹ đã hoàn thành đàm phán hiệp định thương mại tự do mới với Hàn Quốc, Mexico và Canada. Chính phủ Trump đang đẩy mạnh đàm phán với Nhật Bản và Liên minh Châu Âu.

Washington cũng đang từng bước thắt chặt dần nguồn cung dầu mỏ vào Trung Quốc. Việc ông Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt lệnh cấm vận Tehran xuất khẩu dầu mỏ có hiệu lực từ ngày 4/11, sẽ dẫn tới Bắc Kinh thiếu hụt lượng lớn dầu mà họ nhập từ nước Cộng hòa Hồi giáo. Trung Quốc hiện đang là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iran.

Trong diễn đàn Liên Hiệp Quốc vừa qua, Tổng thống Trump đã kêu gọi tất cả các nước chống lại chủ nghĩa xã hội nói chung và nhắm trực tiếp vào Venezuela nói riêng. Washington đã chế tài các cá nhân và doanh nghiệp Venezuela, nhưng sắp tới khả năng Mỹ cũng sẽ cấm vận ngành dầu mỏ của chế độ Maduro, qua đó tiếp tục chặn thêm nguồn cung dầu lớn khác vào Trung Quốc.

Không còn nguồn dầu từ Iran và Venezuela, Trung Quốc khả năng sẽ buộc phải đẩy mạnh khai thác dầu khí trên Biển Đông, qua đó gia tăng mâu thuẫn trực tiếp với Việt Nam, Philippines và các nước khác trong khu vực.

Bắc Kinh trước nay luôn không muốn quốc tế hóa Biển Đông và thường xuyên kêu gọi các nước mà không có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này không được liên quan đến tranh chấp trong khu vực. Trung Quốc hồi tháng Tám được cho là đã đồng ý bản dự thảo Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) do các nước Đông Nam Á, cùng Trung Quốc soạn thảo. Chế độ Bắc Kinh muốn dựa vào COC và các cuộc đàm phán song phương để ký các thỏa thuận “cùng khai thác Biển Đông” với các nước liên quan, loại bỏ sự tham gia của Mỹ và đồng minh vào vấn đề này.

Tất nhiên, nước Mỹ mà đặc biệt dưới thời Tổng thống Trump hiểu rất rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ông Trump đã gia tăng hoạt động tuần tra vùng biển Đông Nam Á, đồng thời, kêu gọi các nước đồng minh cùng tham gia hiện diện quân sự tại đây. Dường như Mỹ và đồng minh đã chủ động chờ sẵn Trung Quốc để “quyết chiến” giành ảnh hưởng trên vùng biển chiến lược cả về hàng hải và tài nguyên khoáng sản, hải sản.

ĐNÁ phải dứt khoát chọn đứng về Mỹ hay Trung Quốc?

Ông Collin Koh, chuyên gia về hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore hôm 1/10 có nhận định trên tờ Hoa Nam Tảo Báo (Hồng Kông): “Không chỉ sự hiện diện của Mỹ gây chú ý những ngày này. Có thể nhận thấy rằng các cường quốc bên ngoài khác cũng đã gia tăng sự hiện diện quân sự của họ tại Biển Đông. Tôi cho rằng điều đó đủ để nói rằng ít nhất một số nước, nếu không muốn nói là tất cả các nước Đông Nam Á đã bị kẹp giữa [hai thế lực]”

Ông Collin Koh nói rằng các nước Đông Nam Á trước nay vẫn đang cố gắng quản lý mối quan hệ hài hòa với cả Trung Quốc và Mỹ, thậm chí các nước này mong muốn tìm kiếm đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, trong khi lại hy vọng nhận được cam kết đảm bảo an ninh từ Washington.

Ông Koh nhận định: “Mặc dù việc bị kẹp ở giữa là rất rõ ràng, nhưng các nước Đông Nam Á không nhất định mong muốn phải đưa ra lựa chọn đứng hẳn về bên nào. Theo đó, ý tưởng chung là phải tối đa hóa lợi ích từ tất cả các bên, trong khi không để vào tầm ngắm của cả hai”.

Tuy nhiên, căng thẳng toàn diện cả về quân sự, thương mại và ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang sẽ không cho phép các nước Đông Nam Á có thể tiếp tục chiến lược “đánh đu” giữa hai cường quốc.

Tờ Hoa Nam Tảo Báo dẫn lời ông Adam Ni, chuyên gia nghiên cứu chính sách ngoại giao và an ninh Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc, nhận định rằng sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington ở Châu Á có thể đưa các quốc gia Đông Nam Á vào vị trí mà họ phải chọn đứng về phe nào.

Đối với các nước Đông Nam Á, một vị thế mạnh mẽ của Mỹ tại Châu Á để cân bằng tham vọng bành trướng của Trung Quốc dường như là điều tích cực cho sự ổn định và lợi ích của họ. Tuy nhiên, có rủi ro khi cạnh tranh chiến lược sôi sục lên sẽ ảnh hưởng xấu tới hòa bình và ổn định khu vực”, ông Adam Ni nói.

Trong khi đó, ông Wu Shicun, Chủ tịch của Viện Quốc gia về Nghiên cứu Biển Đông nói trên Hoa Nam Tảo Báo rằng Bắc Kinh đang ngày càng quyết đoán hơn về tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông và điều này “đã gây áp lực lên Mỹ và Mỹ đã kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản và Anh Quốc, thậm chí cả Úc, thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông”.

Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ Biển Đông – họ vẫn sẽ là nhân tố quan trọng trong khu vực này”, ông Wu Shicun khẳng định.

Thậm chí có một số chuyên gia cho rằng Mỹ và đồng minh sẽ chọn Biển Đông là vũ đài chính để gây sức ép lớn nhất lên Trung Quốc buộc họ phải đưa ra lựa chọn quan trọng nhất hoặc là phải gia nhập thế giới văn minh hoặc sẽ bị cô lập hoàn toàn và dẫn tới sụp đổ chế độ chuyên chế độc đảng.

Trong hoàn cảnh đó, các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cũng buộc phải lựa chọn dứt khoát đứng về Mỹ hay Trung Quốc? Việt Nam và Đông Nam Á sẽ không còn dư địa để chọn đứng ở giữa mà tối đa hóa lợi ích từ cả hai bên.  

Tân Bình

Xem thêm: