Một đội ngũ các chuyên gia Y tế của Tổ chức Y tế thế giới được tuyên bố là đã tới thủ đô Trung Quốc để điều tra về virus corona mới, tuy nhiên đến nay  không có mấy tin tức của những người này được phát đi từ cả WHO và chính quyền Trung Quốc. 

Embed from Getty Images

WHO cho hay tuần trước 2 chuyên gia của họ, bao gồm một chuyên gia về thú y và một nhà dịch tễ học, đã bắt đầu làm việc tại Bắc Kinh từ thứ Bảy, nhưng tới nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào khác về tên của 2 chuyên gia này, lịch trình đi lại và hạng mục công việc của họ tại Trung Quốc, theo SCMP. 

Chính quyền Trung Quốc không có bất kỳ tuyên bố nào về 2 chuyên gia của WHO, truyền thông Trung Quốc cũng không đưa tin về chuyến viếng thăm này. Ngoài ra, chưa có một tổ chức nào của Trung Quốc, bao gồm cả Trung Tâm phòng Chống dịch bệnh (CDC) xác nhận rằng họ đã hoặc sẽ làm việc với các chuyên gia ngoại quốc này. 

Theo báo AP, hai chuyên gia này đã ở Bắc Kinh trong 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật tuần qua. 

Nhiệm vụ của họ là làm việc với các quan chức y tế Trung Quốc cũng như các nhà khoa học để chuẩn bị cho việc lập một lực lượng đặc nhiệm chống đại dịch lớn hơn do WHO dẫn đầu, ở một thời điểm chưa được tiết lộ. 

Nhiệm vụ này được ngoại giới coi là một nỗ lực mới của WHO nhằm tăng cường minh bạch và hợp tác trong việc điều tra nguồn gốc của virus corona mới, trong bối cảnh tổ chức này và Trung Quốc bị cáo buộc rộng khắp là câu kết với nhau che giấu dịch bệnh.

Hiện chưa có điều tra nào xác định chính xác nguồn gốc của dịch bệnh, và việc này đang chìm ngập trong cách tranh cãi chính trị. 

Một số quan chức cao cấp trong chính quyền Trump đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch, thậm chí có một số người đưa ra nghi ngờ rằng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Quan chức Trung Quốc thì bảo vệ chiến dịch chống dịch của mình từ ban đầu, và nói đầy ngụ ý rằng dịch bệnh bị phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc không nhất định nghĩa là virus có nguồn gốc Trung Quốc. 

Hoa Kỳ, quốc gia trợ cấp nhiều nhất cho WHO đã cất lực chỉ trích những thất bại và đánh giá sai lệch của tổ chức này dẫn đến việc đại dịch lọt khỏi tầm kiểm soát. Hôm thứ Hai, Mỹ đã chính thức hóa quyết định rút khỏi WHO (sẽ hoàn tất vào năm 2021) vì các quan ngại rằng tổ chức này đã hoàn toàn cúi đầu trước Trung Quốc. 

David Fidler, một học giả luật và chuyên gia về y tế quốc tế, ngường từng cố vấn cho WHO, nói rằng việc Mỹ rút khỏi tổ chức này khiến họ gặp khó hơn trong việc đàm phán các điều khoản làm việc tại Trung Quốc. 

Không có Mỹ ủng hộ WHO, WHO không còn trọng lượng gì ở Trung Quốc. Họ đang ở một thế khó khi không biết phải nhảy theo điệu nhạc mà ĐCS Trung Quốc muốn họ nhảy như thế nào”, Fidler nói. 

Tuy nhiên, Wang Yiwei, giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế và Trung Tâm nghiên cứu Châu Âu tại Đại học Nhân Dân (Trung Quốc) nói rằng việc Mỹ rút đi sẽ thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa của Trung Quốc trong WHO. 

Khi Mỹ rút đi, người ta kỳ vọng ở Trung Quốc nhiều hơn, về cuộc điều tra nguồn gốc virus, phát minh ra vaccine, và hợp tác để chống lại virus”, Wang nói. 

WHO đã chuẩn bị cho chuyến công tác điều tra tại Trung Quốc từ tháng Năm, sau khi Hội đồng Y tế TG nhất trí thông qua một nghị quyết yêu cầu tiến hành điều tra độc lập về nguồn gốc của virus. Trung Quốc cũng bỏ phiếu thuận đối với nghị quyết này, tuy nhiên, chưa rõ lý do cụ thể tại sao đến nay WHO mới có thể gửi hai nhân viên của mình tới Bắc Kinh. 

Yangzhong Huang, nghiên cứu gia cấp cao về giám sát y tế thế giới, làm việc tại Hội đồng Đối ngoại (Mỹ) nói rằng một cuộc điều tra minh bạch sẽ giúp WHO có cơ hội cứu vớt uy tín của mình và “thể hiện rằng họ là một nhân tố trung lập trong vấn đề quản lý y tế thế giới”. 

Nhưng các yếu tố của phái đoàn WHO, như nơi nào họ tới thăm, kế hoạch điều tra là gì, tất cả đều sẽ phải đàm phán”, ông Huang nói thêm, ông cho biết thậm chí cả bình luận của WHO tuần trước rằng điểm bắt đầu của cuộc điều tra sẽ là Vũ Hán cũng sẽ phải đưa ra đàm phán hoặc do phía Trung Quốc quyết định. 

Một số nhà quan sát quốc tế cho rằng cuộc điều tra này phụ thuộc nhiều vào việc đội ngũ của WHO được tiếp cận bao nhiêu tới các dữ liệu thực tế và được phép hoạt động ở quy mô đến đâu, bao gồm cả giả thiết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm. 

Daniel Lucey, chuyên gia về dịch bệnh và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y tế Georgetown nói rằng đội ngũ của WHO sẽ phải “đánh giá đầy đủ giả thiết này”. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuần trước loan báo việc Trung Quốc mời các chuyên gia WHO tới để “thảo luận về nguồn gốc khoa học của virus” là “đóng góp của Trung Quốc đối với sự hợp tác y tế toàn cầu với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm”. Tuy nhiên ông cũng khẳng định không chỉ Trung Quốc mà cả thế giới cũng phải bị điều tra, bao gồm cả Mỹ. 

Ông Huang từ Hội đồng Đối Ngoại, nói rằng Trung Quốc cũng có động cơ để cởi mở về cuộc điều tra, bởi vì nó có thể là một cách để thúc đẩy vị thế lãnh đạo y tế toàn cầu của nước này sau khi Mỹ rút đi. 

Nếu mục đích là để cho thấy họ sẵn sàng hợp tác, rồi đến khi thực hiện họ lại không hợp tác lắm thì nó sẽ làm xấu hình ảnh của Trung Quốc”, ông Huang nói. 

Trần Minh

Xem thêm: