Ngày 25/3 vừa qua, tạp chí nhân quyền của Ý, Bitter Winter, đăng tải bài viết đưa ra các cơ sở pháp lý cho việc các luật sư phương Tây khởi kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc vì hành vi che giấu dịch bệnh virus COVID-19, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho thế giới.

Cơ sở pháp lý của việc kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra đại dịch virus
Tòa án Quốc tế trực thuộc Liên Hợp Quốc (Ảnh: Wikipedia)

Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc hay Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể, và cần bị kiện vì gây ra tổn hại kinh tế nghiêm trọng cho thế giới, tạp chí Bitter Winter dẫn một nghiên cứu của nhà luật học Mỹ James Kraska. Theo đó, năm 2003, sau khi 28 quốc gia trên thế giới trải qua dịch SARS với 774 người tử vong, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu chú ý đến việc tổn thất đã có thể ít hơn nếu chính quyền Trung Quốc không che giấu đại dịch này trong vài tuần kể từ khi nó xuất hiện. Từ đó, Quy định Y tế Quốc tế (International Health Regulations) của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã được thông qua, áp dụng kể từ năm 2005, có hiệu lực pháp lý đối với tất cả các thành viên của WHO, bao gồm cả Trung Quốc. Quy định này đề cập đến SARS, và các dịch bệnh “gây ra do các chủng mới bắt nguồn từ nó” (như COVID-19), và buộc các nước thành viên phải chia sẻ thông tin liên quan tới WHO “trong vòng 24 giờ”.

Mặc dù Trung Quốc có sử dụng quyền lực chính trị nhằm kiểm soát phát ngôn của các lãnh đạo WHO, thì rõ ràng quy định này đã bị vi phạm. Câu chuyện của bác sĩ Lý Văn Lượng cũng như các bác sĩ khác tại Vũ Hán đã cho thấy rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc không muốn thông tin virus COVID-19 bùng phát lọt ra quốc tế. Những người dám để lộ thông tin này sẽ bị đe dọa, bị buộc phải kiểm điểm, thậm chí có thể bị bỏ tù. Việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc che giấu thông tin trong nhiều tuần trong nội bộ đất nước lẫn đối với quốc tế đã gây ra hậu quả là có thêm hàng ngàn người thiệt mạng.

Việc tuyên bố một thành viên Liên Hợp Quốc nào phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với đại dịch là không khó. Tuy nhiên, theo Bitter Winter, vấn đề đối với luật pháp quốc tế nằm ở việc cấm vận. Tuyên bố cấm vận một quốc gia là không dễ. Để giải quyết vấn đề này, Liên Hợp Quốc đã thiết lập Ủy ban Luật pháp Quốc tế (International Law Commission) vào năm 1947.

Ủy ban Luật pháp Quốc tế đã công bố Dự thảo về Trách nhiệm của Quốc gia đối với Hành vi Sai trái với Quốc tế (Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts) vào năm 2001. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra vấn đề đối với văn bản này: văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, nhưng không ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, án lệ của Tòa án Quốc tế (International Court of Justice) trực thuộc Liên Hợp Quốc lại cho thấy một thực tế khác.

Tòa án Quốc tế đã sử dụng Dự thảo nói trên và các văn bản của Ủy ban Luật pháp Quốc tế để diễn giải luật quốc tế. Điều 34 của Dự thảo nói rằng nếu một quốc gia cố tình làm trái trách nhiệm quốc tế thì quốc gia đó có bổn phận phải chịu trách nhiệm với “toàn bộ tổn thương gây ra do hành vi sai trái với quốc tế”, bằng hình thức “hoàn trả, bồi thường, và làm hài lòng” bên tổn thương.

Điều 39 của Dự thảo cũng xác định: “Trong việc xác định bồi thường, các bên có trách nhiệm bồi thường bao gồm các bên góp phần tạo ra thương tổn, dù do cố tình, thờ ơ, hay bỏ sót bên thương tổn là quốc gia, tổ chức hay cá nhân.” Như vậy, không chỉ quốc gia là Trung Quốc, mà tổ chức như Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay cá nhân như Tập Cận Bình hoặc các quan chức khác, đều có thể bị kiện vì góp phần khiến đại dịch virus COVID-19 trở nên trầm trọng hơn bằng cách che giấu và không chia sẻ thông tin về đại dịch này với WHO theo luật pháp quốc tế.

Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sẽ né tránh trách nhiệm tại Tòa án Quốc tế, bởi chủ tịch của tổ chức này là bà Xue Hanqin, một người Trung Quốc. Tuy nhiên các quốc gia khác vẫn có thể tìm cách để trừng phạt tổ chức này. Kể từ năm 2016, đạo luật Magnitsky quốc tế đã cho phép Mỹ cùng các quốc gia khác cấm vận quốc gia, tổ chức, cá nhân vi phạm nhân quyền. Các tòa án trên thế giới cũng có thể tiếp nhận các đơn kiện dân sự yêu cầu các tổ chức và quốc gia bên ngoài lãnh thổ phải bồi thường tổn thất.

Quốc tế có rất nhiều cách và cơ sở pháp lý khác nhau để buộc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình, hay các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả nguy hiểm mà họ đã gây ra cho xã hội và kinh tế thế giới.

Massimo Introvigne, Bitter Winter
Xem bản gốc tại đây
Minh Nhật biên dịch