Đài Loan và Hồng Kông từ lâu đã xây dựng mối quan hệ xung quanh các ngành du lịch và thương mại, nhưng từ khi Trung Quốc gia sức bóp nghẹt tự do ở Hồng Kông, sự đồng cảm sâu sắc đã khiến mối quan hệ giữa người dân hai địa khu này càng mật thiết.

Taiwan with HK
Người Đài Loan biểu tình ủng hộ Hồng Kông chống luật dẫn độ về Trung Quốc (Ảnh: Epoch Times)

Khi Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ký thỏa thuận trao trả Hồng Kông từ Anh Quốc về Trung Quốc, bối cảnh của khu vực Đông Á nhìn rất khác so với bây giờ.

Đó là vào năm 1984: Trung Quốc mới mở cửa và đang ở ngày đầu của giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, người dân được hưởng một trong những giai đoạn tự do chính trị lớn nhất dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản; Hồng Kông đã là một trung tâm tài chính bùng nổ và là viên ngọc của những gì còn lại của Đế Chế Anh; rồi đến Đài Loan, quốc đảo sắp sửa chấm dứt 4 thập kỷ bị thiết quân luật đầy bạo lực. Lúc đó, nếu bạn đánh cược rằng nơi nào sẽ được tự do nhất sau 35 năm, Đài Loan sẽ có tỷ lệ đặt cược thấp nhất.

Từ đó đến nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, một cường quốc quân sự trong khi vẫn chi nhiều tiền hơn để trấn áp người dân của mình, bao gồm các trại tập trung đang giam cầm khoảng 2 triệu người Hồi giáo ở Tân Cương. Vai trò làm kho tàng và cánh cửa dẫn đến thế giới của Hồng Kông đối với Trung Quốc mà tỏ ra rất có tác dụng trong những năm đầu sau chuyển giao đã bị suy giảm đáng kể. Trong khi Trung Quốc ngày càng siết chặt cánh tay quyền lực ở Hồng Kông, thì người dân ở đây liên tục tổ chức các cuộc biểu tình quy mô gây chấn động toàn cầu để giành giật lại quyền tự do của mình. Đài Loan, quốc đảo mà Đảng Cộng sản Trung Quốc năm nào cũng thề sẽ thống nhất, đã thiết lập nền dân chủ năm 1990, và trở thành một trong những quốc gia tự do và tôn trọng nhân quyền nhất thế giới ngày nay.

Trong hầu hết thời gian, mối quan hệ giữa đặc khu Hồng Kông và Đài Loan đa số chỉ dừng lại ở thương mại và du lịch. Nhưng điều đó đang thay đổi, mối quan hệ đó đang sâu sắc hơn từ cấp độ ở những nhà hoạt động dân chủ cho tới lãnh đạo chính phủ.

Việc Trung Quốc vươn vòi bạch tuộc ra cả Hồng Kông và Đài Loan đã gia tăng qua từng năm, từ lĩnh vực kinh tế đến hệ thống chính trị. Bắc Kinh thậm chí còn hứa hẹn cho Đài Loan được hưởng “một quốc gia, hai chế độ” như Hồng Kông nếu Đài Loan chịu về với mẫu quốc, nếu không, không sớm thì muốn Đài Loan sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của đại lục.

Cuộc biểu tình Dù Vàng 2014 thất bại đã dẫn đến việc chính quyền Hồng Kông rơi vào tay những nhân vật thân Trung Quốc. Chính phủ thân Bắc Kinh của Lâm Trịnh Nguyện Nga đã liên tục khước từ yêu cầu của những người biểu tình ôn hòa, trong khi Bắc Kinh tiếp tục làm xói mòn mô hình “một quốc gia hai chế độ” mà họ đã cam kết với Anh Quốc năm 1984. Nhìn sang Hồng Kông, người Đài Loan cũng ra đường biểu tình để ủng hộ nhân dân Hồng Kông, đồng thời phản đối sự can thiệp của “truyền thông đỏ” ngày càng xâm lấn hòng gây ảnh hưởng tới công luận của hòn đảo này. Dưới cùng một bàn tay của chính quyền Bắc Kinh, có một sự đồng cảm sâu sắc về số phận chung nổi lên trong người dân hai địa khu, và đây là điều mà Bắc Kinh lo sợ nhất. Thực tế truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo Đài Loan và Hồng Kông chớ hợp tác với nhau chống Bắc Kinh.

Trong khi các quan chức Hồng Kông tỏ ra phớt lờ lo ngại của nhân dân Hồng Kông và người biểu tình, giới lãnh đạo của Đài Loan đã không tiếc lời ủng hộ người biểu tình. Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu đã nói trong buổi hội thảo các nhà chính trị, doanh nhân và nhà báo tại Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen hồi tháng trước về tình trạng chính trị ngày càng tồi tệ của Hồng Kông kể từ khi trao trả về Trung Quốc. Người Hồng Kông đã bị tước bỏ quyền dân chủ hoàn toàn, một số nghị sĩ mà họ bầu lên đã bị loại bỏ vì các lý do chính trị và tự do báo chị bị đàn áp, ông Wu cho hay. Khẳng định Bắc Kinh là kẻ đứng sau, ông bày tỏ sự ủng hộ đối với hơn một triệu người Hồng Kông đã đổ ra đường để phản đối đạo luật dẫn độ gây tranh cãi mà bà Lâm đề xuất.

Hai tiền đồn này của dân chủ chia sẻ những giá trị giống nhau, và con đường và số phận của chúng ta có liên hệ mật thiết”, ông Wu nói về Hồng Kông và Đài Loan. “Chúng ta cùng phải đứng trên hàng tiên phong chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa độc tài”.

Đài Loan cần phải giữ vững và chiến thắng, để người dân ở Hồng Kông và xa hơn còn có thể thấy tia sáng của hy vọng”, ông nói thêm. “Cũng ta cũng phải biết rằng nếu chúng ta gục ngã, những người khác sẽ sớm ngã theo”.

Bình luận của ông Wu đến giữa một loạt các sự kiện, buổi tập trung và hội họp ở Đài Bắc và Hồng Kông cho thấy sự thắt chắt quan hệ giữa hai bên. Ở những mức cơ bản nhất, người dùng Facebook Đài Loan đã đổi ảnh đại diện thành lá cờ Hồng Kông bị bôi đen, tổ chức các buổi biểu tình trên khắp cả nước để ủng hộ người biểu tình Hồng Kông. Hôm 16/6, khoảng 10.000 người biểu tình ủng hộ Hồng Kông đã tập trung ở Đài Bắc. Tại sự kiện trao giải Kim Khúc (được coi như giải Grammys dành cho các nước nói tiếng Hoa) tại Đài Bắc, nhà hoạt động, nhạc sĩ Hồng Kông Denise Ho đã cảm ơn Đài Loan vì sự ủng hộ này, trong khi đó một nhóm nghệ sĩ ở Hồng Kông gần đây đã ghi âm một ca khúc thể hiện sự đoàn kết với Đài Loan, hát bằng tiếng quan thoại và tiếng Quảng.

denise ho 2
Ca sĩ, nhạc sĩ Denise Ho bị bắt tại Hồng Kông

Ở cấp độ chính phủ, Đài Loan đã nỗ lực để giúp phản đối luật dẫn độ ở Hồng Kông, mà nếu thông qua sẽ cho phép Hồng Kông gửi nghi phạm tới Trung Quốc đại lục, Đài Loan hoặc Macau để hệ thống tư pháp ở đó xét xử.

Căn cứ để Trưởng đặc khu Hồng Kông đề xuất đạo luật này là một vụ sát nhân của một người Hồng Kông tại Đài Loan. Nhưng Đài Loan tuyên bố họ sẽ không chấp nhận nghi phạm được gửi về theo một điều luật có thể giúp Bắc Kinh bắt bất cứ ai mà nhà cầm quyền độc tài này không ưa.

Những nỗ lực và hy sinh của người biểu tình Hồng Kông đã giành được chiến thắng tạm thời. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, vốn kiên quyết thông qua đạo luật này đã buộc phải cúi đầu xin lỗi và hoãn lại dự luật vô thời hạn. Tuy nhiên kết quả này chưa làm người Hồng Kông thỏa mãn, người biểu tình vẫn đổ ra đường yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn đạo luật này, thậm chí đòi bà Lâm phải từ chức.

Quan hệ mật thiết giữa Hồng Kông và Đài Loan vượt trên giới hạn của một đạo luật dẫn độ và tương lai của nền dân chủ Hồng Kông. Đa số người dân Đài Loan đã phản đối việc thống nhất với Trung Quốc khi nhìn thấy viễn cảnh đen tối tại Hồng Kông hiện tại.

Chúng tôi là tấm gương cho Đài Loan nếu họ chấp nhận “một quốc gia, hai chế độ” từ Trung Quốc. Điều này có lẽ sẽ xảy ra với họ”, Denise Ho nói trong một buổi phỏng vấn.

Bà Thái Anh Văn đã tỏ rõ thái độ chống lại đề nghị thống nhất với Trung Quốc. Nhưng hậu quả không ngờ cho Bắc Kinh khi đề xuất luận dẫn độ Hồng Kông là thậm chí các thành viên của Quốc Dân Đảng vốn có đường lối thân Trung Quốc, cũng phải lên tiếng tách biệt bản thân khỏi đại lục. Han Kuo -yu, ứng viên Tổng thống ưa thích của Bắc Kinh để chống lại bà Thái trong cuộc bầu cử vào năm sau, đã tuyên bố nếu ông đắc cử, mô hình Hồng Kông chỉ đến được với Đài Loan “nếu bước qua xác tôi”.

Giới tinh hoa chính trị Đài Loan đang quan sát các sự kiện ở Hồng Kông một cách chặt chẽ”, Lauren Dickey, nhà phân tích Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu CAN tại Virginia nói.

Ở cấp độ thấp hơn, các nhà hoạt động xã hội ở Đài Loan xem Hồng Kông như một tương lai đen tối cho Đài Loan. Lãnh đạo của Phong trào Hoa Hương Dương năm 2014 tại Đài Loan có liên hệ với lãnh đạo của phong trào Ô Dù tại Hồng Kông vào cùng năm – cả hai cuộc biểu tình đều là các nỗ lực to lớn của giới trẻ chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Năm nay, nhiều cuộc biểu tình phản đối sự tác động của truyền thông thân Bắc Kinh đã được tổ chức trên khắp Đài Loan, như một sự cảnh giác trước các sự kiện ở Hồng Kông.

 “Hậu quả ghê người của nền độc tài có khả năng vượt qua đại dương và tác động đến thế giới”, Monique Wu, một bác sĩ trị liệu tại Đài Loan nói. “Nếu hôm nay chúng ta không đứng lên ủng hộ Hồng Kông, rồi sẽ không có ai đứng lên vì Đài Loan”.

Luật bầu cử đã giúp phe thân Bắc Kinh có được cả đa số ghế ở hội đồng lập pháp Hồng Kông lẫn vị trí Trưởng Đặc khu. Những đại diện trong thiểu số của cơ quan lập pháp Hồng Kông đang đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ cho thành phố này, nhìn vào Đài Loan để cảm thấy họ không đơn độc.

Người Hồng Kông cảm thấy chúng tôi không đơn độc trong cuộc chiến chống lại người khổng lồ Goliath này”, Ray Chan, một nghị sĩ ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông nói với ký giả của tờ The Atlantic. “Hồng Kông và Đài Loan đều đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại sự xâm lấn dần dần của của chủ nghĩa độc tài Bắc Kinh. Sự hợp tác và ủng hộ lẫn nhau giữa chúng ta sẽ là chìa khóa để bảo vệ tự do”.

Trọng Đức (theo The Atlantic)

Xem thêm: