Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng 1 đã hoàn tất vào Chủ Nhật (11/6). Thăm dò sau bầu cử cho thấy đảng của Tổng thống Emmanuel Macron nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi áp đảo, trong khi đảng Xã Hội Pháp chịu thất bại đau đớn.

BBC cho biết, sau khi cử tri Pháp hoàn thành bỏ phiếu vòng 1, các dự báo cho thấy đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) theo đường lối ôn hòa của ông Macron có thể giành tới 445 ghế trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội Pháp sau cuộc bỏ phiếu vòng 2 vào tuần tới.

Đảng của Tổng thống Macron mới chỉ được thành lập hơn 1 năm trước và nhiều ứng cử viên có ít hoặc gần như không có kinh nghiệm chính trị. Nhưng, theo dự báo của cả hai tổ chức thăm dò bầu cử, LREM đã giành được trên 30% số phiếu bầu tại vòng 1 này.

Thủ tướng Pháp, ông Edouard Philippe phát biểu trên kênh French TV rằng: “Nước Pháp đã trở lại. Chủ nhật tới, Quốc hội sẽ thể hiện khuôn mặt mới của nền cộng hòa của chúng ta”.

Ông Jose Jeffrey, một nhân viên Bộ Y tế, bầu cho đảng LREM, nói rằng: “Đây là một sự đổi mới của tầng lớp chính trị”.

Theo BBC, số lượng cử tri tham gia bầu cử lần này khá thấp, chỉ đạt gần 49%. Các nhà phân tích nhận định rằng điều này phản ánh sự buông xuôi của các đối thủ của ông Macron.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa, theo đường lối trung hữu, ông François Baroin đã nói rằng số lượng cử tri đi bầu thấp đã minh chứng cho “sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp”.

Ông François nói: “Trong vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống [tháng trước], gần 50%  người Pháp đã sẵn sàng để lựa chọn một giải pháp căn bản. Nhưng tới vòng 2, 16 triệu cử tri đã từ chối đưa ra lựa chọn giữa ông Macron và bà Le Pen (đảng Mặt trận Quốc gia) bằng cách bỏ phiếu trống hoặc làm hỏng phiếu bầu. Lần bầu cử Quốc hội vòng 1 này, số cử tri đi bầu thấp còn rõ ràng hơn và đó là điều cực kỳ đáng lo ngại”.

Phóng viên Hugh Schofield của BBC thường trú tại Paris cho biết mọi thứ đều cho thấy ông Macron đã giành thêm một chiến thắng áp đảo, chỉ thách thức nhỏ đến từ đảng Cộng hòa.

Ông Schofield cho hay đảng Xã hội Pháp, những người nắm giữ quyền lực gần nhất, đang phải đối mặt với sự đào thải mang tính lịch sử và đảng Mặt trận Quốc gia (FN) theo đường lối cực hữu với sự lãnh đạo của bà  Marine Le Pen, cũng thể hiện sự kém hiệu quả trong chiến dịch tranh cử Quốc hội lần này.

BBC, dẫn thông tin từ các công ty thăm dò bầu cử, dự đoán rằng đảng Cộng hòa sẽ giành được 20.9%, đảng FN đạt 13,1% và đảng Xã hội cùng với một nhóm các đảng cánh tả có thể chỉ có 9% phiếu bầu.

Đảng Xã Hội Pháp đã hứng chịu thất bại đau đớn. Lãnh đạo của đảng này, ông Jean-Christophe Cambadelis đã xác nhận đã bị thất cử – một biểu tượng cho sự ra đi tuyệt vọng của đảng này sau 5 năm cầm quyền. Ông Benoit Hamon, ứng viên tổng thống thất bại, nhiều khả năng cũng sẽ nối gót ông Cambadelis vắng mặt tại Quốc hội mới.

Ông Cambadelis thừa nhận rằng cuộc bầu cử vòng 1 đánh dấu thất bại “chưa từng có” cho đảng Xã Hội Chủ Nghĩa, chỉ giành được từ 30 – 40 ghế.

Lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia, bà Marine Le Pen, đã gọi tỉ lệ cử tri đi bầu thấp là “thảm họa” và thúc giục những người ủng hộ hãy tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vòng 2.

Cuộc bầu cử Quốc hội vòng 2 sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật tới (18/6). Lãnh đạo Đảng Cộng hoà và Đảng Xã hội đều kêu gọi người dân đi bỏ phiếu vòng 2 và cảnh báo sự nguy hiểm khi tập trung quyền lực quá nhiều vào 1 đảng.

Cơ chế bầu Hạ viện Pháp

Pháp tổ chức bầu cử Hạ viện theo theo thể thức bầu cử phổ thông đầu phiếu đơn danh đa số và hai vòng.

Tại vòng một, nếu ứng viên nào đạt hơn 50% tổng số phiếu bầu và tương đương tối thiểu 25% tổng số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử đó thì trúng cử ngay. Nếu không có ứng cử viên nào trúng cử ngay vòng một thì hai ứng cử viên về đầu sẽ tự động được tham gia vòng hai.

Nhưng bất cứ ứng cử viên nào thu được hơn 12,5% số phiếu, tính theo tổng số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử, cũng đều được vào vòng hai. Do vậy, ở vòng hai có thể có đến 3, thậm chí 4 ứng cử viên tranh ghế dân biểu. Ở vòng hai, ứng cử viên nào thu được nhiều phiếu nhất sẽ đắc cử dân biểu Quốc Hội.

Xuân Thành

Xem thêm: