Trước các hành vi tàn bạo xảy ra tại Hồng Kông từ tháng 6 tới nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông vào dịp Lễ Tạ ơn. Tiếp sau đó các nước phương Tây khác cũng bắt đầu có động thái mô phỏng theo hành động của Mỹ trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông vi phạm nhân quyền. Điều này khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc lo lắng sẽ xuất hiện hiệu ứng hồ điệp.

Hồng Kông, Lễ Tạ ơn
Tối ngày 28/11, người dân Hồng Kông đã tổ chức mít tinh Lễ Tạ ơn Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông tại Quảng trường Edinburgh ở Trung Hoàn. Nhiều người giơ cờ cao Mỹ để biểu đạt yêu cầu và cảm ơn (Ảnh: Epoch Times)

Sau 12 ngày bao vây Đại học Bách khoa Hồng Kông, cuối cùng cảnh sát cũng rút lui hôm 29/11. Lần bao vây này, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 1377 người, số người dưới 18 tuổi bị ghi lại hồ sơ là 318 người. Bao vây Đại học Bách khoa Hồng Kông chỉ là một phần thu nhỏ của những hành động tàn bạo đã xảy ra tại Hồng Kông trong gần nửa năm qua, bên cạnh việc ‘bị tự sát’, cưỡng hiếp, thay nhau cưỡng hiếp, từ tháng 6 tới nay, 5890 người đã bị bắt giữ, trong đó có 4368 nam, 1522 nữ, độ tuổi từ 11-83 tuổi. 

Món quà lớn dịp Lễ Tạ ơn của ông Trump

Việc ông Trump ký thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông là sự cổ vũ vô cùng lớn đối với dân chúng Hồng Kông. Tối ngày 28/11, khoảng 10.000 người dân Hồng Kông đã tập trung tại Quảng trường Edinburgh ở Trung Hoàn để bày tỏ lòng cảm ơn đối với Mỹ. Rất nhiều người đã giơ cao cờ Mỹ, thỉnh thoảng còn vỗ tay hoan hô. Người tham dự cũng thúc giục Chính phủ Mỹ nhanh chóng chế tài quan chức Hồng Kông và cảnh sát Hồng Kông có liên quan. 

Người đứng đầu Đảng Công dân Dương Nhạc Kiều (Alvin Yeung Ngok-kiu) cho biết, việc ông Trump ký thông qua Dự luật đã cho thấy xã hội quốc tế vẫn luôn để ý và đồng tình với nỗ lực đấu tranh của người Hồng Kông. “Trong cộng đồng quốc tế, Hồng Kông tuyệt đối không cô đơn.”

Tổng Thư ký Đảng Demosistō Hoàng Chi Phong cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang tiếp diễn, việc ông Trump ký thông qua Dự luật đã cho thấy Mỹ rất coi trọng tình hình nhân quyền tại Hồng Kông.  Đảng Demosistō Hồng Kông sẽ sát cánh với người Hồng Kông ở Mỹ, tiếp tục tăng cường công tác vận động hành lang, để thúc giục chính quyền Mỹ nhanh chóng khởi động cơ chế trừng phạt.

Trong thời khắc Hồng Kông đang nguy kịch, hành động của ông Trump như “giúp người gặp nạn”, vừa là thuận theo ý dân, cũng vừa là thể hiện lợi ích quốc gia Mỹ và sự tôn vinh các giá trị phổ quát. 

Mặc dù luật mới này có nội dung không quá “khắc nghiệt” với các cá nhân vi phạm, nhưng căn cứ vào tình hình nước Mỹ, tương lai có thể sẽ liên tiếp “khắc nghiệt” hơn, có nhiều điều luật hơn. Đối với Bắc Kinh mà nói, đây mới là hậu hoạn đáng lo lắng. 

Hiệu ứng hồ điệp đang ẩn hiện

Trong luật mới có một điều nói rằng: Bao gồm cả các nước đồng minh như Anh, Úc, Ý, Nhật, Hàn, sẽ hợp tác thúc đẩy rộng rãi dân chủ và nhân quyền Hồng Kông.

Các nước đồng minh của Mỹ đều có trách nhiệm hồi đáp lại lời kêu gọi của Mỹ. Thực ra dù ngay cả khi không có điều khoản ràng buộc, thì sức cảm hóa của Mỹ khi đứng ra cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các nước phương Tây khác. Hiện tại không ít quốc gia đang liên tiếp đi theo Mỹ, hiệu ứng hồ điệp mà Mỹ tạo ra đang dần xuất hiện.

Quan chức Liên minh Châu Âu (EU) ủng hộ Hồng Kông

Ngày 29/11, ông Gunnar Wiegand, Giám đốc Phân khu Châu Á – Thái Bình Dương (EEAS) của Liên minh Châu Âu, người đang có chuyến thăm Hồng Kông, sau khi có cuộc gặp mặt với Phó Tổng Thư ký Cục Phát triển Kinh tế Thương mại Chính phủ Hồng Kông Thẩm Phụng Quân, đã biểu đạt thái độ ủng hộ Hồng Kông. 

Ông Gunnar Wiegand nói, “Bạn bè thực sự vẫn ở bên cạnh bạn trong thời khắc khó khăn, do đó, Hồng Kông có thể dựa dẫm vào EU”. Tờ Nam Hoa Tảo báo trích dẫn lời của ông Gunnar Wiegand nói, quyền tự chủ cao độ, xã hội pháp trị và tự do nhân quyền cơ bản trong “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông là nền tảng vững chắc của hợp tác giữa EU và Hồng Kông. 

Lực sát thương của Anh không kém Mỹ

Sau khi ông Trump ký thông qua Dự luật, ca sĩ Hà Vận Thi chia sẻ trên Facebook rằng, “Cuối cùng đã thông qua! Bước tiếp theo, có thể là Anh quốc!”

Hoàng Chi Phong cho rằng, nếu Anh quốc có hành động, sẽ tạo thành không ít áp lực đối với quan chức và nhân viên công vụ của Hồng Kông.

Hồng Kông là thuộc địa của Anh, không ít nhân viên công vụ của Hồng Kông đều có quan hệ mật thiết với Anh quốc. Ví dụ như Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga có chồng và con trai đều có quốc tịch Anh. Chỉ vì năm xưa bà tham gia tranh cử tại Hồng Kông nên đã chủ động từ bỏ quốc tịch Anh. Còn có rất nhiều gia đình tinh anh tại Hồng Kông, con cái của họ đều đang học tập tại Anh quốc. 

Nếu như Anh cũng có những động thái tương tự như Mỹ,  tâm lý của quan chức hai chân giẫm lên 2 chiếc thuyền giống như bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ không yên định được nữa. Người nhà của bà rất có thể sẽ bị liên lụy, bị hủy bỏ quốc tịch Anh và đóng băng tài sản ở Anh. 

Ngày 31/10 năm nay, Chính phủ Anh phát biểu “Báo cáo nửa năm của Anh quốc”, nhấn mạnh cục diện Hồng Kông hiện nay cần dùng biện pháp chính trị giải quyết, các bên cần “tiến hành đối thoại có ý nghĩa”.

Ngoại trưởng Anh Quốc Dominic Raab cho biết, Anh quốc “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình tại Hồng Kông. Sự tự trị và pháp trị cao độ là đảm bảo cho tương lai phồn vinh và thành công của Hồng Kông, phía Trung Quốc gọi “Tuyên bố chung Trung – Anh” là văn kiện lịch sử “không thể chấp nhận”. 

Thời điểm nào Anh Quốc sẽ chính thức ra tay là điều rất đáng chú ý. Tuy nhiên đây có thể chỉ là vấn đề thời gian. 

Canada đang hành động

Hôm 29/11, tổ chức dân sự Hong Kong Watch (Theo dõi Hồng Kông) đã đăng bài viết trên truyền thông cho biết, 60 nghị viên liên đảng phái của Quốc hội Canada và các quan chức đã tham dự Hội thảo “Thời khắc quan trọng của Hồng Kông”. Đại bộ phận nghị viên Quốc hội đã tiếp nhận kiến nghị của người được tổ chức Hong Kong Watch ủy thác Aileen Calverley, đồng ý khởi động Luật Magnitsky, chế tài quan chức và cảnh sát Hồng Kông vi phạm nhân quyền đồng thời cũng yêu cầu cung cấp danh sách chế tài.

Đạo luật này được thiết lập là để kỷ niệm cái chết của kế toán người Nga Sergei Magnitsky. Năm 2009, sau khi ông tiết lộ về quan chức tham ô của Nga, ông đã bị giam cầm, bị cực hình và chết trong tù. Nội dung chế tài của bộ luật này bao gồm cấm nhập cảnh, đóng băng tài sản, cấm giao dịch tại Mỹ, v.v. 28 nước thuộc EU như Anh, Canada đều có phiên bản bộ luật này.

Nghị viên Quốc hội Ý sẽ đưa ra đề nghị vào tuần tới

Ngày 29/11, Hoàng Chi Phong thông qua truyền hình video để tham gia điều trần ngoại giao và nhân quyền tại Quốc hội Ý. Khi Hoàng Chi Phong nhắc đến việc công ty Ý cần chấm dứt bán trang thiết bị trấn áp cho cảnh sát Hồng Kông, hội trường đã vỗ tay tán thành. 

Hoàng Chi Phong cho biết, các nghị viên Quốc hội Ý đã cam kết, tuần sau sẽ đưa ra đề nghị trước Quốc hội, ủng hộ người dân Hồng Kông thực hiện bầu cử dân chủ, đồng thời cũng triển khai một cuộc tranh luận về vấn đề này trước Quốc hội. 

Nhật Bản yêu cầu Quốc hội thảo luận về đạo luật liên quan đến Hồng Kông phiên bản Nhật

Người Nhật Bản cũng đang cùng nhau ký tên, yêu cầu Quốc hội thảo luận về Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông phiên bản Nhật. Tính đến 17:00 ngày 28/11 (giờ địa phương), số người tham gia ký tên đã hơn 110.000 người. 

Người tham gia ký tên bao gồm các nghị viên ở nhiều cấp bậc khác nhau và người dân tại Tokyo, Osaka, Shizuoka, Fukuoka, Hokkaido. Những người phát động ký tên như Takatsugu Niki cho biết, mục đích là kêu gọi Chính phủ và người dân Nhật cũng như các nghị viên đương nhiệm cùng thảo luận về Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông phiên bản Nhật. 

Hà Lan đã ban lệnh

Trước khi ông Trump ký thông qua dự luật này, Quốc hội Hà Lan đã thông qua một chương trình nghị sự vào ngày 22/11. Yêu cầu Chính phủ phải thực thi Luật Magnitsky phiên bản Hà Lan trước ngày 31/1/2020, cấm chỉ những người Hồng Kông và Trung Quốc vi phạm nhân quyền nhập cảnh vào Hà Lan, đồng thời đóng băng tài sản của họ tại Hà Lan. 

Gần 10.000 người cùng nhau ký vào thư công khai

Ngoài những nước đã đề cập bên trên có các hành động được Mỹ ‘truyền cảm hứng’, trên toàn thế giới còn có gần 10.000 người cùng ký vào thư công khai hôm 29/11, lên án cách chấp pháp bạo lực của cảnh sát. Trong số những người ký tên, có khoảng 3.700 học giả các nước, còn có nhiều học giả cánh tả. 

Từ thư công khai được đăng tải trên trang web của Hong Kong Watch, có thể thấy rất nhiều học giả tên tuổi, bao gồm nhà lý thuyết nữ quyền Judith Butler, nhà tâm lý học thực nghiệm Steven Pinker, nhà triết học A. C.  Grayling, cha đẻ của ngôn ngữ học đương đại Noam Chomsky, v.v.

Chủ tịch tổ chức Hong Kong Watch, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng bảo thủ Anh Quốc Benedict Rogers cho biết, do cảnh sát đánh đập, ngược đãi, cưỡng hiếp đối với nhiều người biểu tình bị bắt giữ, cho nên người biểu tình buộc phải sử dụng “một số hành vi bạo lực” để đáp trả “bạo lực của cảnh sát”. 

Phương Tây cùng nhau vây ĐCSTQ

Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn cho biết, các nước phương Tây đã nhìn thấy sự thâm nhập và xói mòn của ĐCSTQ đối với thế giới tự do, họ cảm thấy bất an một cách sâu sắc, cũng đang thức tỉnh. Rất nhiều nước phương Tây đang nhìn xem Mỹ làm gì, họ sẽ làm theo, đặc biệt là đối mặt với ĐCSTQ, các nước phương Tây về cơ bản đã hình thành nhận thức chung. 

Đường Tĩnh viễn chỉ ra, sự đe dọa của ĐCSTQ đối với thế giới tự do đã ngày càng rõ ràng, hiện tại làn sóng chống ĐCSTQ mới chỉ là giai đoạn đầu, tương lai sẽ ngày càng lớn. Nếu các nước kết thành lưới vây thì mới là điều khiến ĐCSTQ sợ nhất. Vấn đề nan giải của ĐCSTQ càng nhiều, hy vọng của người Hồng Kông càng lớn, chỉ cần tiếp tục kiên trì, thì sẽ có ngày “quang phục Hồng Kông”. 

Trí Đạt

Xem thêm: