Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm thứ Bảy (2/6) đã phê bình gay gắt việc chính quyền Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa chuỗi đảo trên biển Đông. Ông Mattis gọi sự hiện diện mới của các khí tài quân sự và tên lửa hiện đại của chế độ Bắc Kinh rõ ràng là sự phô trương sức mạnh quân sự và tuyên bố rằng Mỹ không có ý định từ bỏ vai trò của mình trong khu vực, sẽ tăng cường hỗ trợ các đồng minh để đối phó với các mối đe dọa mới trong thế kỷ 21.

Mattis in Shangri La
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La sáng thứ Bảy (2/6). (Ảnh qua YouTube)

Theo New York Times, trong phiên thảo luận toàn thể Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh khu vực vào sáng thứ Bảy (2/6), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho hay:  “Bất chấp những tuyên bố của Trung Quốc là trái ngược, thì việc lắp đặt các hệ thống vũ khí này là hướng trực tiếp tới nhu cầu quân sự nhằm mục đích đe dọa và áp bức”.

Ông Mattis thừa nhận rằng với Trung Quốc, Mỹ sẽ vừa hợp tác và cạnh tranh. “Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc sẽ đối mặt với một loạt các thách thức và cơ hội trong những năm tới, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các lựa chọn của Trung Quốc nếu họ thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các bên trong khu vực năng động này”, CNN dẫn lời ông Mattis.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh các hoạt động của chế độ Bắc Kinh là “trái hoàn toàn với sự cởi mở mà chiến lược của chúng tôi thúc đẩy” và ông Mattis đặt dấu hỏi về “những mục tiêu rộng lớn hơn của chính quyền Trung Quốc” khi họ tiến hành quân sự hóa biển Đông mạnh mẽ thời gian gần đây.

Được biết, hiện tại Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Indonesnia, Philippines và Brunei đều tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Các nước có yêu sách chủ quyền cho dù cũng xây dựng cơ sở quân sự và bồi đắp các đảo nhân tạo, nhưng không nước nào sánh được với quy mô và tham vọng của Bắc Kinh khi chế độ này mở rộng hàng trăm dặm về phía nam và phía đông tính từ đảo Hải Nam – cực nam của Trung Quốc.

Theo CNN, vào tháng Năm vừa qua quân đội Trung Quốc đã lần đầu tiên cho oanh tạc cơ H-6K diễn tập ném bom vào các mục tiêu giả định trên biển sau khi cất cánh từ một đảo Trung Quốc đang kiểm soát trên Hoàng Sa.

Nhiều tuần trước đó, Reuters dẫn theo thông tin từ tình báo Mỹ loan báo rằng có khả năng cao Bắc Kinh đã triển khai các tên lửa chống hạm và phòng không trên các đảo nhân tạo họ chiếm đóng ở Trường Sa.

Hôm Chủ Nhật tuần trước (27/5), hai tàu chiến Mỹ đã thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” trên biển Đông, gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát tại Hoàng Sa. Chế độ Bắc Kinh, yêu sách hầu hết biển Đông, đã phát đi tuyên bố Mỹ đi vào lãnh hải Trung Quốc mà không xin phép.

Lực lượng Mỹ hoạt động tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trên cơ sở hàng ngày, trong đó bao gồm cả biển Đông. Tất cả các hoạt động được thực hiện đều tuân thủ luật pháp quốc tế và bày tỏ rằng Mỹ sẽ bay, đi thuyền và hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”, phát ngôn viên Chris Logan của Bộ Quốc phòng Mỹ phát đi tuyên bố gửi Fox News.

Chúng tôi thực hiện Hoạt động Tự do Hàng hải theo thông lệ và thường xuyên như chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục tiến hành trong tương lai”, ông Chris Logan khẳng định.

Trong Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng James Mattis nhắc lại cam kết của Mỹ sẽ hỗ trợ các đồng minh khu vực đối phó với việc Trung Quốc bành trướng nhanh chóng trên biển Đông, cũng như mối đe dọa từ Bắc Hàn.

Chúng tôi tập trung vào hiện đại hóa liên minh với cả Hàn Quốc và Nhật Bản, chuyển đổi những đồng minh quan trọng này nhằm đáp ứng các thách thức trong thế kỷ 21”, Tướng Mattis nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan cả về quân sự và các trợ giúp khác để hòn đảo tự trị này bảo vệ lãnh thổ của mình trước mối đe dọa xâm lược từ Bắc Kinh.

Chắc chắn rằng: Mỹ là ở đây tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đây là khu vực ưu tiên của chúng tôi”, ông Mattis khẳng định.

Theo CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Úc cũng đã dấy lên vấn đề biển Đông trong một phiên hỏi đáp tại Đối thoại Shangri-La. Tuy nhiên CNN không đưa thông tin cụ thể về các phát biểu này.

Trung Quốc chỉ cử một phái đoàn quan chức cấp thấp tới dự Đối thoại Shangri-La năm nay. Chế độ Bắc Kinh trước nay vẫn tuyên bố hành động của họ trên biển Đông là hoàn toàn hòa bình và nhằm bảo vệ công dân và các lợi ích thương mại của họ.

Hùng Cường (T/h)

Xem thêm: