Theo nhật báo Wall Street Journal, Bộ Tài chính Mỹ đang lên kế hoạch dùng luật an ninh quốc gia trong trường hợp khẩn cấp để chặn các công ty Trung Quốc muốn có được công nghệ tiên tiến của Mỹ. Đây là một phần trong chiến lược của chính quyền Donald Trump nhằm ngăn cản nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chiếm ưu thế về kinh tế và quân sự đối với Hoa Kỳ. 

qualcomm
Qualcomm Incorporated là một công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ chuyên thiết kế và tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ viễn thông không dây, có trụ sở tại San Diego, California, Mỹ

Tờ WSJ, dẫn nguồn một số quan chức giấu tên, nói rằng các biện pháp pháp lý mà Tổng thống Trump đang cân nhắc bao gồm có Đạo luật Sức mạnh Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế 1977 (IEEPA). Đạo luật này trao cho Tổng thống quyền hành động trong trường hợp “xảy ra mối đe dọa đặc biệt và khác thường”. Luật này từng được áp dụng sau sự kiện tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 để áp đặt chế tài nên nhiều quốc gia và các nhà quan sát cho hay nhánh tư pháp đã không thách thức việc sử dụng Đạo luật này của Tổng thống.  

Gary Hufbauer, chuyên gia luật thương mại tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Peterson, trong một báo cáo nói rằng chiến lược dùng luật có thể cho phép Tổng thống Trump “rảnh tay giải quyết quan ngại của chính quyền về hoạt động thương mại và đầu tư của Trung Quốc”.

Kế hoạch siết chặt hoạt động đầu tư của Trung Quốc sẽ bổ sung cho cả các quy định kiểm soát hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hiện hành và kế hoạch tăng cường an ninh quốc gia của Quốc hội.

Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế lên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ để trừng phạt việc Trung Quốc ăn cắp công nghệ và tác quyền của người Mỹ. Danh sách các sản phẩm bị đánh thuế của Trung Quốc, ngoài thép và nhôm, sẽ được công bố trong tuần này. Dự kiến nhiều sản phẩm công nghệ của Trung Quốc sẽ nằm trong danh sách bị đánh thuế, theo Reuters.

Theo WSJ, một quan chức chính quyền Mỹ cho hay Bộ Ngân khố đã làm việc đối với hoạt động đầu tư tại Trung Quốc trong vài tháng nay. Phía Mỹ cho rằng các quy định về đầu tư của Bắc Kinh là không công bằng với Mỹ và Trung Quốc đã đảo ngược một số tiến bộ đạt được khi cải cách tự do hóa nền kinh tế. Các quy định về cấp giấy phép kinh doanh, hoạt động trợ cấp tài chính cho các công ty nhà nước và việc gây áp lực cho các công ty Mỹ đòi hỏi chuyển giao công nghệ đang gây thiệt hại ngày càng lớn cho doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc.

“Mỹ đã hy vọng Trung Quốc có thể phát triển trở thành một đối tác công bằng, đối ứng, định hướng thị trường đối với hoạt động thương mại và đầu tư”, Thứ trưởng Bộ Ngân Khố David Malpass nói tại Hiệp hội Chính sách Nước ngoài hồi tháng này.

“Nhưng thay vào đó, việc tự do hóa thị trường của Trung Quốc đã bị đình trệ và thậm chí là đảo ngược, với vai trò của nhà nước ngày càng tăng”, ông Malpass nói.

Để gây áp lực yêu cầu Trung Quốc thay đổi, Mỹ sẽ ngăn chặn việc Trung Quốc muốn có được cái mà quan chức Mỹ gọi là “cốt lõi của các công nghệ quan trọng” và “công nghệ trọng yếu”. Ông Trump đã ra lệnh cho Bộ Ngân khố có 60 ngày để đệ trình kế hoạch này.

Mặc dù nguyên nhân căn bản của việc giới hạn đầu tư là vì Trung Quốc không hành động trên nguyên tắc “có đi có lại”, vị quan chức Mỹ nói rằng phía Mỹ sẽ không đáp trả Trung Quốc theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Ví dụ, Trung Quốc yêu cầu công ty Mỹ phải lập liên doanh với Trung Quốc để được kinh doanh ở đây,  tuy nhiên Mỹ sẽ không đưa ra yêu cầu như vậy đối với công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Biện pháp của Mỹ sẽ là áp đặt một loạt các giới hạn đối với các biện pháp của Trung Quốc nhằm chiếm được công nghệ của Mỹ, trong đó bao gồm mua lại, lập liên doanh, cấp phép hay các biện pháp khác.

Theo WSJ, một ủy ban bí mật mang tên CFIUS đã được thành lập nhằm trải đường cho Tổng thống Trump để ngăn chặn các thỏa thuận với nước ngoài với lý do an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, bất chấp việc Mỹ khơi mào căng thẳng thương mại bằng việc áp thuế và Trung Quốc cũng đã tuyên bố đáp trả, hai bên âm thầm tiến hành đàm phán đằng sau cánh gà. Nếu các cuộc đàm phán này cho ra kết quả, rất có thể nhiều nhiều biện pháp giới hạn được nói ở trên sẽ không cần áp dụng – hoặc chỉ một vài trong số đó là cần thiết, quan chức Mỹ nói.

Trong một cuộc phỏng vấn, chuyên gia luật Hufbauer nói rằng ông lo ngại Mỹ sẽ định nghĩ các ngành công nghệ quan trọng “quá rộng” và điều đó sẽ làm tổn hại việc đầu tư vào Mỹ. Ông quan ngại chính sách này sẽ được tiến hành “tới mức mà sẽ hạn chế quá lớn đầu tư hai chiều Mỹ-Trung. Nó sẽ khiến Trung Quốc gia tăng đầu tư vào các công ty Nhật và Châu Âu (chứ không phải Mỹ). Đây là việc tàn phá quá mức”.

Myron Brilliant, phó chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ, người đã liên tục cảnh báo về các hoạt động giao thương và tham vọng công nghệ của Trung Quốc, nói rằng việc quan trọng là phải giải quyết được chính sách của Bắc Kinh mà “trợ cấp các công ty Trung Quốc đồng thời làm hại công ty Mỹ trong khi làm ăn tại Trung Quốc”. Nhưng ông cũng cảnh báo về trường hợp đi quá xa.

Quan trọng là chúng ta phải thừa nhận nhu cầu thỏa luận mang tính xây dựng với Trung Quốc, bởi vì quan hệ kinh tế giữa hai nước là quá lớn để đổ vỡ”, ông Brilliant nói. 

Bộ Ngân khố cũng sẽ phải tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề gai góc trong khi xây dựng các quy định này. Chỉ vấn đề xác định bao nhiêu phần trăm vốn sở hữu thì được coi là “công ty nhà nước” đã là vấn đề khó khăn, cũng như xác định công nghệ nào thì không bị hạn chế. Trong một số trường hợp, chính các công ty Mỹ phải phụ thuộc vào phía Trung Quốc trong khía cạnh sáng tạo đổi mới, đặc biệt là ngành sản xuất.

Năm 2015, một báo cáo của chính phủ Trung Quốc mang tên “Sản suất tại Trung Quốc 2025” đã khiến phía Mỹ chú ý. Báo cáo này là một bản thiết kế thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong việc trở thành cường quốc số một thế giới trong một số lĩnh vực công nghệ, trong đó có robot, vật liệu bán dẫn và xe điện. Nhưng đây cũng chỉ là một bản kế hoạch được đưa ra bởi chính phủ của một nước liên tục đề xuất các kế hoạch 5 năm mang tính hình thức.

Mỹ cũng đang quan sát các động thái từ phía Trung Quốc để cân nhắc đưa kế hoạch ngăn chặn vào thực tiễn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục tuyên bố Trung Quốc phải hành xử theo nguyên tắc “có đi có lại”. Theo Reuters, một danh sách các yêu cầu, trong đó có yêu cầu Trung Quốc giảm thuế cho nhiều mặt hàng của Mỹ, đã được gửi tới Bắc Kinh. Ông Trump đã từng chỉ trích việc Mỹ áp thuế 25% lên xe ô-tô nhập khẩu của Mỹ, so với việc Mỹ chỉ áp 2,5% thuế nhập khẩu xe của Trung Quốc.

“Thế giới là có đi có lại”, ông Trump nói trong buổi công bố các chính sách giới hạn đầu tư và thuế tại Nhà Trắng. “Một số người gọi đó là thuế phản chiếu. Nếu họ đánh thuế chúng ta, chúng ta cũng đánh thuế lại họ cũng như thế”.

Trọng Đức

Xem thêm: