Trong cuộc bầu cử quốc hội địa phương tại Nga diễn ra hôm Chủ Nhật (8/9), đảng nước Nga Thống nhất thân Tổng thống Vladimir Putin đã thua 1/3 ghế tại Quốc hội Moscow so với kỳ bầu cử trước. Đảng này cũng thua lớn tại Khabarovsk, vùng viễn đông và mất đa số ghế ở Irkutsk, vùng đông Siberia.

Embed from Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin đi bỏ phiếu bầu Quốc hội Moscow hôm Chủ Nhật (8/9).

Cuộc bầu cử tại Nga hôm 8/9 là một trong những cuộc bầu cử địa phương được theo dõi sát sao nhất trong nhiều năm qua do gần hai tháng nay người dân Nga đã tổ chức biểu tình quy mô lớn phản đối Ủy ban Bầu cử Trung ương loại bỏ các ứng viên đối lập khỏi danh sách tranh cử.

Các cuộc biểu tình bùng phát tại Nga từ giữa tháng Bảy sau khi Ủy ban Bầu cử Trung ương từ chối đơn đăng ký tranh cử của nhiều ứng viên đối lập với lý do những người này không thu thập đủ chữ ký ủng hộ.

Những ứng viên bị loại bỏ, trong đó có nhiều đồng minh của chính trị gia đối lập nổi tiếng Alexei Navalny, đã lên án hành động của Ủy ban Bầu cử Trung ương là mưu mẹo nhằm ngăn chặn họ thắng ghế Quốc hội Moscow.

Theo hãng tin RIA (Nga), đảng nước Nga Thống nhất đã thua khoảng 1/3 ghế so với kỳ bầu cử 5 năm trước.

RIA loan tin rằng đảng nước Nga Thống nhất thắng được 26 trong tổng cộng 45 ghế của Quốc hội Moscow. Trong năm 2014, đảng thân Putin này giành tới 38 ghế (28 thành viên đảng và 10 ứng viên độc lập ủng hộ đảng).

Ngoài đảng nước Nga Thống nhất, hai đảng khác mà ông Putin cũng có ảnh hưởng nhất định là đảng Cộng sản và đảng Chỉ một nước Nga khả năng giành được lần lượt 13 và 4 ghế tại Quốc hội Moscow, theo RIA. Trong kỳ bầu cử 5 năm trước, đảng Cộng sản Nga chỉ thắng được 5 ghế.

Cũng theo RIA, hai đảng đối lập là đảng Yabloko và đảng nước Nga Công bằng, mỗi đảng chỉ chiếm được 3 ghế.

Bên cạnh cuộc bầu cử tại Moscow, hôm 8/9, người dân Nga cũng đi bầu cử người đứng đầu của 16 khu vực và các nhà lập pháp của 13 nghị viện khu vực.

Theo Politico, tại thành phố St. Petersburg, Thống đốc đương nhiệm Alexander Beglov khả năng tái cử thành công. Ông Beglov là cựu Chủ tịch đảng nước Nga Thống nhất tại St Petersburg, nhưng tham gia tranh cử lần này với tư cách ứng viên độc lập. Năm thống đốc đương nhiệm khác cũng chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 8/9 sau khi đăng ký tranh cử với tư cách ứng viên độc lập.

Cũng theo Politico, thất bại lớn nhất của đảng nước Nga Thống nhất trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật là tại khu vực Khabarovsk, vùng viễn đông Nga. Tại đây, đảng thân Putin chỉ giành được 2 trong tổng cộng 35 ghế của nghị viện địa phương. Chiến thắng áp đảo thuộc về đảng Dân chủ Tự do Nga. Năm ngoái, đảng Dân chủ Tự do Nga cũng thắng trong cuộc bầu cử thống đốc khu vực Khabarovsk.

Trong khi đó, tại Irkutsk, vùng đông Siberria, theo Politico, đảng nước Nga Thống nhất nhiều khả năng cũng mất đa số tại quốc hội địa phương.

Lãnh đạo đối lập Navalny đã hoan nghênh kết quả bầu cử Chủ Nhật là thành công cho chiến thuật bỏ phiếu mà ông khởi xướng – “Bỏ phiếu Thông minh”. Ông Navalny coi cuộc bầu cử này là cuộc trưng cầu dân ý đối với đảng nước Nga Thống nhất và kêu gọi cử tri cả nước hãy ủng hộ cho các ứng viên có khả năng cao nhất trong việc đánh bại thành viên đảng nước Nga Thống nhất, kể cả việc bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng sản hoặc đảng Chỉ một nước Nga.

Chúng tôi có thể nói rõ ràng rằng kết quả tại Moscow là chiến thắng cho Bỏ phiếu Thông minh,” ông Navalny nói.

Tuy nhiên, một số chính trị gia đối lập khác lại cho rằng cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật không phải là bầu cử thực sự.

Bà Dariya Besedina – ứng viên đảng Yabloko, người đã thắng cử viết trên Twitter: “Không có các cuộc bầu cử thực sự – nhiều ứng viên rõ ràng có thể chiến thắng đã không được tham gia tranh cử.” Bà Besedina cũng nói rằng trong cuộc họp đầu tiên sắp tới, bà sẽ kêu gọi Quốc hội Moscow tự giải tán.

Bà Lyubov Sobol – một lãnh đạo đối lập nổi tiếng khác, hôm 8/9 đã nói rằng cuộc bầu cử nghị viện Moscow là “một đám tang cho sự ảo tưởng về nền dân chủ”.

Trong khi đó, các nhà chức trách Nga thì lại cáo buộc Facebook và Google can thiệp vào bầu cử Nga hôm Chủ Nhật bằng cách cho phép quảng cáo chính trị trên các trang này trong ngày 8/9.

Theo Politito, cơ quan giám sát truyền thông nhà nước Nga Roskomnadzor cho biết căn cứ theo luật pháp Nga họ đã yêu cầu Facebook và Google ngăn chặn các quảng cáo chính trị trước các cuộc bầu cử hôm 8/9. “Những hành động như vậy có thể bị coi là can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của Nga,” Roskomnadzor nói. Các quan chức chính phủ Nga trước đó cũng đã cáo buộc các nước phương Tây khuyến khích biểu tình tại Moscow trong suốt gần hai tháng qua.

Xuân Thành

Xem thêm: