Hãng điện thoại di động hàng đầu của Trung Quốc ZTE mới đây đã phải dừng hoạt động sản xuất toàn cầu do không được sử dụng các linh kiện Mỹ sau khi lệnh cấm của chính phủ Trump có hiệu lực.

ZTE Smartphone
ZTE là hãng điện thoại thông minh lớn thứ hai Trung Quốc. (Ảnh qua trang arstechnica.com)

ZTE hiện tại đang là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai của Trung Quốc, sau Huawei và năm ngoái hãng công nghệ này là đơn vị bán lẻ điện thoại thông minh lớn thứ tư tại thị trường Mỹ.

Hôm thứ Tư (9/5), ZTE phát đi thông báo tới các nhà giao dịch thị trường chứng khoán tại Hồng Kông rằng: “Các hoạt động chính của công ty [ZTE] đã tạm dừng”.

Theo trang tin arstechnica.com, hoạt động kinh doanh của ZTE đã bị đình trệ sau khi lệnh của chính phủ Mỹ cấm các công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ cho ZTE Trung Quốc có hiệu lực hôm 15/4. Doanh nghiệp sản xuất điện thoại hàng đầu của Trung Quốc này phụ thuộc lớn vào các linh kiện do Mỹ sản xuất, đặc biệt là chip điện tử của Qualcomm và các ứng dụng trong hệ điều hành Android của Google.

Vào năm ngoái, ZTE thừa nhận trong nhiều năm qua đã thực hiện một kế hoạch kỹ lưỡng bán công nghệ Mỹ cho Iran và Bắc Hàn vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Sau khi nhận tội, ZTE đã nộp 890 triệu USD tiền phạt và cho biết họ đang trong quá trình kỷ luật hàng chục cán bộ cao cấp của công ty, những người chịu trách nhiệm về kế hoạch vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, vào tháng trước, chính phủ Trump đã cáo buộc ZTE vẫn đang tiếp tục nói dối chính quyền Mỹ ngay sau khi họ đã nhận tội vào năm ngoái. Doanh nghiệp của Trung Quốc nói với chính phủ Mỹ rằng các cán bộ điều hành liên quan tới vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đã nhận quyết định kỷ luật và giảm thưởng năm 2016. Nhưng phía Mỹ hiện tại cho biết ZTE đã nói dối và nhiều cán bộ liên quan vẫn nhận thưởng đầy đủ và họ không phải nhận quyết định kỷ luật cho tới đầu năm 2018 sau khi chính phủ Mỹ gây áp lực nhiều hơn với ZTE về vấn đề đó.

Trong thông báo kích hoạt lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cho ZTE hôm 15/4, quan chức Bộ Thương mại Mỹ Richard Majauskas viết rằng ZTE đã thể hiện là một “mô hình lừa dối, tuyên bố sai sự thật và vi phạm nhiều lần”. Ông Majauskas cho biết lá thư mà ZTE gửi tới giới chức Mỹ vào tháng 7/2017 “chứa đầy những tuyên bố sai sự thật”.

Ông Majauskas đã lập luận rằng từ năm 2011, ZTE đã “áp dụng nhiều chiến lược nhằm giữ kín và che giấu bản chất thực sự và vai trò phạm pháp của công ty này” trong các thương vụ chuyển giao công nghệ Mỹ cho Iran và Bắc Hàn. “Kết quả của âm mưu này, ZTE đã thu được hàng trăm triệu USD trong các hợp đồng chuyển giao và bán các mặt hàng như bộ định tuyến trên tàu biển, bộ vi xử lý và máy chủ cho các thực thể Iran” vi phạm các lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

Với những vi phạm liên tiếp và có hệ thống như vậy của ZTE, vào ngày 15/4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã chiếu theo quy tắc ‘lựa chọn hạt nhân’, áp dụng biện pháp quyết liệt để cấm ngay lập tức các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh với ZTE.

Không may cho ZTE khi họ phụ thuộc quá lớn vào phần mềm và phần cứng của Mỹ. Theo Reuters, ít nhất 25% bộ phận trong điện thoại của hãng ZTE là nhập từ các công ty Mỹ. ZTE sử dụng nhiều chip Qualcomm cho điện thoại thông minh và các sản phẩm công nghệ khác.

Tệ hại hơn khi lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ Mỹ cũng bao gồm cấm ZTE sử dụng bộ ứng dụng Android tiêu chuẩn của Google. Mặc dù bản thân hệ điều hành Android là mã nguồn mở và các doanh nghiệp được tùy ý sử dụng hợp pháp, nhưng Google vẫn duy trì kiểm soát bản quyền với các ứng dụng cơ bản như Google Map và đặc biệt là Play Store – chợ ứng dụng dùng để tải các ứng dụng khác trên hệ điều hành Android. Với các sản phẩm điện thoại thông minh mà không thể tiếp cận chợ ứng dụng của Google, rất khó cho ZTE có thể bán được các sản phẩm này tại các thị trường ngoài Trung Quốc.

Được biết, hiện tại ZTE đang rơi vào bờ vực phải ngừng sản xuất kinh doanh hoàn toàn. Doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc này thông tin với báo giới rằng họ “đang chủ động liên lạc với các cơ quan hữu quan của chính phủ Mỹ” để đàm phàn nhằm đảo ngược lại lệnh cấm xuất khẩu. Tuy nhiên, ngoại giới nhận định rằng rất khó để chính phủ Trump thay đổi quyết định vào thời điểm này. Nếu ZTE muốn tiếp tục tồn tại, họ sẽ phải thiết kế lại nhiều sản phẩm để ngay từ đầu các mặt hàng công nghệ này không phụ thuộc vào phần cứng và phần mềm của Mỹ.

Sự kiện ZTE phải tạm dừng sản xuất là dấu hiệu mới nhất cho thấy rạn nứt thương mại sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc với công nghệ thông tin là điểm bùng nổ đặc biệt.

Ngoài ZTE, hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc – Huawei cũng đang phải vật lộn để thương thảo với các công ty truyền thông Mỹ do các áp lực từ nhiều quy định của chính quyền Mỹ thể hiện quan ngại về an ninh quốc gia.

Trong năm ngoái, chính phủ Trump cũng đã ngăn chặn ít nhất hai thương vụ các doanh nghiệp Trung Quốc mua các công ty bán dẫn của Mỹ vì lo ngại phía Bắc Kinh sẽ thực hiện nghiệp vụ gián điệp qua các công ty này.

Hôm thứ Ba (8/5), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm trao đổi về vấn đề thương mại song phương sau khi cuộc đàm phàn tại Bắc Kinh giữa phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu và đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc làm trưởng đoàn chưa thu được bất kỳ kết quả nào.

Tờ Hoa Nam Buổi Sáng cho biết trong cuộc điện đàm đó, Ông Trump kêu gọi các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh phải dẫn tới kết quả “lợi ích cho các doanh nghiệp và lao động Mỹ”, trong khi ông Tập hướng tới “lợi ích song phương, hai bên cùng thắng”.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập nói với ông Trump rằng: “Đội ngũ đàm phán của cả hai bên có thể duy trì liên lạc và gắng sức để tìm ra giải pháp cho các vấn đề tồn đọng nhằm đạt được các kết quả cùng có lợi, hai bên cùng thắng’’.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn Trung Quốc tới Washington trong tuần tới để tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ, trong đó vấn đề lệnh cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ cho ZTE khả năng sẽ được phía Trung Quốc đề cập với hy vọng tháo gỡ khó khăn cho hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc này.

Hùng Cường (T/h)

Xem thêm: