Nhiều hãng hàng không Châu Á đã cắt giảm các chuyến bay tới Hồng Kông trong vài tuần tới khi cảnh sát ngày càng gia tăng trấn áp biểu tình bằng bạo lực, theo Reuters đưa tin.

EJnL0KlVAAMWPpm
(Ảnh: Apple Daily)

Reuters dẫn thông tin từ Routes Online cho biết lịch trình bay mới cập nhật cho thấy một loạt các hãng hàng không Châu Á quyết định cắt giảm chuyến bay tới Hồng Kông, trong đó có Garuda của Indonesia, SpiceJet của Ấn Độ, AirAsia Group của Malaysia, Jeju Air và Jin Air của Hàn Quốc và PAL Holdings, Cebu Air của Philippines.

Hôm Chủ Nhật (17/11), Cảng vụ Hàng không Hồng Kông thông báo rằng số lượng hành khách trong tháng Mười giảm 13% và số chuyến bay đến và đi Hồng Kông giảm 6,1% – mức giảm sâu nhất kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát tại trung tâm tài chính Châu Á này. Cảng vụ cho biết số khách du lịch tăng lên chủ yếu là do họ sử dụng Hồng Kông là điểm quá cảnh, chứ không phải đích đến.

Hôm thứ Hai (18/11), Routes Online chỉ ra rằng hãng hàng không Garuda của Indonesia đã giảm các chuyến bay hàng tuần tới Hồng Kông từ 21 chuyến xuống còn 4 chuyến cho tới giữa tháng Mười Hai; SpiceJet của Ấn Độ đã đình chỉ chuyến bay Mumbai-Hồng Kông cho tới 15/1/2020 và AirAsia đã cắt giảm các chuyến bay từ  Kuala Lumpur và Kota Kinabalu tới Hồng Kông trong tháng Mười Hai và tháng Một.

Garuda và SpiceJet không trả lời Reuters về lý do cắt giảm chuyến bay tới Hồng Kông. Trong khi, AirAsia nói rằng số lượng hành khách đã giảm hơn so với các tháng trước và cần phải điều chỉnh số chuyến bay cho phù hợp.

Một phát ngôn viên của hãng hàng không PAL Holdings của Philippines nói rằng hãng này đang sử dụng các loại máy bay nhỏ hơn thông thường cho các chuyến bay tới Hồng Kông vì nhiều hành khách đang hoãn chuyến vì lý do an toàn. Hãng này cũng cắt giảm các chuyến bay hàng ngày từ Manila tới Hồng Kông từ 5 chuyến xuống 4 chuyến.

Một phát ngôn viên của Cebu Air cho biết hãng hàng không giá rẻ này đã cắt các chuyến bay từ Cebu và Clark tới Hồng Kông cho tới tháng Mười Hai và tháng Một năm sau vì ít nhu cầu. Tuy nhiên, hãng hàng không này vẫn sẽ tổ chức khai trương chuyến bay Puerto Princesa-Hong Kong vào Chủ Nhật tới.

Một phát ngôn viên của Jeju Air cho biết hãng hàng không giá rẻ này đã giảm các chuyến bay hàng ngày từ Seoul tới Hồng Kông từ 2 xuống còn 1 chuyến cho tới 17/12 vì nhu cầu giảm. Trong khi đó, đối thủ của Jeju Air là Jin Air nói rằng họ đã đình chỉ các chuyến bay Seoul-Hồng Kông cho tới 24/12.

Tuần trước, hãng hàng không lớn nhất Hồng Kông, Cathay Pacific cho biết viễn cảnh kinh doanh của họ đang gặp “thách thức và không chắc chắn”. Hãng này cũng giảm công suất bay và hủy 4 chuyến bay vì nhu cầu giảm.

Các hãng hàng không của Trung Quốc Đại Lục cũng thông báo nhu cầu bay đối với các chuyến bay thường xuyên trong khu vực vào tháng Chín và Mười đã giảm hai chữ số do ảnh hưởng của biểu tình Hồng Kông và hạn chế di trú tới Đài Loan.

Routers online hôm 18/11 cho biết nhiều hãng hàng không Trung Quốc Đại Lục, trong đó có Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đã nộp đơn xin giảm công suất các chuyến bay tới Hồng Kông từ cuối tháng Mười.

Reuters cho biết họ đã liên hệ với các hãng hàng không của Đại Lục nêu trên để tìm hiểu thêm thông tin, nhưng không nhận được phản hồi.

Các hãng hàng không khắp Châu Á cắt giảm, đình chỉ các chuyến bay tới Hồng Kông đến vào thời điểm cảnh sát của Đặc khu đang gia tăng trấn áp người biểu tình bằng bạo lực và vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ người biểu tình, chủ yếu là sinh viên. Hôm thứ Hai (18/11), cảnh sát Hồng Kông đã xịt khí gas vào người biểu tình khi họ đang cố gắng trốn chạy khỏi khuôn viên một trường đại học đang bị cảnh sát bao vây.

Theo Epoch Times Hồng Kông, khoảng 5:30 sáng thứ Hai (18/11), cảnh sát chống bạo động bất ngờ đột nhập vào khuôn viên trường Đại học Bách khoa Hồng Kông và xảy ra xung đột kịch liệt với những người còn trụ lại bên trong để bảo vệ trường. Trường học biến thành biển lửa, nhưng ngay lập tức sau đó cảnh sát phủ nhận việc tấn công vào trường.

Theo thông tin từ hiện trường, cảnh sát từng tấn công vào khu vực điều trị y tế đồng thời cũng là nơi lánh nạn, có người bị thương và nhân viên y tế bị bắt, hiện trường còn lưu lại nhiều vết máu và huyết thư viết tay.

Bạo lực tại trường Đại học Bách khoa Hồng Kông đã bùng phát từ chiều Chủ Nhật (17/11). Thời điểm đó, chính phủ Mỹ đã lên án cảnh sát “sử dụng vũ lực phi lý” tại Hồng Kông và kêu gọi Bắc Kinh hãy bảo vệ tự do của Hồng Kông.

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump hôm 17/11 nói rằng: “Chúng tôi lên án việc sử dụng vũ lực phi lý và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế bạo lực và tham gia vào đối thoại mang tính xây dựng.”

Như Tổng thống [Trump] đã từng nói, Mỹ hy vọng Bắc Kinh tôn trọng những cam kết của họ trong Tuyên bố chung Trung – Anh [1984] và bảo vệ tự do, hệ thống pháp luật và lối sống dân chủ của Hồng Kông,” vị quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Như Ngọc

Xem thêm: