Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã thông báo sơ bộ với Quốc hội về một báo cáo trình bày phương án giảm thiểu sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

Mỏ đất hiếm ở Bayan Obo. Bayan Obo là một thị trấn khai khoáng ở Nội Mông, Trung Quốc. Mỏ phía bắc thị trấn là mỏ đất hiếm lớn nhất được tìm thấy trên thế giới. (Ảnh: Bert van Dijk/Getty Images)

Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ không cung cấp chi tiết về báo cáo nêu trên, nhưng cơ quan này cho biết tài liệu mà họ trình Quốc hội gắn với một chương trình liên bang được lập ra để thúc đẩy khả năng sản xuất đất hiếm ở trong nước thông qua các khuyến khích kinh tế phù hợp.

Khoáng sản đất hiếm là tập hợp của 17 nguyên tố hóa học được sử dụng làm nguyên liệu của hàng loạt các sản phẩm tiêu dùng từ điện thoại iPhone tới động cơ xe điện, cũng như động cơ phản lực quân sự, vệ tinh và thiết bị laser.

Mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã đang làm bùng phát các quan ngại từ Washington về việc Bắc Kinh có thể sử dụng vai trò nhà cung cấp đất hiếm chủ lực của thế giới làm đòn bẩy trong thương chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo Reuters, từ năm 2004 tới 2017, Trung Quốc chiếm tới 80% khối lượng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ.

Hiện nay, rất ít nhà cung cấp thay thế khác có khả năng cạnh tranh được với Trung Quốc. Chế độ Bắc Kinh nắm giữ 37% trữ lượng đất hiếm toàn cầu.

Mỏ khai khoáng Moutain Pass tại California là cơ sở sản xuất đất hiếm duy nhất đang hoạt động tại Mỹ. Tuy nhiên, MP Materials – chủ sở hữu của mỏ Mountain Pass – vận chuyển khoảng 50.000 tấn đất hiếm khai thác được hàng năm sang Trung Quốc để chế biến. Trong thương chiến Mỹ – Trung, Trung Quốc đang áp đặt thuế nhập khẩu 25% lên sản phẩm khoáng sản này.

Trao đổi với Reuters về vấn đề đất hiếm, Trung tá Mike Andrews – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay: “Bộ tiếp tục làm việc chặt chẽ với tổng thống, Quốc hội và ngành công nghiệp để giảm thiểu sự phụ thuộc của Mỹ vào khoáng sản đất hiếm Trung Quốc.”

Ông Mike Andrews nói rằng Bộ Quốc phòng gần đây đã hoàn thành báo cáo khoáng sản đất hiếm theo Đạo luật Sản phẩm Quốc phòng III và đã thông báo sơ bộ với Quốc hội Mỹ về báo cáo này.

Theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, chương trình Đạo luật Sản phẩm Quốc phòng III được lập ra “để tạo ra, duy trì, bảo vệ, mở rộng hoặc khôi phục năng lực cơ sở công nghiệp trong nước.”

Trang web cũng lưu ý rằng chương trình này cho phép tổng thống Mỹ “quyền lực mở rộng để đảm bảo cung cấp kịp thời các nguồn lực công nghiệp nội địa thiết yếu nhằm hỗ trợ các yêu cầu quốc phòng và an ninh nội địa thông qua việc sử dụng các khuyến khích kinh tế phù hợp.”

Theo một báo cáo 2016 của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ của quốc hội, Bộ Quốc phòng đang chiếm khoảng 1% nhu cầu đất hiếm của Mỹ. Trong khi, Mỹ chiếm khoảng 9% nhu cầu đất hiếm toàn cầu.

Các công ty như Raytheon Co, Lokheed Martin Corp và BAE Systems Plc đều sản xuất các loại tên lửa phức tạp sử dụng đất hiếm trong các hệ thống định hướng và cảm biến.

Một số khoáng sản đất hiếm đóng vai trò thiết yếu trong các thiết bị quân sự như động cơ phản lực, hệ thống dẫn đường tên lửa, hệ thống phòng thủ chống tên lửa và vệ tinh, cũng như các thiết bị laser. Chẳng hạn, một loại khoáng sản đất hiếm có tên Lanthanum là nguyên liệu cần thiết để sản xuất các thiết bị nhìn trong bóng đêm.

Mặc dù cho tới nay chính quyền Trung Quốc chưa tuyên bố rõ họ sẽ hạn chế bán đất hiếm cho Mỹ, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã mạnh mẽ ám chỉ điều này sẽ xảy ra.

Trong một bài bình luận phát hành mới đây với tiêu đề “Mỹ, đừng đánh giá thấp khả năng phản công của Trung Quốc”, tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã nhấn mạnh về sự phụ thuộc “không thoải mái” của Mỹ vào đất hiếm Trung Quốc.

“Đất hiếm sẽ trở thành vũ khí đối trọng để Trung Quốc đáp trả áp lực mà Mỹ đã đặt ra mà không có lý do nào cả?  Câu trả lời là không có gì bí ẩn,” Nhân dân Nhật báo nói.

Như Ngọc