Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm thứ Hai 9/3 (giờ địa phương) thông báo Bộ trưởng văn hóa Franck Riester đã nhiễm virus corona Vũ Hán.

Embed from Getty Images

Trao đổi với kênh truyền hình BFM hôm 9/3, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran nói rằng ông Franck Riester hiện trong điều kiện sức khỏe ổn định và đang nghỉ ngơi tại nhà.

Trước đó, truyền thông Pháp cũng thông tin 5 nghị sĩ quốc hội nước này đã nhiễm virus corona chủng mới (nCoV). Một số hoặc tất cả 5 nghị sĩ này có thể đã nhiễm bệnh trong nhà ăn của Quốc hội, nơi có một nhân viên đã bị viêm phổi Vũ Hán (WHO gọi là COVID-19).

Reuters dẫn nguồn tin từ bộ văn hóa Pháp cho biết Bộ trưởng Franck Riester có thể đã nhiễm virus corona từ một trong 5 thành viên quốc hội. Nguồn tin này nói thêm rằng lần gần nhất ông Riester gặp trực tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là vài ngày trước.

Bộ trưởng Y tế Veran thông tin thêm rằng chưa có quan chức nào khác trong chính phủ Pháp nhiễm nCoV. Ông Veran cho biết các đồng nghiệp trong Nội các đã đang tuân thủ theo các khuyến nghị mà họ đã ban hành hướng dẫn công chúng.

Trong hai tuần qua, tại các cuộc họp Nội các, mọi người đều không bắt tay nhau”, ông Veran.

Tính đến hết ngày 9/3, Pháp đã có 1.412 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán, số ca tử vong đã lên 30. Chính phủ Pháp hiện đã ra lệnh cấm tổ chức các sự kiện có trên 1.000 người, huỷ bỏ nhiều buổi trình diễn nghệ thuật, hạn chế người đến tham quan bảo tàng Louvre (Paris).

Trong khi đó, “ổ dịch” viêm phổi Vũ Hán lớn nhất tại Châu Âu đang nằm tại Ý. Ý đã vượt xa Hàn Quốc và trở thành nước có số ca nhiễm đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc Đại lục. Trong 24 giờ qua, Ý có thêm tới gần 1.800 ca nhiễm mới và 97 ca tử vong mới, con số cao nhất kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.172 ca và tổng số ca tử vong lên 463 ca, tỷ lệ tử vong hiện là 5,4%, cao nhất thế giới.

Ý đã thông báo mở rộng phong tỏa đối với di chuyển cá nhân và các hoạt động tụ tập công cộng ra phạm vi cả nước, tác động đến hơn 60 triệu người – quy mô tương đương với tâm dịch tỉnh Hồ Bắc.

Pháp cùng với Tây Ban Nha và Đức (đã có 2 ca tử vong đầu tiên) là ba “ổ dịch” khác tại Châu Âu. Cả ba nước này đều đã có số lượng ca nhiễm vượt quá 1.000 ca. Nguy cơ xảy ra tình trạng tương tự như Ý đang hiện hữu trước mắt với 3 quốc gia này.

Như Ngọc

Xem thêm: