Hàng trăm nghìn người ủng hộ của cả hai đảng cầm quyền và đối lập đã tổ chức tuần hành lớn tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia hôm thứ Sáu (2/6) trước khi chính thức diễn ra bầu cử hội đồng cấp xã, phường trên toàn quốc vào Chủ Nhật (4/6).

Khác với các kỳ bầu cử trước, lần này dưới những dấu hiệu áp lực bầu cử ngày càng tăng, Thủ tướng Hun Sen đã phải trực tiếp tham gia vào chiến dịch tranh cử cùng với khoảng gần 200.000 người ủng hộ đảng Nhân dân Campuchia  (CPP).

Thủ tướng Hun Sen phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại Thủ đô Phnom Penh

Trong bài phát biểu kéo dài 1 giờ trước đông đảo công chúng tập hợp ngoài trời dưới thời tiết nắng nóng tại thủ đô Phnom Penh, ông Hun Sen cho biết: “Phe đối lập đã không làm được gì ngoài việc nói với các nhà tài trợ nước ngoài cắt viện trợ, các nhà đầu tư ngừng rót vốn và Liên minh châu Âu (EU) không nhập khẩu hàng may mặc của Campuchia”.

Thủ tướng Campuchia thêm rằng: “Đây là lựa chọn giữa hòa bình và an ninh để phát triển hoặc sự tàn phá do hỗn loạn”.

Ông Hun Sen là người có tiếng nói mạnh mẽ tại xứ chùa tháp. Thủ tướng Campuchia, vốn là một cựu chiến binh thời Khmer Đỏ, đã từng cảnh báo về việc có thể xảy ra bạo loạn nếu đảng cầm quyền của ông không kiểm soát được đất nước.

Phe đối lập và các nhóm nhân quyền cáo buộc ông Hun Sen đã dùng tòa án, bắt bớ, hăm dọa và nhiều biện pháp khác để giữ quyền lực hơn 3 thập kỷ qua. Ông Hun Sen đã cầm quyền ở Campuchia được 32 năm và đang là một trong những nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất châu Á.

Trong suốt thời kỳ chế độ Khmer Đỏ cầm quyền tại Campuchia vào những năm 1970, khoảng 1,8 triệu người đã chết vì nạn đói, tra tấn, kiệt sức hoặc bệnh tật trong các trại lao động hoặc bị đánh đập đến chết trong các vụ hành quyết tập thể.

Kể từ khi ông Hun Sen và đảng CPP lên cầm quyền, Capuchia đã vượt qua được hàng thập kỷ xung đột và đạt tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức cao tới 7%. Đây là một kỷ lục mà ông Hun Sen luôn nhấn mạnh.

Cho tới năm 2013, CPP mới có đối trọng lớn trong bầu cử. Trước cuộc tổng tuyển cử 2013 phe đối lập bất ngờ thống nhất được thành một đảng duy nhất – đảng cứu quốc Campuchia (CNRP).

Những người ủng hộ đảng CNRP hô khẩu hiệu trong cuộc tuần hành hôm 2/6

Đảng CNRP tham gia vào các cuộc biểu tình từ tháng 7/ 2013 tới  tháng 7/ 2014 chống lại chính quyền Hun Sen sau những cáo buộc rộng rãi về gian lận trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2013. CNRP sau đó đã tẩy chay Quốc hội.  Chính phủ Campuchia đã mở cuộc đàn áp đối với những công nhân may mặc tham gia biểu tình. Những công nhân này đã liên minh với những người biểu tình hồi tháng 1 năm 2014. Cuộc đàn áp của chính phủ khi đó đã làm bốn người chết và khiến hàng chục người khác bị thương.

Đảng cứu quốc Campuchia năm nay được kỳ vọng sẽ cải thiện được đáng kể số ghế tại hội đồng xã, phường trong cuộc bầu cử vào Chủ Nhật (4/6).

Phát biểu tại cuộc tuần hành của CNRP hôm thứ Sáu (2/6), ông Yim Sovann, một thành viên trong ban lãnh đạo đảng CNRP và cũng là nhà lập pháp, đã kêu gọi những người ủng hộ không phải sợ và hứa sẽ giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử 2018.

Ông Yim Sovann nói: “Tất cả chúng ta cần đoàn kết trăm người như một để giành chiến thắng”.  Ông cũng hứa rằng phe đối lập sẽ làm được nhiều gấp 3 lần những gì đảng của ông Hun Sen đã làm cho đất nước Campuchia. CNRP luôn cáo buộc CPP lạm quyền và tham nhũng.

Nhà phân tích chính trị Campuchia, ông Cham Bunthet cho biết nếu đảng CNRP giành được hơn 31% phiếu bầu vào Chủ Nhật (4/6), họ sẽ ‘phả hơi nóng’ vào đảng CPP cầm quyền. Tuy nhiên, ông Bunthet nói cơ hội của phe đối lập có thể yếu đi vì số cử tri đi bầu thấp.

Ông Sebastian Strangio, tác giả của cuốn sách “Campuchia của Hun Sen”  cho biết cuộc bầu cử này sẽ không ảnh hưởng đến việc kiểm soát chính quyền quốc gia của đảng cầm quyền CPP.

Ông Strangio cũng nói thêm nằng: “Tuy nhiên một thất bại nặng nề cũng có thể đem tới động lực cho phe đối lập để họ có thể hướng tới sự kiện thực sự: cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới, 2018”.

Các nhà ngoại giao quốc tế quan ngại về bầu cử tại Campuchia

Các Đại sứ của EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản tại Campuchia  đã bày tỏ mối quan ngại về ý định của chính phủ Campuchia trong việc triển khai quân đội vào ngày bầu cử 4/6. Họ cho rằng động thái này của chính quyền Phnom Penh có thể ảnh hưởng đến quá trình bầu cử và gây hoang mang cho cử tri.

Sau cuộc họp với các quan chức của Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), Đại sứ EU, ông George Edgar đã nói với phóng viên đài châu Á tự do (RFA) rằng kế hoạch của chính phủ về việc triển khai lực lượng quân đội tại các điểm bầu cử nhiều hơn các lần bầu cử trước có thể khiến cử tri không thoải mái trong việc bỏ phiếu.

Đại sứ Hoa Kỳ, ông William A. Heidt nói rằng Mỹ sẽ quan sát cuộc bầu cử này một cách chặt chẽ.

Ông Heidt nói với phóng viên RFA rằng: “Chúng tôi từ Hoa Kỳ sẽ cử một phái đoàn đông đảo tới các tỉnh để giám sát cuộc bầu cử này”. Đại sứ Heidt nói thêm rằng Hoa Kỳ hài lòng với công việc của NEC để đảm bảo tất cả các cử tri đủ điều kiện bầu cử có thể tham gia bỏ phiếu.

Chúng tôi hy vọng sẽ có một cuộc bầu cử rất minh bạch và công bằng vào Chủ Nhật”, ông Heidt nói.

Phát ngôn viên của NEC, ông Hang Puthea nói với báo chí rằng sự hiện diện của lực lượng vũ trang trong suốt cuộc bầu cử là cần thiết để duy trì trật tự và an ninh.

Ông Puthea lập luận: “Quốc gia nào mà không có cảnh sát và binh lính để bảo vệ trật tự và hòa bình?”. Ông cũng nói thêm rằng: “Con số lực lượng an ninh được triển khai trong các cuộc bầu cử trước đây thậm chí còn cao hơn, cuộc bầu cử lần này chúng tôi sẽ triển khai hơn 37.000 nhân viên an ninh”.

Các nhà ngoại giao nước ngoài nêu trên cũng yêu cầu NEC công bố kết quả bầu cử vào ngày 4 tháng 6  ngay sau khi số phiếu được kiểm tra.

Tuy nhiên, NEC đã nói rằng cơ quan này không thể công bố kết quả cùng ngày diễn ra bầu cử được vì họ cần thêm thời gian để điều tra bất kỳ khiếu nại liên quan đến bầu cử nào được nộp.

Thay vào đó, NEC sẽ thông báo kết quả bầu cử theo ba giai đoạn: kết quả sơ bộ, kết quả tạm thời và kết quả chính thức.  Kết quả cuối cùng sẽ được công bố khoảng 20 ngày sau ngày bầu cử.

Tân Bình

Xem thêm: